Nguồn cơn khiến cựu Đại sứ Mỹ 'bóc mẽ' ông Trump

Trước khi bị Tổng thống Donald Trump sa thải, bà Marie L. Yovanovitch chỉ là nhà ngoại giao 'vô danh' dù kinh qua nhiệm vụ tại Kyrgyzstan, Armenia và sau cùng là Ukraine - những địa bàn các 'ông trùm' chính trị và giới thân cận Tổng thống thường không ngó ngàng tới.

Cựu Đại sứ Mỹ tại Ukraine Marie L. Yovanovitch tại phiên điều trần trước Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ ngày 15/11. Ảnh: AFP

“Masha” nổi danh

Cựu Đại sứ Mỹ tại Ukraine Yovanovitch giờ nổi danh với biệt danh “Masha” trong mắt bạn bè và đồng nghiệp sau khi “kể tội” ông Trump tại phiên điều trần trước quốc hội ngày 15/11 và bị người đứng đầu Nhà Trắng phản ứng mạnh trên Twitter.

Biệt danh “Masha” xuất phát từ hashtag (loại thẻ siêu dữ liệu) trên mạng xã hội Twitter (#GoMasha) đã đưa cựu Đại sứ trở thành người của công chúng bất đắc dĩ mà phe cánh hữu thì phỉ báng còn cách tả lại hoan nghênh.

Kiên quyết bảo vệ Bộ Ngoại giao và sự nghiệp của các quan chức ngoại giao khác - những người đôi khi cống hiến cả đời để thúc đẩy lợi ích của Mỹ, bà Yovanovitch tường tận lại quá trình mình trở thành mục tiêu trong chiến dịch do ông Rudolph W. Giuliani, luật sư riêng của ông Trump, và truyền thông cánh hữu bôi nhọ.

Yovanovitch tự hỏi làm thế nào luật sư Giuliani có thể tiếp cận thành công 1 công tố viên tha hóa ở Ukraine để hất cẳng bà - một nhà ngoại giao kỳ cựu với 33 tuổi nghề, dù “sếp” của bà khẳng định bà không làm gì sai.

“Làm thế nào mà hệ thống của chúng ta có thể thất bại như vậy?” Làm thế nào mà lợi ích tham nhũng nước ngoài có thể thao túng chính phủ Mỹ?”, cựu Đại sứ tự hỏi.

Ngay khi ông Trump đăng dòng tweet chỉ trích trên Twitter, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ Adam B. Schiff đã đọc to nội dung dòng tweet, trong đó ông Trump cho rằng “mọi nơi bà Marie Yovanovitch đến đều trở nên tệ hại”.

“Thật đáng sợ”, nữ nhân chứng thốt lên khi được hỏi cảm xúc ra sao khi nghe lời nhận xét của ông Trump. Như lời cảnh báo tới ông Trump, Chủ tịch Ủy ban Tình báo khẳng định Quốc hội sẽ dẹp mọi nỗ lực hăm dọa nhân chứng.

Theo lời khai ngày 15/11 của bà Yovanovitch - nhân chứng mới nhất trong cuộc điều tra luận tội ông Trump, nội dung thảo luận qua điện thoại ngày 25/7 giữa Tổng thống Trump và người đồng cấp Ukraine đã châm ngòi 1 cuộc khủng hoảng chính trị cho người đứng đầu Nhà Trắng.

Trong cuộc trao đổi này, ông Trump nói với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky rằng bà Yovanovitch là “tin xấu”. “Bà ta sẽ phải trải qua một số thứ”, ông Trump nói.

Trên thực tế, bà Yovanovitch đã bị cách chức trước thời điểm diễn ra cuộc gọi đó. Cựu Đại sứ chỉ nhận ra điều này sau khi Tổng thống Trump công bố nội dung đoạn băng đã bị dựng lại. Trong phiên điều trần, bà Yovanovitch nói với các nhà điều tra rằng bà cảm thấy “sợ hãi” bởi lời nhận xét của ông Trump và lo ngại sẽ có trả đũa.

“Tôi không thể tin được điều đó”, bà Yovanovitch nói và cảm thấy sốc khi Tổng thống Mỹ lại nói về đại sứ Mỹ như thế với một nguyên thủ nước ngoài.

