Nguồn nhân lực CNTT chưa đáp ứng đủ nhu cầu

Nhu cầu nhân lực công nghệ thông tin (CNTT) của doanh nghiệp có xu hướng tăng dần, tuy nhiên nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao trong lĩnh vực này tại Việt Nam chưa đủ để đáp ứng nhu cầu.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: VGP/Minh Trang

Đó là vấn đề được nêu tại Hội nghị “Kết nối sản phẩm, dịch vụ và nguồn nhân lực công nghệ thông tin phục vụ sản xuất sản phẩm, dịch vụ CNTT thương hiệu Việt 2018” do Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương phối hợp với UBND TP. Đà Nẵng tổ chức vào ngày 14/11.

Theo ông Phan Tâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, trong những năm gần đây, nhu cầu nhân lực cho ngành CNTT tăng đáng kể.

Theo số liệu báo cáo từ các địa phương về công nghiệp CNTT, số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp CNTT (bao gồm ngành công nghiệp phần mềm, nội dung số, phần cứng điện tử và dịch vụ CNTT) năm 2017 tăng 16,01% so với năm 2016.

Ước tính trong năm 2017, tổng số lao động của ngành công nghiệp CNTT khoảng 922.000 người (tăng 22,5% so với năm 2016).

Việt Nam đã và đang là điểm đến của các công ty đa quốc gia lớn như Samsung, LG, Intel... đây là yếu tố đẩy ngành công nghiệp CNTT Việt Nam phát triển, tăng nhu cầu về nhân lực. Bên cạnh đó, do nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội như giao thông thông minh, thành phố thông minh, an toàn an ninh mạng ... nên nhu cầu nhân lực hoạt động trong ngành này sẽ tiếp tục tăng.

Cũng theo ông Tâm, lao động ngành CNTT Việt Nam được đánh giá cao và tiềm năng. Cụ thể theo HackerRank, năm 2017, lập trình viên Việt Nam xếp hạng 23 thế giới, sinh viên Việt Nam xếp thứ 34/128 tại kỳ thi lập trình quốc tế ACM/ICPC. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận lại rằng, nguồn nhân lực CNTT Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu của xã hội, nhu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0.

Trong báo cáo về mức độ sẵn sàng cho nền sản xuất trong tương lai do Diễn đàn Kinh tế thế giới mới đây công bố, Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia chưa sẵn sàng cho cuộc CMCN 4.0, chỉ xếp thứ 70/100 về nguồn nhân lực và 81/100 về lao động có chuyên môn cao. Cũng theo báo cáo này, so sánh với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á về nguồn nhân lực, Việt Nam xếp sau Malaysia, Thái Lan, Philippines.

Hiện nay, cơ cấu lao động trong các doanh nghiệp CN CNTT được phân chia thành 3 nhóm: Nhóm nhân lực cao cấp, nhóm lao động có đào tạo, nhóm lao động đào tạo nghề. Trong đó lao động cao cấp có số lượng rất ít, nhân lực qua đào tạo không đáng kể, lao động đào tạo nghề hiện nay rất lớn. CMCN 4.0 sẽ tạo ra sự dịch chuyển mô hình kinh tế từ tài nguyên, lao động chi phí thấp sang kinh tế tri thức, thay đổi trong các dây chuyền sản xuất nhờ đổi mới công nghệ.

Trong cuộc cách mạng này, nhiều ngành nghề sẽ biến mất, nhưng lại có những công việc mới ra đời. Điều đó đòi hỏi nguồn nhân lực phải được trang bị kiến thức, kỹ năng phù hợp để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

“Do đó, từ phía các doanh nghiệp công nghiệp CNTT cần đào tạo nâng cao cho nhóm lao động đã qua đào tạo, đào tạo lại và trang bị các kỹ năng, kiến thức cho nhóm lao động đào tạo nghề. Từ phía các cơ sở đào tạo, đào tạo nhân lực CNTT cần gắn kết chặt chẽ với ngành công nghiệp CNTT. Có như vậy, chúng ta mới sẵn sàng bước vào cuộc cách mạng số”, ông Phan Tâm nói.

Ông Tô Hồng Nam, Phó Cục trưởng Cục CNTT (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, hiện nay tỉ lệ trường đại học, cao đẳng đào tạo CNTT chiếm 37,5%. Nhu cầu nhân lực CNTT của doanh nghiệp có xu hướng tăng dần, tuy nhiên nguồn nhân lực hiện nay vừa thừa lại vừa thiếu.

Theo ông Nam, nhân lực CNTT hiện nay có chất lượng đầu vào cao và tăng dần, chất lượng đào tạo được nâng lên, nhưng năng suất lao động chưa cao do hạn chế về kỹ năng mềm, ngoại ngữ và thực hành. Vì thế cần tiếng nói chung giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo để cải thiện chất lượng nhân lực CNTT trong bối cảnh hiện nay.

Đề cập về mối quan hệ giữa doanh nghiệp và nhà trường, ông Võ Đình Bảy, Trưởng Khoa CNTT (Đại học Công nghệ TPHCM) cho biết: “Ở Việt Nam hiện nay mối quan hệ này còn rất hạn chế. Hầu hết các doanh nghiệp chỉ đóng vai trò “săn bắt” hơn là “nuôi trồng”, thiếu thông tin từ cả hai phía”.

Theo ông Bảy, sự gắn kết này cần đi vào thực tế, có chiều sâu. Doanh nghiệp cần trực tiếp tham gia xây dựng chương trình đào tạo, tài trợ cho các cuộc thi học thuật, học bổng, cho sinh viên tham quan thực tập… Trong khi đó, nhà trường có vai trò đào tạo, tư vấn hoặc chuyển giao kết quả nghiên cứu. Khắc phục lỗ hổng hợp tác này sẽ giúp doanh nghiệp có nguồn tài nguyên trí tuệ nhiều hơn, khơi gợi tinh thần nghiên cứu của giảng viên, sinh viên.

Là doanh nghiệp đã trực tiếp đào tạo sinh viên các trường đại học qua nhiều năm, ông Đặng Ngọc Hải, Giám đốc Công ty Axon Active Việt Nam cho rằng nhà trường và doanh nghiệp cần ngồi lại với nhau, đưa ra một quy trình đào tạo thật chặt chẽ, doanh nghiệp xem xét những thiếu sót gì trong chương trình đào tạo của nhà trường để bổ sung, những yêu cầu đầu ra của doanh nghiệp… để bảo đảm nguồn đầu ra phù hợp với nhu cầu của công ty.

“Giáo dục trong nhà trường cần chú trọng vào tính chuyên nghiệp trong môi trường doanh nghiệp cho sinh viên, tạo lập cho sinh viên thói quen tuân thủ kỷ luật, đó là điều trước nay các doanh nghiệp không hài lòng nhất ở sinh viên Việt Nam”, ông Hải lưu ý.

Minh Trang

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/khoa-hoc-cong-nghe/nguon-nhan-luc-cntt-chua-dap-ung-du-nhu-cau/352074.vgp