Nguồn lao động dồi dào nhưng chất lượng chưa như kỳ vọng

Mặc dù, Việt Nam có nguồn lao động dồi dào, tuy nhiên trong thời gian tới cần phải quan tâm tới việc đào tạo chất lượng nguồn lao động.

Tọa đàm chuyên đề: “Tương lai của việc làm: Việc làm và vai trò của khu vực tư trong xây dựng một Việt Nam hiện đại".

Đây là khẳng định của bà Lê Thị Kim Dung, Cục trưởng Cục việc làm, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, tại Tọa đàm chuyên đề: “Tương lai của việc làm: Việc làm và vai trò của khu vực tư trong xây dựng một Việt Nam hiện đại”, một trong 4 phiên thảo luận chuyên đề trong khuôn khổ Hội nghị Toàn quốc về phát triển bền vững 2018. Hội nghị do VCCI phối hợp với VBCSD cùng Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức.

Số lượng thôi chưa đủ

Bà Lê Thị Kim Dung thông tin, theo số liệu Tổng cục Thống kê cho thấy quý I năm 2018, thị trường lao động Việt Nam tiếp tục có sự chuyển biến tích cực, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước ước tính là 55,1 triệu người, tăng 586,8 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.

Tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm theo nhóm ngành kinh tế (nguồn: Cục Lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Trong đó, lao động nam 28,6 triệu người, chiếm 52%; lao động nữ 26,5 triệu người, chiếm 48%. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên khu vực thành thị là 17,7 triệu người, chiếm 32,2%; khu vực nông thôn là 37,4 triệu người, chiếm 67,8%”, bà Dung dẫn chứng.

Cũng tại thời điểm quý I/2018, lực lượng lao động trong độ tuổi lao động ước tính là 48,4 triệu người, tăng 497,3 nghìn người so với cùng thời điểm năm trước. Trong đó, lao động nam 26,2 triệu người, chiếm 54,2%; lao động nữ 22,2 triệu người, chiếm 45,8%. Lực lượng lao động trong độ tuổi lao động khu vực thành thị là 16,1 triệu người, chiếm 33,3%; khu vực nông thôn là 32,3 triệu người, chiếm 66,7%.

Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức ngoài hộ nông, lâm nghiệp, thủy sản.

Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm có xu hướng giảm dần qua các quý. Số người thất nghiệp trong quý I năm 2018 là 1,1 triệu người, tỷ lệ thất nghiệp chung của toàn quốc quý I năm 2018 khoảng 2,01%. Tỷ lệ này của quý I/2017 là 2,30%; quý II/2017 là 2,26%; quý III/2017 là 2,23% và quý IV/2017 là 2,19%; Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên là trên 7%.

Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm từ quý I/2017 - quý I/2018

Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi quý I năm nay ước tính là 1,48% giảm 0,34% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, tỷ lệ thiếu việc làm khu vực thành thị là 0,55%; tỷ lệ thiếu việc làm khu vực nông thôn là 1,94% (tỷ lệ thiếu việc làm của quý I/2017 tương ứng là 1,82%; 0,83%; 2,31%).

Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức ngoài hộ nông, lâm nghiệp, thủy sản quý I/2018 ước tính là 56,8%, trong đó khu vực thành thị là 48,3%; khu vực nông thôn là 63,8% (tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức ngoài hộ nông, lâm nghiệp, thủy sản quý I/2017 tương ứng là 56,9%; 48,8%; 64,0%).

Tận dụng tối đa nguồn lao động

Về nhu cầu tuyển dụng lao động, có 169,4 nghìn chỗ làm việc được các doanh nghiệp đăng để tuyển dụng, tăng 4,7 nghìn người (2,9%) so với quý 3/2017. Nhu cầu tuyển dụng lao động nữ chiếm 53,0% tổng số, tăng 0,4 điểm phần trăm so với quý 3/2017 (43,6%). Nhu cầu tuyển dụng của các công ty “ngoài nhà nước” chiếm 80,1%, tăng 2,3 điểm phần trăm so với quý 3/2017.

Nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp vẫn tập trung vào “lao động phổ thông” (chiếm 67,7%, tăng 9,0 điểm phần trăm so với quý 3/2017); “dệt, may mặc” (chiếm 17,1%, giảm 1,5 điểm phần trăm so với quý 1/2017).

Số người có nhu cầu tìm việc làm là 48,1 nghìn người, tăng 17,2% so với quý 3/2017. Trong đó, lao động nữ có nhu cầu tìm việc là 21,6 nghìn người (chiếm 45,0%), tăng 3,1 nghìn người (16,8%) so với quý 3/2017. Trong đó: Nhóm có bằng trung cấp có nhu cầu tìm việc nhiều nhất, chiếm 27,8%; Nhóm có trình độ cao đẳng chiếm 20,2%; Nhóm có trình độ đại học trở lên chiếm 18,3%; Nhóm không có bằng cấp chiếm 22,1%.

Cũng nói về vấn đề tương lai của việc làm Việt Nam, tại tọa đàm hôm nay, ông Obert Pimhidzai - chuyên gia cao cấp thuộc WB khẳng định: “Bức tranh việc làm của Việt Nam hiện đang gặp phải một số thách thức lớn, đòi hỏi Việt Nam phải có một số giải pháp để đối mặt”

“Hầu hết người lao động ở Việt Nam làm việc trong khu vực phi chính thức, tuy nhiên, người lao động không có hợp đồng, không được hưởng bảo hiểm xã hội”, ông Obert Pimhidzai nói.

Dù vậy, ông Obert Pimhidzai cũng khẳng định tương lai của thị trường Việt Nam đang đón nhận những cơ hội lớn đến từ xu hướng tiêu dùng mới, Việt Nam đang có nhiều doanh nghiệp hơn…

“Vậy Việt Nam phải làm thế nào để khắc phục được những hạn chế, đồng thời tận dụng tốt những cơ hội trên?”, ông Obert Pimhidzai đặt câu hỏi?

Trả lời câu hỏi này, bà Lê Thị Kim Dung khẳng định: “Việt Nam cho biết, hiện nay Việt Nam đang có quỹ giải quyết việc làm theo quy định của Luật Lao động. Đồng thời, chính sách hỗ trợ dành cho các lao động nữ và lao động ở nông thôn cũng được triển khai”.

Hằng Trang - Thanh Hà

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/nguon-lao-dong-doi-dao-nhung-chat-luong-chua-nhu-ky-vong-132090.html