Người xuất sắc trên cả màn ảnh và sân khấu

Nghệ sĩ Nhân dân Thế Anh đã rời khỏi cuộc đời vào một ngày thu nắng đẹp, sau một cơn đau tim. Ông ra đi để lại cho nghệ thuật điện ảnh, cho cuộc đời một tài sản khổng lồ với hơn 60 vai diễn trong các bộ phim truyện, cùng nhiều vai diễn trong các vở kịch nổi tiếng.

Thế Anh (tên khai sinh là Nguyễn Thế Anh) sinh ra trong một gia đình khá giả ở xã Xuân Phương, Từ Liêm, Hà Nội. Thừa hưởng sự thông minh của người cha và sự cần cù của người mẹ, Thế Anh lớn lên trong thời kỳ đất nước đầy biến động. Cha sang Pháp học nghề bác sĩ, mẹ tần tảo buôn bán nuôi hai người con. Ông được mẹ cho học ở một trong những ngôi trường nổi tiếng thời đó, Trường An-be Sa-rô (Anbert Sarraut), cùng nhiều trường tư thục khác. Rời trường phổ thông, khi đất nước chia cắt, như những chàng trai cùng trang lứa, đặt sứ mệnh của người thanh niên lên hàng đầu, ông thi vào một trường trung cấp của quân đội. Nhưng trái tim tuổi trẻ còn thấy nhiều chân trời mới vẫy gọi. Năm 23 tuổi, ông thi vào khoa Toán, Trường đại học Sư phạm Hà Nội.

Nhưng môi trường mới này cũng không giữ ông được lâu. Nghe tin Trường Nghệ thuật sân khấu - điện ảnh tuyển sinh, Thế Anh lại xin dự thi và trúng tuyển, vào học cùng các đồng nghiệp Trần Tiến, Thanh Tú, Đoàn Dũng, Trọng Khôi... Sau nhiều trăn trở, ông mới tìm thấy hướng đi đúng nhất của mình.

Vai diễn đầu đời của Thế Anh là nhân vật sĩ quan Mỹ trong chùm kịch ngắn Nửa đất nước trong đêm (năm 1964) của Ngô Y Linh. Ông đã thể hiện tốt sự lúng túng, không lối thoát của tên sĩ quan Mỹ trong lô cốt bị Quân giải phóng vây hãm. Thành công này đã chinh phục đạo diễn Huy Thành, ông được chọn vào vai Trung úy Phương trong phim Nổi Gió. Với vai này, Thế Anh đã bộc lộ sự dằn vặt của lương tâm khi đứng giữa “hai dòng nước” - trở về với nhân dân hay tham gia quân đội tay sai? Sự lựa chọn chân chính của Trung úy Phương trở thành biểu tượng cao đẹp, có sức hấp dẫn mạnh đối với hàng triệu người xem những năm tháng đó. Dịp này, ông và gia đình có được “trái ngọt đầu mùa”: Cặp trai tài gái sắc Thế Anh - Thu Hằng đón cậu con trai đầu lòng chào đời đặt tên là Thế Phương theo kỷ niệm vai Trung úy Phương thành công mỹ mãn trên màn ảnh.

Với vẻ ngoài lãng tử nhưng Thế Anh luôn suy nghĩ sâu sắc, tìm cách khắc họa những nhân vật mà mình đảm nhận sao cho có tính cách, sự khác biệt để gây ấn tượng trong lòng khán giả. Ông quan niệm, người xem yêu thích nhân vật do diễn viên thể hiện chứ không phải vẻ đẹp ngoại hình. Vì vậy, ở lĩnh vực sân khấu, Thế Anh đã xây dựng cho mình một “khối vuông rubic” với nhiều vai diễn nổi bật. Trong vở kịch Nina - cô gái đánh trống trận, ông trở thành viên sĩ quan Đức Sta-vin-sky lạnh lùng, lịch sự; trong vở Đôi mắt, ông vào vai bác sĩ Hải yêu cô y tá Nga, song có một nhân vật thứ ba khá “nặng ký” xen vào - anh thương binh hỏng mắt tên Việt. Sự dùng dằng nội tâm đã làm cho nhân vật Hải gần gũi với đời sống thường ngày, khán giả như “chạm tay vào nhân vật”. Thế Anh còn gây ấn tượng với hàng loạt vai diễn khác như anh lính thủy Rư-ba-cốp trong Chuông đồng hồ Điện Krem-lin, viên cố vấn Mỹ trong Anh Trỗi, viên sĩ quan tình báo trong Hoa anh túc... Ông còn tham gia hàng loạt vở kịch khác của nước ngoài như Khúc thứ ba bi tráng, Âm mưu và Tình yêu, Vụ án Ê-rốt-xtrát, Ô-ten-lô, Hòn đảo Thần Vệ nữ... cùng nhiều vở kịch trong nước như Đại đội trưởng của tôi, Người cha thô bạo, Bài ca Điện Biên... Những đồng nghiệp tài năng cùng thời như đạo diễn Doãn Hoàng Giang, diễn viên Trọng Khôi và các bậc đàn anh trong nghề đều đánh giá cao tài năng và sức lao động nghệ thuật nghiêm túc của ông.

Diễn xuất trong lĩnh vực điện ảnh rất khác trên sân khấu. Đặc biệt, việc diễn trước ống kính cùng những ánh đèn với công suất lớn đã gây áp lực nặng nề lên các diễn viên. Vì vậy, nhiều diễn viên sân khấu không thể bước sang “khu vườn điện ảnh”. Nhưng với Thế Anh, việc khám phá những cái mới trong diễn xuất ngoài hiện trường đã làm phát lộ những tiềm năng bên trong. Ông tiếp tục chiếm được tình yêu của khán giả điện ảnh qua nhiều vai diễn, như Dư trong Đường về quê mẹ; Tiểu đoàn trưởng trong Em bé Hà Nội cùng nhiều vai khác trong các phim: Không nơi ẩn nấp, Ngày Lễ Thánh, Tự thú trước bình minh, Vụ án Hồ Con Rùa, Đêm hội Long Trì, Kiếp phù du... Đáng chú ý, với vai Ba Duy trong phim Mối tình đầu, Thế Anh đã khắc họa hình tượng người thanh niên sống bất cần đời dưới chế độ cũ, dần được cảm hóa và có cảm tình với cuộc sống mới ra sao. Vai diễn này đã mang đến cho ông giải “Nam diễn viên xuất sắc nhất” tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 5 (năm 1980). Và để kỷ niệm vai diễn để đời này, vợ chồng ông đã quyết định đặt tên cho cậu con trai thứ hai là Thế Duy. Khi phim truyền hình phát triển, ông lại được các đạo diễn mời đóng những vai quan trọng trong các phim nhiều tập. Các đạo diễn và diễn viên trẻ trên trường quay đều coi ông là tấm gương lao động cần mẫn, truyền cảm hứng cho họ. Thế Anh được Nhà nước phong tặng các danh hiệu cao quý: Nghệ sĩ Ưu tú (năm 1984) và Nghệ sĩ Nhân dân (năm 2001).

Trong đời thường, ông cũng là người nghệ sĩ đích thực. Không màng danh vọng. Không ham giàu sang. Hưởng đúng những thành quả mình đóng góp. Và rồi, ông đi qua cuộc đời như vệt sao sáng. Và ánh sáng ấy còn mãi chiếu rọi đến những người làm điện ảnh và yêu điện ảnh mai sau.

ĐOÀN TUẤN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/chan-dung/item/41756302-nguoi-xuat-sac-tren-ca-man-anh-va-san-khau.html