Bị coi là bù nhìn

Khi thấy bà đọc nội dung đoạn băng, một người nói rằng sắc mặt bà đang xuống, Yovanovitch kể lại. Về câu nói của ông Trump: “Bà ta sẽ phải trải qua một số thứ”, cựu Đại sứ cho rằng nó giống như sự đe dọa.

Yovanovitch đã không chỉ trích chính quyền Trump, nhưng cho rằng: “Người Ukraine thích dùng theo các quy định tham nhũng cũ để tìm cách loại bỏ tôi”. “Điều khiến tôi ngạc nhiên là họ (Ukraine) thấy người Mỹ sẵn sàng hợp tác với họ và hai bên đã thành công trong việc hất cẳng 1 đại sứ Mỹ”, cựu Đại sứ bộc bạch.

Trong chiến dịch “tấn công” bà Yovanovitch, luật sư riêng của ông Trump Giuliani đã tìm cách qua mặt các nhà ngoại giao Mỹ để thúc ép Tổng thống Ukraine Zelensky điều tra các đối thủ chính trị của ông Trump.

Luật sư này xem Yovanovitch là bù nhìn, còn Donald Trump Jr., con cả của Tổng thống Trump gọi bà là “kẻ hài hước”. Các nhân vật đình đám trên kênh truyền hình Fox News cùng “nhảy” vào buộc tội cựu Đại sứ không trung thành với Tổng thống Trump khi chỉ trích ông.

Trong số các người chỉ trích, 1 cựu công tố viên Ukraine trả lời phỏng vấn Thời báo New York rằng bà Yovanovitch đã ngăn cản nhóm người của ông ta xin visa đi Mỹ để cung cấp thông tin gây tổn hại cựu Phó Tổng thống Joe Biden và con trai Hunter Biden cho Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI).

Tại phiên điều trần, Yovanovitch giải thích bà ngăn cản cựu công tố viên Ukraine vì ông này tham nhũng, đồng thời bác bỏ thuyết âm mưu mà luật sư Giuliani và các đồng minh của ông lan truyền rằng bà đang nói xấu Tổng thống Trump.

Khẳng định không ai trong Bộ Ngoại giao Mỹ tin họ (luật sư Giuliani và các đồng minh), bà Yovanovitch nói với các nhà lập pháp rằng nỗ lực của các động nghiệp đã có kết quả khi Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo đã ra tuyên bố ủng hộ bà.

Chính sách của Mỹ đối với Ukraine đã bị xáo trộn và những nhóm lợi ích mờ ám đã nhận ra rằng chẳng ích lợi nhiều khi loại bỏ đại sứ Mỹ không ủng hộ điều họ muốn. Thêm vào đó, những hành động kiểu như hạ bệ bà càng chỉ khích lệ các đối thủ của Mỹ trong đó có Tổng thống Vladimir V. Putin của Nga.

Giải trình trước quốc hội, Yovanovitch cho biết cha bà đã sớm rời Liên Xô và sau đó là Đức quốc xã còn mẹ bà lớn lên tại Đức nhưng không có quốc tịch. Nhân chứng cho rằng hoàn cảnh khiến bà có sự đồng cảm đặc biệt với những người phải chịu đựng đói nghèo, chiến tranh và di cư.

Là người gốc Canada chuyển đến bang Connecticut của Mỹ năm 3 tuổi và trở thành công dân Mỹ năm 18 tuổi, Yovanovitch có 33 năm làm ngoại giao và được biết đến là người chuyên nghiệp.

Yovanovitch tốt nghiệp Đại học Princeton và gia nhập Bộ Ngoại giao 6 năm sau tốt nghiệp. Dưới thời Tổng thống George W. Bush, bà được bổ nhiệm Đại sứ Mỹ tại Kyrgyzstan, sau đó là Armenia. Bà được Tổng thống Barack Obama bổ nhiệm Đại sứ Mỹ Ukraine năm 2016. Sau khi bị Tổng thống Trump cách chức vào tháng 5 vừa qua, Yovanovitch trở về Washington và hiện là cộng sự cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ tại Viện Nghiên cứu Ngoại giao thuộc Đại học Georgetown.

Lê Quân (New York Times)

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/nguon-con-khien-cuu-dai-su-my-boc-me-ong-trump-d111119.html