'Người vùng cao dưới lòng đất'

Từ những rẻo cao lưng chừng trời, chúng tôi cùng tới vùng than để 'ngày ngày tiến quân vào lòng đất', cùng phấn đấu góp sức xây dựng quê hương và tổ ấm của riêng mình...

Tôi là Vừ A Vàng, Lò trưởng Ca sản xuất đặc thù của Phân xưởng Đào lò 2, Công ty Than Dương Huy – TKV (TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh). Gọi là “đặc thù” vì chúng tôi là ca sản xuất đầu tiên trong ngành than gồm toàn công nhân người dân tộc thiểu số. Dương Huy hiện có gần 600 CBCNV với 21 dân tộc thiểu số anh em thì ca chúng tôi hôm nay có 30 người, 10 dân tộc khác nhau. Tôi được tin tưởng giao nhiệm vụ Lò trưởng, hỗ trợ Phó Quản đốc phụ trách Ca sản xuất đặc thù mới 3 tháng gần đây, đã dần quen thuộc các công việc từ giao ca tới bố trí công việc cho đồng đội.

Vào ca 2, khi mặt trời vừa qua giờ đứng bóng cũng là lúc chúng tôi bước vào lò tối. Giống như chú chuột chũi cần mẫn, thợ đào lò chính là người mở đường vào sâu trong lòng đất - bước đầu tiên trong cả chuỗi sản xuất than. Ca chúng tôi hiện đang đảm nhiệm 5 gương lò có tiết diện từ 9,5 đến 13,1m2, trong đó có cả gương lò neo. Có gương ở đường lò dọc vỉa đá độ cao +38, nhưng cũng có gương phải xuống sâu, xuyên vỉa -60, -100 mét so với mực nước biển, có khi phải đi bộ hàng cây số để đến vị trí làm việc.

Tôi luôn kiểm tra vị trí thi công, trao đổi với anh em đồng đội các công việc củng cố lò, xúc đất đá còn tồn đọng, phân công người khoan gương, người nạp nổ mìn… Những gương mặt thân quen đứng bên gương than, anh Phúc người Tày quê Bắc Kạn, anh Thắng người Dao ở Hà Giang, có cả Dinh, anh bạn người Mông của tôi đang là học sinh thực tập. Nhớ lại hồi mới thành lập Tổ sản xuất đặc thù cuối tháng 2/2023, sau đó được mở rộng thành Ca sản xuất đặc thù, anh em đều hồ hởi khi có môi trường đặc biệt dành riêng cho mình. Bước đầu nhiều bỡ ngỡ, đơn vị và phân xưởng bố trí các anh là thợ bậc cao đan xen, kèm cặp, chỉ bảo nhiệt tình.

Sinh năm 1994 và có hơn 5 năm làm mỏ, tôi đã quen với bao đường lò xương cá, lên và xuống giống như những con đèo, dốc núi quê mình. Khi học hết THPT, nghe lời khuyên của thầy giáo “làm mỏ tuy vất vả nhưng thu nhập cao và ổn định”, tôi đã khăn gói từ rẻo cao Tủa Chùa, Điện Biên tới trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh, học ngành Kỹ thuật mỏ hầm lò. Học rồi ham nghề, tôi tiếp tục lấy tấm bằng Đại học thứ 2 ngành Trắc địa mỏ.

Trong tiếng gõ inh ỏi, mũi khoan “ngọt lịm” tiến sâu vào gương. Máy xúc lật hông loại VMC-E-500-1 hay xe khoan 1 cần CMJ 1-14 đều là những thiết bị hiện đại bậc nhất, cơ giới hóa giúp thợ đào lò tiết kiệm công sức, nâng cao năng suất hơn hẳn trước kia. Như anh Phúc (thợ bậc 2/5) hiện đã thực hiện đào được 1,6m lò đá/ca, là mức cao của cả đơn vị. Chúng tôi luôn được tạo nhiều điều kiện để học hỏi, dần tự tin làm chủ các loại máy móc công nghệ mới, phấn đấu tiến tới đảm nhận được các gương có điều kiện thi công khó hơn.

