'Nguồn nhân lực của ngành công nghiệp vật liệu còn thiếu và yếu'

Tại Việt Nam, nguyên vật liệu chưa đáp ứng được nhu cầu của nhiều ngành, lĩnh vực sản xuất, dẫn đến phụ thuộc nguyên vật liệu nhập khẩu, do đó ảnh hưởng đến năng lực tự chủ, tự cường của nền kinh tế.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương-Trần Tuấn Anh nhấn mạnh tại Hội thảo, ngày 10/4. (Ảnh: Vietnam+)

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương-Trần Tuấn Anh nhấn mạnh tại Hội thảo, ngày 10/4. (Ảnh: Vietnam+)

“Việt Nam có nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển ngành công nghiệp vật liệu. Dù vậy, ngành công nghiệp vật liệu của nước ta phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, mong muốn và yêu cầu đặt ra. Có nhiều nguyên nhân, cả chủ quan và khách quan, song một trong những nguyên nhân chủ yếu là nguồn nhân lực của ngành công nghiệp vật liệu còn thiếu và yếu; đào tạo nguồn nhân lực chưa gắn kết chặt chẽ với phát triển khoa học và công nghệ.”

Nội dung trên được Trưởng Ban Kinh tế Trung ương-Trần Tuấn Anh nhấn mạnh tại Hội thảo quốc tế “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp vật liệu đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” diễn ra ngày 10/4.

Ngành công nghiệp nền tảng

Ông Trần Tuấn Anh chỉ ra tính cấp thiết trong việc phát triển ngành, bởi các quốc gia trên thế giới muốn tiến hành công nghiệp hóa thành công đều có ngành công nghiệp vật liệu phát triển. Đây là ngành công nghiệp nền tảng, đóng vai trò cung cấp đầu vào cho tất cả các lĩnh vực sản xuất cũng như tiêu dùng của xã hội.

Tại Việt Nam, nguyên vật liệu trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu của nhiều ngành, lĩnh vực sản xuất quan trọng, dẫn đến phụ thuộc nguyên vật liệu nhập khẩu, do đó ảnh hưởng đến năng lực tự chủ, tự cường của nền kinh tế.

“Sức cạnh tranh của nhiều ngành vật liệu còn hạn chế cả về trình độ công nghệ, năng lực sản xuất, chất lượng và chi phí. Điều này do công tác đào tạo nguồn nhân lực chưa gắn kết chặt chẽ với phát triển khoa học và công nghệ và cơ chế; chính sách cho phát triển nguồn nhân lực nói chung và nguồn nhân lực trong ngành công nghiệp vật liệu nói riêng còn nhiều bất cập,” ông Trần Tuấn Anh nói.

Vì vậy, trước yêu cầu phát triển công nghiệp đất nước trong giai đoạn mới, trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế ngày càng mạnh mẽ và sâu rộng với việc thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới cũng như sự tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh: “Việt Nam cần có tư duy và cách tiếp cận mới trong phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp vật liệu trong thời gian tới.”

Chú trọng từ trong đào tạo

Tại hội thảo, ông Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết ngành công nghệ vật liệu mới được xác định là một trong bốn lĩnh vực công nghệ cao được ưu tiên (cùng với công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, và công nghệ tự động hóa). Từ năm 2001 luôn có một chương trình khoa học và công nghiệp trọng điểm cấp quốc gia về nghiên cứu, ứng dụng và phát triển vật liệu mới. Bên cạnh đó, các nội dung nghiên cứu, ứng dụng vật liệu cũng đã được ưu tiên lồng ghép trong các chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia khác.

Bộ trưởng nhấn mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đã hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp trong nước tăng cường tiềm lực, đặc biệt góp phần đào tạo, nâng cao trình độ cán bộ nghiên cứu, qua đó làm chủ được các công nghệ mới, tiên tiến của thế giới.

“Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp vật liệu. Việc phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ ngành công nghiệp vật liệu của Việt Nam phải tương xứng với tiềm năng, đáp ứng nhu cầu, chủ động phát triển các ngành kinh tế,” ông Đạt nói.

Tại hội thảo, các tham luận tập trung phân tích, làm rõ tình hình phát triển công nghiệp và ngành công nghiệp vật liệu của Việt Nam, thực trạng nguồn nhân lực cũng như nhận diện bối cảnh, xu thế và tư duy, cách tiếp cận mới trong thực hiện công nghiệp hóa, hiện đạo hóa đến năm 2030, tầm nhìn 2045…

Đại diện trong lĩnh vực đào tạo, ông Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh cho biết trong chiến lược phát triển giai đoạn mới của trường là tiếp tục tạo ra những công trình nghiên cứu khoa học quan trọng đồng thời đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng giáo dục đại học góp phần đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng nhu cầu đào tạo nhân lực chất lượng cao cho đất nước.

Hội thảo quốc tế “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp vật liệu đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045,” ngày 10/4. (Ảnh: Vietnam+)

Tại Việt Nam, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Để thực hiện các mục tiêu này, Nghị quyết Đại hội XIII đã xác định 3 đột phá chiến lược và 12 định hướng lớn, trong đó một định hướng rất quan trọng là đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa dựa trên nền tảng của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và những thành tựu công nghệ của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Xuất phát từ yêu cầu này, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị đã giao Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan và các chuyên gia trong nước và quốc tế nghiên cứu, xây dựng Đề án “Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045,” dự kiến trình Hội nghị Trung ương lần 6 vào năm 2022.

Theo đó, hội thảo quốc tế về phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp vật liệu đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại là một chủ đề quan trọng liên quan đến nội dung của Đề án trên./.

Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp vật liệu đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. (Ảnh: Vietnam+)

Hạnh Nguyễn (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/nguon-nhan-luc-cua-nganh-cong-nghiep-vat-lieu-con-thieu-va-yeu/705204.vnp