Nguồn gốc múa – hát xoan vùng Đất Tổ

Hát Xoan tức hát Xuân, là một dạng vừa hát vừa múa theo nhịp trống - phách, xưa thường được biểu diễn ở các đền, đình vào mùa xuân ở vùng Đất Tổ Phú Thọ, cũng là quê hương của loại hình di sản văn hóa Việt Nam và thế giới này. Một quan điểm phổ biến cho rằng hát Xoan chính thức ra đời thời Hậu Lê (thế kỷ 15) bởi ca từ của hát Xoan rất giống với ngôn ngữ văn chương thời này.

Quan điểm trên chỉ dựa vào ca từ hát Xoan, và vì thế chỉ có thể đúng với riêng lời hát Xoan.

Múa - hát Xoan “Mó Cá” ở Phú Thọ.

Múa - hát Xoan “Mó Cá” ở Phú Thọ.

Từ con mắt dân tộc học, hát Xoan phải có sau múa Xoan và khởi nguồn của múa Xoan là một dạng múa thiêng, tức một dạng múa nghi lễ mang tính ma thuật mô phỏng Cò Trắng - một hiện thân của Mẹ Chim Âu Cơ - Mẹ Lúa trong lễ Giỗ Tổ thời vua Hùng. Chúng ta đều biết, người Lạc Việt thời các vua Hùng có tục thờ Bà Tổ Chim, điều thể hiện rất rõ trên hoa văn trống đồng Đông Sơn, đặc biệt các trống sớm và đẹp nhất như Ngọc Lũ, Hoàng Hạ.

Biểu tượng cho Bà Tổ Chim đó là hình đàn cò trắng (thường được gọi là chim Lạc) bay quanh mặt trời. Đó là loài chim di cư gắn với sự chuyển động của mặt trời, gắn với mùa mưa, mùa trồng lúa. Cò trắng, với người Lạc Việt xưa cũng như với nhiều tộc người Bách Việt trồng lúa nước xưa, là biểu tượng của mùa xuân, mùa lúa mới, của sự tốt lành, may mắn. Đó cũng chính là loài chim đã hóa thành Mẹ Âu Cơ của các vua Hùng trong truyền thuyết Họ Hồng Bàng, tức Họ Chim Rồng.

Hùng là từ chỉ vua - thủ lĩnh - có gốc Khun/Kun là từ chỉ vua - thủ lĩnh trong tiếng Bách Việt thời xa xưa. Nhưng chữ Hùng chỉ Vua Hùng có tượng hình chim và có nghĩa là chim trống, phù hợp với truyền thuyết kể vị vua Hùng đầu tiên là con trai trưởng của Mẹ Chim Âu Cơ. Phú Thọ, vùng Đất Tổ vua Hùng, kinh đô nước Văn Lang xưa, có địa danh Bạch Hạc (Hạc Trắng) gắn với sự tích chim hạc trắng bay đến đậu trên cây chiên đàn. Rất có thể, tên gọi Bạch Hạc đó có liên hệ cội nguồn với Bà Tổ Chim - Cò Trắng đó. Chúng ta biết hạc là loài chim gần gũi với cò cả về mặt ngôn ngữ và sinh vật học. Cò trắng, đó cũng là loài chim đã bao đời gắn bó với ruộng đồng nước Việt, trở thành biểu tượng cho người mẹ, người nông dân trong ca dao, tục ngữ, dân ca Việt.

Lễ Giỗ Tổ vua Hùng nay có gốc từ các nghi lễ thờ cúng tổ tiên của các vua Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh xưa, về bản chất cũng là các nghi lễ có mục đích cầu mưa - cầu mùa, cầu sự sinh sôi nảy nở cho vạn vật. Cụ thể, đó là các nghi lễ thờ cúng Bà Tổ Cò Trắng (Âu Cơ) - Ông Tổ Rồng (Lạc Long), trong đó Bà Tổ Cò Trắng cũng là Nữ thần Mặt Trời - Bà Trời - Mẹ Lúa; Ông Tổ Rồng cũng là Thần Nước - Thần Mưa - Thần Đất.

Các nghi lễ đó thường được tổ chức vào tháng 3, dịp cuối mùa xuân - đầu mùa mưa, lại là thời buổi nông nhàn và kỳ giáp hạt, là thời điểm thích hợp nhất cho các nghi lễ cầu mưa thuận nắng hòa, cầu người yên vật thịnh. Trong các nghi lễ cầu mưa - cầu mùa hay đám ma của người Bách Việt cùng thờ Bà Tổ Chim xưa, một nghi lễ không thể thiếu là điệu múa chim - bản chất là một ma thuật mô phỏng hình dáng, động tác của Bà Tổ Chim, với mục đích để làm vui lòng Bà Tổ Chim, từ đó hy vọng được Bà Tổ Chim che chở, phù hộ.

Tương tự, trong lễ Giỗ Tổ thời các vua Hùng, gái trai Lạc Việt cũng tiến hành múa Cò Trắng, họ hóa thân thành cò trắng với chiếc mũ hình đầu cò cách điệu. Dạng mũ ấy có thế thấy trên một hình người -chim trên trống Ngọc Lũ.

