Người xin ăn vẫn còn nhiều trên đường phố

TP.HCM đã yêu cầu chính quyền các địa phương giải quyết tình trạng trẻ em, người lang thang xin ăn nhưng bước đầu chưa có nhiều kết quả.

Ngày 10-3, UBND TP.HCM ban hành Quyết định 812 quy định cơ chế phối hợp thực hiện công tác tập trung trẻ em, người lang thang xin ăn và đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp khác trên địa bàn có hiệu lực từ ngày 16-3. Tuy nhiên, khảo sát của Pháp Luật TP.HCM ngày 11 và 12-4 cho thấy trẻ em và người lang thang xin ăn vẫn xuất hiện tại nhiều tuyến đường trên địa bàn TP.

Ảnh hưởng giao thông, mỹ quan đô thị

Ngã tư Trung Chánh (huyện Hóc Môn, TP.HCM) trưa nắng gắt, bé gái tầm 12 tuổi gầy gò, đen đúa cầm nón đến trước từng người đang dừng đèn đỏ để xin tiền. Đèn xanh vừa bật, nhiều người vội vàng rồ ga khiến bé gái “mắc kẹt” giữa dòng xe cộ đang ùn ùn di chuyển. Lát sau, cũng tại vị trí này xuất hiện thêm một phụ nữ bồng em bé nhỏ, tay cầm nón len lỏi giữa xe máy, xe tải để xin tiền...

Người đàn ông bế con xin tiền người đi đường ở ngã tư Bảy Hiền, quận Tân Bình, TP.HCM. Ảnh: TRẦN NGỌC

Người đàn ông bế con xin tiền người đi đường ở ngã tư Bảy Hiền, quận Tân Bình, TP.HCM. Ảnh: TRẦN NGỌC

Cạnh cột đèn giao thông ở ngã tư Bảy Hiền (quận Tân Bình, TP.HCM), một người đàn ông vừa giữ con nhỏ vừa xin tiền. Mỗi khi xe dừng đèn đỏ, người này chìa chiếc nón lá ra phía trước, dáng vẻ cầu xin. Có lẽ do thương hại hai cha con, không ít người đã thả tiền vào nón.

Tại ngã tư Phan Văn Trị - Phạm Văn Đồng (quận Gò Vấp, TP.HCM), một phụ nữ tầm 50 tuổi đầu không còn tóc ngồi dưới đất, tay cầm chiếc thau nhựa màu vàng. Mỗi khi xe dừng đèn đỏ, bà giơ thau ra phía trước xin tiền. Cách đó không xa, một người đàn ông trên 60 tuổi mỗi khi đèn đỏ là đến từng người đang dừng xe để xin tiền. Đèn xanh bật lên, dòng xe phải vừa đi vừa né, tránh đụng phải ông già đang loay hoay giữa đường. Những người dân ở khu vực này cho biết sự có mặt của những người xin tiền ít nhiều ảnh hưởng đến giao thông, gây mất mỹ quan đô thị.

Chính quyền và người dâncùng vàocuộc

Ông Đinh Mạnh Dũng, Phó Chủ tịch UBND phường 6, quận Gò Vấp, TP.HCM, cho biết UBND phường đã triển khai tập trung trẻ em, người lang thang xin ăn trên địa bàn ngay khi Quyết định 812 được ban hành và có văn bản chỉ đạo của UBND quận Gò Vấp.

Bé gái cầm nón xin tiền ở ngã tư Trung Chánh, huyệnHócMôn, TP.HCM. Ảnh: TRẦN NGỌC

“Mới đây, UBND phường nhận được tin báo của bà con về trường hợp một phụ nữ có biểu hiện tâm thần, lang thang xin ăn và ngủ ngoài đường. UBND phường nhanh chóng tiếp cận, lập hồ sơ chuyển người này tới Trung tâm Điều dưỡng người bệnh tâm thần ở TP Thủ Đức, TP.HCM” - ông Dũng nói.

