Người yêu Cảng

“Ở đời, không có việc gì là quá khó, chỉ sợ không quyết tâm và không có tâm để đi đến nơi, làm đến cùng”. Tâm niệm ấy cùng tình yêu mặn nồng dành cho bến cảng đã giúp doanh nhân Nguyễn Mạnh Tiến - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Cty CP Cảng Đồng Nai vượt qua nhiều gập ghềnh và làm những việc ít người dám làm để đưa Cty trở thành một trong Top 10 cảng hiệu quả nhất trong Hiệp hội Cảng Biển VN trong 20 năm qua.

Suốt 20 năm, vượt qua nhiều khó khăn, cảng Đồng Nai đã trở thành một nơi liên kết chuỗi lưu thông hàng hóa trong vùng và là đại lý hàng hải đang tăng tốc phát triển trong các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. “Một chút tự hào về thành quả hôm nay đôi khi lại như một duyên cớ để những hồi ức về ngày tháng vất vả của 20 năm trước dội về, không thể nào quên được. Cảng Đồng Nai ngày ấy và bây giờ đã là cả một khoảng cách không thể hình dung trong trí tưởng tượng và tình yêu của chúng tôi dành cho Cảng cũng lớn dần trong cả không gian và thời gian ấy” - ông Nguyễn Mạnh Tiến - Chủ tịch HĐQT, TGĐ Cty CP cảng Đồng Nai bộc bạch. Trong hồi ức của ông, người đứng mũi chịu sào ngay từ khi cảng Long Bình Tân (cảng đầu tiên của Cty) có quyết định thành lập vẫn còn dấu ấn đậm nét của những ngày đầu tiên gầy dựng cảng Đồng Nai với muôn nỗi nhọc nhằn. Chuyện ông Tiến xây cảng 20 năm trước, khi nhiều DN FDI đến Đồng Nai để đầu tư cũng chính là lúc nhu cầu xây dựng và phát triển một hệ thống cầu cảng phục vụ vận chuyển lưu thông hàng hóa xuất nhập khẩu và hàng nội địa trở nên bức thiết. Ngay khi đó, cảng Đồng Nai đã được thành lập để đáp ứng. Nhưng những gì có được trong tay 4 nhân sự được giao nhiệm vụ xây dựng cảng lúc ấy chỉ là số tiền chưa đầy 500.000 đồng cùng một vùng đất hoang hóa, sinh lầy. Không phương tiện, không trụ sở làm việc nhưng khối lượng công việc thật đồ sộ để cảng Đồng Nai nên hình hài và đi vào hoạt động. Ông cùng ba anh em khác thay nhau lội bùn để đo từng mét đất rồi lặn lội đi học hỏi, vay tiền về xây cảng. Năm 1992, cảng chính thức đón chuyến tàu đầu tiên, nhưng làm gì để tồn tại và phát triển lâu dài ? Ông Tiến trăn trở nhiều về điều đó cho đến khi quyết định vừa làm vừa vay vốn để đầu tư cuốn chiếu. Ông tập trung xây dựng cầu bãi, đường vào cảng và đến năm 1995 thì đã xây được một nhà cấp 4 để làm văn phòng cty. Doanh nhân Nguyễn Mạnh Tiến đã được Chính phủ phong danh hiệu chiến sĩ thi đua toàn quốc và đã được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng 3 trong năm 2008. Ổn định hoạt động của cảng Long Bình Tân, để đáp ứng kịp thời nhu cầu vận chuyển hàng hóa trên địa bàn Đồng Nai và các tỉnh lân cận, ông Tiến tiếp tục đẩy mạnh xây dựng và phát triển hệ thống cảng ở Đồng Nai, mở rộng dịch vụ cảng, xây dựng kho hàng, bến bãi, bốc dỡ hàng hóa bên trong và ngoài cảng, đại lý hàng hải. Năm 1995, cảng Đồng Nai được giao hai khu đất tại xã Phước Thái, huyện Long Thành Đồng Nai để xây dựng hai cảng có quy mô lớn hơn là cảng Gò Dầu A, Gò Dầu B. Tuy nhiên, cty không có nguồn vốn để đầu tư. “Lúc ấy, tôi quyết định không vay ngân hàng mà khai thác nguồn vốn trong chính khách hàng của cty. Chúng tôi đã gõ cửa từng khách hàng tiềm năng để đàm phán vay vốn và trả nợ bằng cách trừ dần vào cước tiếp nhận tàu của chính khách hàng đó trong vòng nhiều năm. Rất may là sau nhiều lần đàm phán, một số đối tác của Việt Nam, Thái Lan, Pháp đã đồng ý thuê 1,3 ha để thành lập tổng kho chứa chất khí hóa lỏng ở đây và tạo điều kiện cho Cty ứng trước tiền thuê trong vòng 10 năm, trị giá khoảng 600.000 USD. Đây là nguồn vốn quý giá giúp Cty CP cảng Đồng Nai thực hiện được dự án xây dựng và đưa vào hoạt động cảng Gò Dầu A vào năm 1996 với diện tích trên 16 ha. Ngoài ra, một đối tác khác cũng cho Cty vay 150.000 USD không lãi và trừ dần vào tiền cước nhập cảng của họ để xây trụ sở làm việc”. ông Tiến chia sẻ về giải pháp hi hữu mà hầu như chỉ có cảng Đồng Nai nghĩ ra và thực hiện thành công vào thời điềm đó. Ba năm sau, cảng Gò Dầu B hình thành cũng bằng vốn của các DN đối tác như Shell Việt Nam, Cty Phân bón