Mọi công đoạn đào lò đều cần sự tập trung cao độ, không chỉ đòi hỏi sức khỏe tốt mà còn phải không ngừng luyện rèn tay nghề, tinh thần nhạy bén, tìm ra phương pháp thi công hợp lý để đẩy nhanh tốc độ đào lò, giảm chi phí đầu tư, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất cho đơn vị. Nhờ có Tổ, Ca sản xuất đặc thù, anh em đồng đội người DTTS chúng tôi tự nhận thấy trách nhiệm của mình lớn hơn, nhờ đó mà nâng cao tính tự chủ, tác phong công nghiệp, tích cực rèn luyện nâng cao năng lực, đặc biệt là thêm gắn bó với nghề, với đơn vị.

Tháo vì cũ, dựng vì mới, mỗi mét lò hoàn thành là kết quả của tinh thần “Kỷ luật - Đồng tâm” của tất cả anh em đồng đội. Đoàn kết và hỗ trợ nhau, chúng tôi không chỉ đạt sản lượng và kế hoạch đơn vị giao mà năng suất cũng ngày một cao hơn từ 120-140% so với giao khoán. Có tháng, Ca sản xuất đạt tới 140m lò, được khen thưởng, động viên kịp thời. Thu nhập bình quân của anh em khoảng 1 triệu đồng/người/công, riêng anh Lý A Hồng người Mông quê Lai Châu đạt tới 38 triệu đồng/tháng. Sau thí điểm các tổ tại Phân xưởng Đào lò 2 và Đào lò 5, đơn vị đã sơ kết, đánh giá cao và đang định hướng tiếp tục xây dựng Phân xưởng sản xuất đặc thù 100% công nhân là người DTTS, vào khoảng quý I/2024.

Điều khiến tôi tự hào nhất là mình đã rèn luyện, phấn đấu để được đứng trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngày 19/5/2022, thề dưới cờ Đảng, tôi vinh dự trở thành Đảng viên người DTTS thứ 2 của Chi bộ Phân xưởng Đào lò 2. Anh Nguyễn Văn Du, Bí thư Chi bộ, Quản đốc Phân xưởng cũng giao cho tôi nhiệm vụ cùng động viên, giúp đỡ đồng nghiệp người DTTS phấn đấu, tiến tới được xét kết nạp Đảng. Nhiệm vụ này không dễ, nhưng tôi tự tin mình có thể làm tốt.

Ngoài giờ sản xuất, chúng tôi còn cùng nhau sinh hoạt, tham gia các hoạt động văn nghệ, thể thao sôi nổi. Là Ủy viên BCH Chi đoàn của Phân xưởng, tôi cũng thường tổ chức, kêu gọi mọi người cùng tham gia bóng đá, bóng chuyền. Vào những dịp hội thao có các trò chơi truyền thống ném pao, nhảy bao bố, đẩy gậy, kéo co, bắt vịt, anh em lại có thêm dịp giao lưu. Nhờ đó, tuy tiếng nói, cách suy nghĩ ban đầu có đôi chút khác biệt, nhưng chúng tôi đã dần hiểu nhau, cùng chia sẻ vui buồn trong cuộc sống.

Từ vùng cao Tủa Chùa, Điện Biên, giờ đây tôi đã là người phố mỏ Cẩm Phả, Quảng Ninh. Núi cao sương mờ thay bằng lò sâu hun hút. Hạnh phúc của tôi là luôn có gia đình nhỏ ở bên, là động lực để tôi nỗ lực hơn nữa, như lời vợ tôi vẫn động viên bằng câu nói quen thuộc của người Mông “Sí dồ tọ cang chèn tút mùa” (Phải cố gắng, sau này mới có).

Trường Giang/VOV-Đông Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/nguoi-vung-cao-duoi-long-dat-post1051488.vov