Chủ tịch UBND các cấp phải chịu trách nhiệm

Theo Quyết định 812 của UBND TP.HCM, chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn phải chịu trách nhiệm trước UBND quận, huyện, TP Thủ Đức trong trường hợp phát hiện trẻ em, người lang thang xin ăn nhưng không xử lý.

Chủ tịch UBND quận, huyện, TP Thủ Đức chịu trách nhiệm trước chủ tịch UBND TP.HCM nếu để xảy ra tình trạng trẻ em, người lang thang xin ăn và người dân thường trú trên địa bàn (địa chỉ thường trú không thuộc trường hợp nhà đã bán hoặc giải tỏa) tái thực hiện hành vi lang thang xin ăn.

Bà Phan Thị Mịnh, Phó Chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, TP.HCM, cho biết trước khi có Quyết định 812, UBND phường đã triển khai hoạt động tập trung trẻ em, người lang thang xin ăn trên địa bàn. Sau khi có quyết định này, phường Bình Hưng Hòa B đã thành lập tổ công tác tập trung trẻ em, người lang thang xin ăn. Hiện tổ công tác hoạt động rất tích cực và hiệu quả.

“Trước đây, ngã tư Gò Mây và khu vực cầu Bình Thuận thuộc địa phận phường Bình Hưng Hòa B xuất hiện vài người lang thang xin ăn. UBND phường đã phối hợp cùng các phường giáp ranh lập hồ sơ và chuyển họ tới các trung tâm bảo trợ TP.HCM. Do vậy, tình trạng trẻ em và người lang thang xin ăn trên địa bàn hầu như không còn” - bà Mịnh cho biết thêm.

Tương tự, UBND xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn, TP.HCM cũng tổ chức tập trung trẻ em, người lang thang xin ăn trên địa bàn trước khi Quyết định 812 được ban hành. “Trong tháng 2-2023, UBND xã đã lập hồ sơ và chuyển ba trường hợp lang thang xin ăn tới các trung tâm bảo trợ xã hội” - ông Tô Thanh Tùng, Chủ tịch UBND xã Tân Thới Nhì, cho biết.

Ông Tùng cho biết thêm để công tác tập trung trẻ em và người lang thang xin ăn mang lại hiệu quả cao, rất cần sự hợp tác của bà con trong xã. “Mỗi khi phát hiện trẻ em và người lang thang xin ăn, bà con báo về UBND xã để chúng tôi tiếp cận và giải quyết theo đúng trình tự quy định” - ông Tùng chia sẻ.

Sẽ ký liên tịch phối hợp giữa các quận

Đến nay, UBND quận 11, TP.HCM chưa tập trung được bất kỳ trường hợp trẻ em, người lang thang xin ăn. Lý do là cơ quan chức năng quận 11 ra quân ngay khi Quyết định 812 được ban hành nên các đối tượng chuyển qua địa bàn những quận giáp ranh. Những ngày sau, cơ quan chức năng của quận 11 ra quân liên tục nên trẻ em, người lang thang xin ăn không tập trung trên địa bàn nữa.

UBND quận 11 có dự thảo liên tịch phối hợp và lập đường dây nóng với các quận giáp ranh (5, 6, 10, Tân Bình). Dự kiến tuần sau, khi dự thảo liên tịch được ký, UBND quận 11 phối hợp với các quận giáp ranh ra quân kiểm tra và tập trung trẻ em, người lang thang xin ăn trên địa bàn.

Ông NGUYỄN PHI LONG, Trưởng phòng LĐ-TB&XH quận 11, TP.HCM

Sau khi triển khai thực hiện Quyết định 812, đến nay UBND quận 12 đã tập trung bốn trường hợp trẻ em, người lang thang xin ăn trên địa bàn. UBND quận 12 tiếp tục kiểm tra để kịp thời phát hiện những trường hợp trẻ em, người lang thang xin ăn. Mục đích góp phần đảm bảo an sinh xã hội, trật tự và mỹ quan đô thị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

THỊ CHÍNH, Phó Chủ tịch UBND quận 12, TP.HCM

TRẦN NGỌC

Nguồn PLO: https://plo.vn/nguoi-xin-an-van-con-nhieu-tren-duong-pho-post728516.html