Nguồn gốc và ý nghĩa tháng cô hồn theo quan niệm dân gian

Theo tín ngưỡng, quan niệm dân gian tháng 7 âm lịch thường được gọi là tháng cô hồn. Đây là dịp để mọi người thể hiện lòng thành kính lên đức Phật, chư vị thần linh, báo hiếu gia tiên và đồng thời phát lộc cho các vong hồn được xá tội.

Nguồn gốc tháng cô hồn

Phong tục cúng cô hồn có nguồn gốc từ Trung Quốc. Phật tử Trung Hoa gọi lễ cúng này là "Phóng diệm khẩu", tức là cúng để bố thí và cầu nguyện cho loài quỷ đói miệng lửa. Nhưng dân gian thì hiểu rộng ra thành "cúng cô hồn", tức là cúng thí cho những vong hồn vật vờ, không có ai là thân nhân trên trần gian cúng bái.

Hai ngày lễ cúng lớn trong tháng 7 âm lịch là lễ Vu Lan và cúng cô hồn đều chứa đựng ý nghĩa nhân văn cao cả là đề cao việc báo hiếu và làm phúc bố thí.

Tục xưa cho rằng, tháng 7 âm lịch cửa ngục mở ra, âm cung xá tội vong nhân, hồn người chết ở cõi âm được về gặp người sống ở cõi dương gian.

Tục cúng cô hồn có liên quan đến câu chuyện giữa ông A Nan Đà (thường gọi tắt là An Nan) với một con quỷ miệng lửa (diệm khẩu). Một buổi tối, A Nan đang ngồi trong tịnh thất thì thấy một con ngạ quỷ thân thể khô gầy, cổ nhỏ dài, miệng nhả ra lửa bước vào. Quỷ cho biết ba ngày sau, A Nan sẽ chết và sẽ luân hồi vào cõi ngạ quỷ miệng lửa, mặt cháy đen như nó.

A Nan sợ quá bèn nhờ quỷ bày cho cách tránh khỏi khổ đồ. Quỷ đói nói "Ngày mai ông phải thí cho bọn ngạ quỷ chúng tôi mỗi đứa một hộc thức ăn, và soạn lễ cúng dường Tam Bảo thì ông sẽ được tăng thọ, còn tôi sẽ được sinh về cõi trên".

A Nan đem chuyện bạch với Đức Phật, Đức Phật bèn cho bài chú gọi là "Cứu bạt diệm khẩu ngạ quỷ Đà La Ni". A Nam đem tụng trong lễ cúng và được tăng thêm phúc thọ.

Tục cúng cô hồn bắt nguồn từ sự tích này nên ngày nay người ta vẫn nói cúng cô hồn là Phóng diệm khẩu với ý nghĩa là "thả quỷ miệng lửa".

Về sau, lại được hiểu rộng thành các nghĩa khác nhau như tha tội cho tất cả những người chết hoặc cúng cho những vong hồn vật vờ.

Chính vì thế mà theo tục lệ dân gian, người trần gian phải cúng cháo, gạo, muối cho quỷ đói để chúng không quấy nhiễu cuộc sống thường ngày. Hàng năm, người dân Trung Quốc tiến hành cúng cô hồn vào ngày 14/7 âm lịch, còn tại Việt Nam thời gian này kéo dài nguyên một tháng.

Ý nghĩa tháng cô hồn

Ở Việt Nam, cúng cô hồn là một tín ngưỡng tâm linh truyền thống của người Việt, được truyền từ đời này sang đời khác.

Theo tín ngưỡng truyền thống của người Việt Nam, tháng 7 là tiết của dịp xá tội vong nhân. Lễ cúng thể hiện lòng kính trọng, vị tha của người còn sống đối với những người đã khuất, dẫu cho những hành động quá khứ lỗi lầm xưa kia.

Việc cúng cô hồn không chỉ để khỏi bị quấy phá, mà vì muốn làm phúc, giúp những cô hồn ít ra cũng có một ngày được no nê, đỡ tủi phận. Đó là ý nghĩa mang tính nhân văn rất cao trong văn hóa Việt, cũng như quan niệm về ngày xá tội: con người dù đã gây ra những tội ác gì thì trong quá trình chịu trừng phạt, quả báo, cũng có được một ngày xá tội, để đỡ khổ cực, đau đớn…

Tháng 7 âm lịch là dịp để người Việt nhân đó mà làm lễ cầu siêu cho gia tiên tiền tổ và gửi biếu chút vàng mã cho các chân linh gia tiên, nhằm thể hiện sự hiếu thảo của con cháu đối với các bậc sinh thành.

Thùy Linh (t/h)

Nguồn NĐ&ĐS: http://baonhandao.vn/doi-song/nguon-goc-va-y-nghia-thang-co-hon-theo-quan-niem-dan-gian-13214