Nguồn gốc thú vị của những ký hiệu @, $... không mấy người biết

Mỗi ngày, chúng ta nhìn thấy vô số các biểu tượng và ký hiệu, nhưng ít ai biết được chúng bắt nguồn từ đâu. Những ký hiệu như dấu chấm hỏi, chấm than, ký hiệu đồng đô la, hay ký hiệu phần trăm đều có nguồn gốc vô cùng thú vị.

Ký hiệu @ có lịch sử lâu đời

Từ khi xuất hiện e-mail, chúng ta quen dần với kí hiệu "@" và đã coi đó như một kí hiệu quá đơn giản, thậm chí dường như không bao giờ nghĩ tới nguồn gốc xuất xứ của nó. Nguồn gốc của @ có lẽ bắt nguồn từ thời Trung cổ, vào thời kì mà các văn bản, khế ước được ghi chép bằng chữ Latinh.

Trong ngôn ngữ Latinh thời đó có tồn tại giới từ "ad" (nghĩa tương đương với "at" trong tiếng Anh ngày nay). Khi các tu sĩ thời đó viết giới từ "ad" này trên văn bản, chữ "d" sẽ có kèm theo một cái "đuôi móc" nhỏ, tựa như số 6 nhìn trong gương. Và vì thế, khi viết cả chữ "ad" sẽ rất giống với... @ ngày nay.

Không chỉ vậy, vào thế kỉ thứ 15, @ còn được bắt gặp trong các văn tự của các nhà buôn thời ấy. Đó là kí hiệu viết tắt một đơn vị cân đo - "arroba" (tương đương với 11,52kg). Cũng nói thêm rằng, đơn vị đo lường này khi ấy hay dùng để cân bò hoặc lợn. Đến thời kì Phục hưng, @ được sử dụng như một kí hiệu biểu trưng cho giá cả. Còn tới thời Cách mạng công nghiệp (thời kì nảy sinh tư bản, xuất hiện máy móc...), @ thường xuyên xuất hiện trong các văn bản kế toán, tổng kết thu chi, có vị trí quan trọng không kém các kí hiệu như $, #, %.

Và @ có lẽ cũng cứ "âm thầm" mãi thế nếu như không có lần vô tình được lọt "mắt xanh" của Ray Tomlinson, nhà nghiên cứu trực thuộc công ty BBN Technology của Mỹ.

Tomlinson trong lịch sử Internet không những được coi là cha đẻ của hòm thư điện tử mà còn được công nhận như "chủ sở hữu" của kí hiệu @. Công ty BBN Technology thời kì đó tham gia vào dự án ARPANet, tiền thân của mạng Internet ngày nay, do bộ quốc phòng Mỹ đặt hàng.

Dấu chấm hỏi

Nguồn gốc của dấu hỏi là từ tiếng Latinh. Trước kia, từ "questio" đã được chèn vào cuối câu để chỉ ra đó là một câu hỏi.

Để tiết kiệm chỗ, nó được rút gọn thành "qo" và sau đó chữ "o" được đặt dưới chữ "q". Lâu dần, chữ "q" được viết thành hình lưỡi câu và "o" chỉ còn là một dấu chấm.

Ký hiệu đô la

Ngày nay, chúng ta dùng ký hiệu "$" để thay cho tiền, nhưng thực ra ý nghĩa của nó là tiền đô (dollar) trong tiếng Anh. Vậy còn nguồn gốc thì sao? Thực ra, chưa có kết luận rõ ràng đâu, nhưng người ta đặt ra 3 giả thuyết, và nó liên quan đến Tây Ban Nha (thực dân Tây Ban Nha từng chiếm đóng một nửa nước Mỹ ngày nay). Vào thời Trung cổ, loại tiền tệ phổ biến nhất là đồng real của Tây Ban Nha, được biểu thị là "PS". Cuối cùng, chỉ còn lại dòng chữ "P" được viết chồng lên chữ "S".

Chữ "S" là quốc huy Tây Ban Nha. Trong thời kỳ thực dân, người Tây Ban Nha đánh dấu các thỏi vàng của người Mỹ bằng chữ "S". Khi vàng chuyển đến Mỹ, chữ "S" trên thỏi vàng được đánh dấu bằng một đường thẳng đứng, và nếu thỏi vàng ấy được mang ra khỏi Mỹ, nó sẽ được gạch thêm một đường nữa.

Ngoài ra, có người cho rằng đơn giản là do nước Mỹ được viết tắt là US (United States). Chữ S và chữ U được lồng vào nhau, tạo thành ký hiệu tiền tệ của quốc gia này.

Dấu chấm than

Biểu tượng này có lẽ xuất phát từ chữ Latinh "exclamatio", được đặt ở cuối câu để biểu thị niềm vui.

Tương tự dấu chấm hỏi, nhằm tiết kiệm chỗ, nó được viết tắt thành chữ "I" và "O" với chữ "I" được đặt trên chữ "O". Cuối cùng, nó trở thành "!" được sử dụng như hiện nay.

Ký hiệu "vô cực"

Nó được John Wallis sử dụng lần đầu tiên vào năm 1655, song không ai biết được nguồn gốc của nó được lấy cảm hứng từ đâu.

Một số người nghĩ rằng nó bắt nguồn từ chữ Hy Lạp omega (ω); những người khác nghĩ rằng nó bắt nguồn từ chữ số La Mã 1000: "CIƆ" hoặc "CƆ".

Ký hiệu phần trăm

Từ "phần trăm" xuất phát từ tiếng Latinh "percentum". Sau đó được viết thành "per cento", "per 100", "p cento" và "pc-о". Cuối cùng là "pc" rồi dần dần thành "o/o" trước khi trở thành ký hiệu % như chúng ta sử dụng ngày nay.

Cử chỉ hòa bình: ngón tay hình chữ V

Cử chỉ này lần đầu tiên được sử dụng trong trận chiến giữa Anh và Pháp. Khi đó người Pháp đe dọa sẽ cắt đứt các ngón tay của các cung thủ Anh khi chiến thắng. Để đáp trả, người Anh bắt đầu giơ ngón tay thành hình chữ V (biểu tượng chiến thắng) để biểu thị ngón tay họ vẫn còn nguyên vẹn.

Nhưng trong Thế chiến II, Thủ tướng Anh Winston Churchill lại sử dụng cử chỉ này trong rất nhiều buổi diễn thuyết, và biến nó thành một biểu tượng của hòa bình.

Bảo Dung (tổng hợp)

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/doi-song/nguon-goc-thu-vi-cua-nhung-ky-hieu--khong-may-nguoi-biet-202278/