Các truyền thuyết về người Bách Việt xưa cũng nói về những người mang tên “Đầu Cò”, tức những người trong nghi lễ đội mũ hình đầu cò, mặc áo có gắn cánh cò. Người Nhật là một tộc người cũng có nguồn gốc Bách Việt. Một truyền thuyết Nhật kể, hoàng tộc Nhật là con cháu của Bà Tổ - Nữ Thần Mặt Trời, gợi tới Bà Tổ Âu Cơ của các vua Hùng. Đặc biệt, họ còn bảo tồn được điệu múa Cò Trắng, được sử sách ghi nhận là điệu múa cung đình thời Heian (thế kỷ 8-12). Sau một thời gian dài mai một, điệu múa này đã được hồi sinh vào năm 1968 và từ đó được biểu diễn tại sân đền Sensoji, Tokyo vào hai ngày chủ nhật và thứ hai của tháng 4. Đó là thời gian tương ứng với tháng 3 Âm lịch ở Việt Nam, tháng của Giỗ Tổ ở Đền Hùng.

Hình người - chim cò trên mặt trống Ngọc Lũ.

Trong tâm thức người Nhật xưa, cò trắng là một loài chim đặc biệt bởi nó có thể kết nối được ba thế giới trời - đất và nước. Với màu trắng thanh cao và dáng điệu duyên dáng, với nhịp sống bay đi bay về gắn với mùa mưa - mùa lúa, cò trắng trở thành biểu tượng của vẻ đẹp cao quí, của nước mưa trong và nắng ấm lành và của những điều may mắn. Trong điệu múa đó, các cô gái chàng trai hóa trang thành cò trắng và múa các động tác mô phỏng dáng điệu của cò trắng theo nhịp trống.

Từ biểu tượng cò trắng trong văn hóa Đông Sơn, có thể thấy vào thời các vua Hùng, trong lễ cúng tổ tiên vào tháng 3, người Lạc Việt đã có điệu múa Cò Trắng và con cháu của điệu múa đó chính là múa - hát Xoan ngày nay. Trang phục cổ truyền của trai gái trong điệu múa - hát Xoan hé lộ cho ta thấy cái cốt lõi đó. Trước hết là chiếc khăn “mỏ quạ” của các cô gái.

Nữ phục truyền thống Bắc bộ xưa, đặc biệt ở vùng quan họ Bắc Ninh, có chiếc khăn mỏ quạ gắn liền với chiếc nón quai thao với nan nón tỏa ra như tia mặt trời bên ngoài và hình mặt trời thêu bên trong; với chiếc áo tứ thân tha thướt, mềm mại như cánh chim. Tất cả mang thần thái bộ trang phục của những người - chim mặt trời - cò trắng hay “người đầu cò” thời các vua Hùng. Trong đó, chiếc “khăn mỏ quạ” đặc trưng thường đội trong các dịp lễ hội của phụ nữ Việt chính là dấu tích của chiếc mũ đầu chim - đầu cò đó.

Tên gọi “khăn mỏ quạ” có lẽ bắt nguồn từ màu đen của tấm khăn, màu đặc trưng của quạ. Trong tâm thức nhiều dân tộc châu Á, quạ như cò trắng cũng là một biểu tượng của mặt trời, sứ giả của thần linh. Mặt khác, màu đen cũng là một màu sắc được các cư dân trồng lúa xưa thường dùng, trang phục nhuộm chàm được ưa chuộng bởi nó thích hợp nhất với đời sống gắn với đồng ruộng đầy bùn đất của họ.

Tiếp đó, bộ quần áo trắng của các chàng trai Việt múa - hát Xoan cũng là một dấu tích của bộ trang phục trong điệu múa Cò Trắng thời các vua Hùng xưa. Màu đỏ của khăn đầu và thắt lưng của họ là biểu tượng của mặt trời và sự sống gắn với biểu tượng cò trắng.

Các động tác múa, lời hát Xoan hôm nay, sau hàng ngàn năm đã có nhiều biến đổi, nhưng chúng ta cũng có thể thấy hình tròn của đội hình múa, đặc biệt của các cô gái, nhắc tới hình đàn cò trắng bay quanh mặt trời trên mặt trống đồng. Một số động tác múa lại gợi tới hình tượng cò dang cánh, tung cánh và đặc biệt, các động tác uốn tay mềm dẻo, đưa thân và chân nhịp nhàng cũng gợi đến các dáng điệu của cò.

Trong các điệu múa - hát Xoan, chắc chắn, điệu vui vẻ tưng bừng nhất là điệu Mó (mò) cá. Ở điệu này, các chàng trai tượng trưng cho cá, các cô gái tượng trưng cho cò, họ mò nhau, bắt nhau trong đêm cho đến khi cò bắt được cá to dâng vua. Các động tác vung tay, vẫy tay cùng các lời ca gợi đến cảnh đàn cò bay lên bay xuống đi bắt tôm mò cá trên đồng lúa.

Giờ đây, chúng ta có thể hiểu sâu sắc hơn vì sao các truyền thuyết về nguồn gốc hát Xoan thường gắn với vợ hay con gái của vị vua Hùng đầu tiên; vì sao hát Xoan lại có ba dạng chính là hát thờ cúng các vua Hùng và thần bảo hộ làng (Thành hoàng), hát nghi lễ cầu mùa, cầu an và hát giao duyên trai gái; và vì sao múa - hát Xoan thấm đậm tín ngưỡng phồn thực của người Việt xưa…

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/nguon-goc-mua--hat-xoan-vung-dat-to-i690705/