Nguồn lực quan trọng phát triển đất nước

Xây dựng thương hiệu quốc gia luôn có ý nghĩa chiến lược quan trọng, bởi đây chính là nguồn lực phát triển bền vững đối với từng doanh nghiệp và cả đất nước.

Nhìn lại gần 19 năm triển khai thực hiện Chương trình Thương hiệu quốc gia (Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 253/2003/QĐ-TTg ngày 25-11-2003), số doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia liên tục tăng qua các năm, từ 30 doanh nghiệp năm 2008 lên 172 doanh nghiệp với 325 sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2022.

Điểm nổi bật ở những sản phẩm, dịch vụ đạt thương hiệu là ngày càng khẳng định vị trí vững chắc ở thị trường trong nước và trên toàn cầu qua những con số ấn tượng về kim ngạch xuất khẩu, thị phần, thứ hạng trong nhiều lĩnh vực; qua đó góp phần thúc đẩy Thương hiệu quốc gia Việt Nam thăng hạng mạnh mẽ. Theo Tổ chức Brand Finance, thương hiệu quốc gia Việt Nam được định giá tăng 11%, từ 388 tỷ USD năm 2021 lên 431 tỷ USD năm 2022; đồng thời nước ta tiếp tục được đánh giá là điểm sáng, thương hiệu quốc gia có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới (tăng 74% giai đoạn 2019-2022).

Thương hiệu quốc gia là sự khẳng định đầy sức thuyết phục về chất lượng hàng hóa, dịch vụ Việt Nam. Đạt được kết quả này là sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, cùng với kết quả của Chương trình Thương hiệu quốc gia và các cơ chế, chính sách tạo thuận lợi xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta.

Khẳng định tầm quan trọng của Thương hiệu quốc gia, trong phát biểu tại lễ công bố sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2022 diễn ra tại Thủ đô Hà Nội vào ngày 2-11 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: “Thương hiệu quốc gia là nguồn lực của từng doanh nghiệp, nhưng cũng là của quốc gia, nên việc xây dựng và giữ gìn thương hiệu quốc gia có tầm quan trọng chiến lược đối với doanh nghiệp và đất nước”.

Sự phát triển của mỗi doanh nghiệp đạt thương hiệu quốc gia sẽ là những hạt nhân góp phần xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường và thịnh vượng. Với tầm quan trọng này, tại Quyết định số 1320/QĐ-TTg ngày 8-10-2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam từ năm 2020 đến năm 2030, đã đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 Việt Nam sẽ có trên 1.000 sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam, góp phần khẳng định Việt Nam là quốc gia có hàng hóa và dịch vụ chất lượng, có năng lực cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế.

Gây dựng được thương hiệu là một quá trình có nhiều khó khăn, nhưng duy trì được thương hiệu lại càng khó hơn. Do đó, bất luận trong hoàn cảnh nào, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân cần phát huy truyền thống đoàn kết, gắn bó, vì lợi ích của doanh nghiệp gắn với lợi ích quốc gia, dân tộc, không ngừng nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Cụ thể hơn, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung, các doanh nghiệp Thương hiệu quốc gia nói riêng, phải luôn luôn theo đuổi các giá trị cốt lõi cho mục tiêu phát triển bền vững là: Chất lượng - đổi mới, sáng tạo - năng lực tiên phong. Điều quan trọng là ngày càng xứng đáng là những doanh nghiệp đi đầu, đại diện cho Thương hiệu quốc gia Việt Nam; đồng thời xứng đáng với niềm tin, sự yêu mến của người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Để làm được điều đó, mỗi doanh nghiệp cần xây dựng được lòng tin của xã hội trên cơ sở những nhân tố như: Chất lượng, giá trị sản phẩm, đạo đức kinh doanh chuẩn mực, hình ảnh người đứng đầu doanh nghiệp tốt, sự đóng góp, tính nhân văn của doanh nghiệp với cộng đồng xã hội. Nói cách khác là không ngừng xây dựng và nâng cao thương hiệu, văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân; bảo đảm đầy đủ quyền lợi cho người lao động; tôn trọng thiên nhiên, bảo vệ môi trường.

Trong kỷ nguyên số, mỗi doanh nghiệp không ngừng đổi mới, sáng tạo, phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ, áp dụng các cải tiến kỹ thuật, công nghệ tiên tiến để nâng cao năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh. Tập trung đào tạo đội ngũ người lao động có trình độ, kỹ năng, chuyên nghiệp, nhất là nhân lực chất lượng cao phục vụ kịp thời yêu cầu ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, hội nhập quốc tế. Chủ động đổi mới mô hình sản xuất, kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp gắn với phát triển theo kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn; chú trọng hơn nữa bảo vệ bản quyền, giá trị thương hiệu.

Sự thành công và phát triển của cộng đồng doanh nghiệp chính là thước đo sự thành công của công tác điều hành, quản lý. Do vậy, sự đồng hành của các bộ, ngành, địa phương sẽ tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tham gia tích cực hơn nữa trong xây dựng thương hiệu quốc gia. Nhiệm vụ quan trọng là tiếp tục xây dựng chiến lược phát triển, mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đa dạng hóa các chuỗi cung ứng, hỗ trợ kết nối các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh - coi việc tháo gỡ các rào cản, khó khăn cho doanh nghiệp là nhiệm vụ chính trị quan trọng của tất cả các cấp, ngành, địa phương.

Thương hiệu quốc gia là niềm tự hào của đất nước! Hai tiếng “Việt Nam” gắn với hình ảnh sản phẩm, dịch vụ uy tín, chất lượng cao sẽ ngày càng phát triển và góp phần củng cố vững chắc vị thế, uy tín của nước ta trên thế giới.

Chí Kiên

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/1047381/nguon-luc-quan-trong-phat-trien-dat-nuoc