Việt Nhật mà Cty vay được bằng chính uy tín và tiềm lực của mình. Chia sẻ về quyết định táo bạo khi cho một đơn vị không có một đồng vốn, không có tài sản thế chấp và không có ai bảo lãnh như cảng Đồng Nai vay vốn, ông Nguyễn Quốc Khánh - nguyên TGĐ Cty Shell Việt Nam nói: “có ba yếu tố để chúng tôi đi đến quyết định đầu tư cho cảng Đồng Nai là phong cách làm việc của người lãnh đạo cảng, tiềm năng của công ty và uy tín của cảng Đồng Nai mà tôi được nghe từ chính các bạn hàng đã cho Cảng Đồng Nai vay vốn trước đó. Và kết quả thực tế cho thấy chúng tôi đã đầu tư đúng chỗ”. Một đời yêu cảng Gặp ông, nhiều người ngạc nhiên khi bắt gặp hai hình ảnh tưởng không thể song tồn trong cùng một con người. Một người lãng mạn, yêu thơ, thích làm thơ, giữ thói quen viết nhật ký từ lớp 4 đến tận bây giờ, nhớ rõ lời nhận xét của thầy cô trong học bạ hay nhớ từng bài văn từ thời cấp 1, sinh nhật ai trong cty cũng không quên làm thơ tặng lại đồng thời là một doanh nhân năng động, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm. Nhưng đó lại là chân dung của doanh nhân Nguyễn Mạnh Tiến. Ông đã làm rất nhiều thơ về cảng và làm nhiều việc lớn lao để đưa cảng Đồng Nai đứng vào vị trí 6/48 cảng biển tại Việt Nam. Lý giải cho tất cả những nỗ lực, những quên mình, những say mê trong suốt 20 năm xây dựng cảng, ông Tiến bảo, đó chỉ có thể là tình yêu, một tình yêu mà tôi nghĩ rằng cả đời tôi cũng chưa thể nào đi trọn. Ra đời giữa lúc kinh tế Đồng Nai bắt đầu tăng tốc, lại thêm vị trí địa lý thuận lợi, nằm gần kề các KCN trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam như: Biên Hòa 2, Tam Phước, Gò Dầu, Phú Mỹ, Mỹ Xuân, lượng khách hàng đến với cảng Đồng Nai ngày một nhiều. Có lẽ vì thế mà khi nhận định về những bước đột phá của cảng Đồng Nai trong nhiều năm qua, ông Tiến luôn nhắc tới yếu tố thiên thời, địa lợi. Nhưng những nỗ lực của ông cùng cộng sự là không hề nhỏ để biến thiên thời, địa lợi ấy thực sự trở thành cơ hội. Nhanh nhạy, định hướng tốt và đầu tư kịp thời đã là những yếu tố giúp ông đưa cảng Đồng Nai phát triển mạnh mẽ trong nhiều năm qua. 156 CB-CNV đang lao động hết mình vì cảng, ba cảng biển với tổng diện tích gần 100 ha, nhiều khách hàng thân thiết là những tài sản lớn mà cảng Đồng Nai tích lũy được trong suốt quá trình dài nỗ lực nâng cấp và hoàn thiện để bắt kịp nhịp độ phát triển kinh tế của Đồng Nai và các tỉnh lân cận. Hiện, cảng Đồng Nai đang đẩy mạnh phát triển thị phần, đa dạng hóa hoạt động, mở rộng ngành nghề đồng thời hiện đại hóa hệ thống cảng biển song song với việc đào tạo nâng cao trình độ người lao động để cảng Đồng Nai thực sự trở thành một “bến đậu” lý tưởng. Gắn bó với cảng từ “thuở hàn vi”, ông hiểu rất rõ giá trị của những thành quả đang có. ông trân trọng và giữ gìn bằng những nỗ lực xây dựng văn hóa DN, tăng cường đầu tư nhân lực, vật lực và đặc biệt là gieo vào lòng mỗi CBCNV một tình cảm gắn bó với cảng, một niềm tự hào mà không một ai có thể vì quyền lợi riêng tư để đi ngược lại và phá vỡ truyền thống của cảng Đồng Nai. Yêu cảng từ khi còn lội bùn đo đất, ông Tiến cùng tập thể CBCNV cảng Đồng Nai đã xây dựng nên một hệ thống cảng rất lớn với tài sản thực tế đã lên đến 500 - 600 tỷ đồng; đưa cảng từ lúc chỉ quản lý có 4 ha đất đến nay đã phát triển và quản lý gần 70 ha đất dọc bờ sông Đồng Nai và sông Thị Vải. Với phương châm vừa đầu tư, vừa khai thác, sản lượng hàng hóa tại cảng đã tăng đáng kể. Từ chỗ sản lượng bốc xếp chỉ có vài chục ngàn tấn và doanh thu vài chục triệu đồng vào năm 1992 đến năm 2001 sản lượng xếp dỡ hàng hóa đã đạt 1 triệu tấn, doanh thu lên đến hơn 30 tỷ đồng và đến năm 2008 sản lượng bốc xếp đã đạt hết công suất của cảng là 3 triệu tấn hàng, doanh thu gần 100 tỷ đồng, nộp ngân sách gần chục tỷ đồng và thu thuế XNK cho Nhà nước hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Đời sống CBCNV ngày càng được nâng cao với thu nhập bình quân từ 1.000.000 đồng/người/tháng vào năm 2000 lên 7.200.000 đồng/người /tháng vào năm 2008. Kim Huệ

Nguồn DĐDN: http://dddn.com.vn/20091020101630750cat51/nguoi-yeu-cang.htm