Nguồn nước tại các hồ thủy điện gặp khó, điện sinh hoạt có được đảm bảo?

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục điều tiết Điện lực, Bộ Công Thương đang soạn thảo và sẽ trình Thủ tướng Chính phủ trong thời gian tới về việc ban hành Chỉ thị công tác tiết kiệm điện, để đảm bảo điện cho sinh hoạt cũng như sản xuất của người dân.

Điều tiết nước trong các hồ thủy điện một cách tiết kiệm

Trả lời câu hỏi của PV về việc cung cấp điện trong bối cảnh nguồn nước tại các hồ thủy điện vẫn đang trong tình trạng khó khăn, ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cho biết, năm 2019, nước về các hồ thủy điện ít hơn so với các năm trước. Theo đó, tổng dung tích hữu ích hiện có ở hồ chứa thủy điện thiếu hụt so với mực nước dâng bình thường 15 tỷ m3, trong đó riêng với 3 hồ chứa lớn lưu vực sông Hồng (Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình) đã thiếu hụt gần 7,3 tỷ m3. Hiện Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn đề nghị tổ chức 3 đợt đổ ải với tổng số ngày đổ ải là 18 ngày và lượng nước cấp cho hạ du, phục vụ mục tiêu tưới tiêu ở Đồng bằng Bắc Bộ khoảng 4 tỷ m3.

Trong khi đó, riêng với hồ Thủy điện Hòa Bình ngoài việc sản xuất điện còn có nhiệm vụ xả nước xuống hạ du để cấp nước cho nhà máy nước sông Đà với lưu lượng tối thiểu là 400m3/s, đây là sản lượng liên tục phải duy trì để nhà máy nước sông Đà lọc nước, cấp nước cho Thủ đô Hà Nội. “Với tình hình nước, nhu cầu điện như hiện nay, việc đáp ứng nhu cầu trên là hết sức khó khăn”- ông Tuấn cho hay.

Trước tình hình trên, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, Bộ Công Thương đã chủ động làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền đôn đốc các đơn vị triển khai lấy và sử dụng nước hiệu quả.

“Ngày 11/12, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Bộ Công Thương đi kiểm tra một số đơn vị trạm bơm ở các khu vực xung quanh Hà Nội, đôn đốc các đơn vị nạo vét kênh mương, trạm bơm để tận dụng nguồn nước… Quan trọng hơn, cần đặt các trạm bơm dã chiến, để cấp nước, tưới tiêu cho nông nghiệp mà không cần đến đợt xả nước, đồng thời, yêu cầu các tỉnh phối hợp với các nhà máy điện để tính toán hiệu quả nhất lượng nước sử dụng”, ông Tuấn cho biết.

Đối với Thủ đô Hà Nội, ông Nguyễn Anh Tuấn cũng cho biết, cần đặt các trạm bơm dã chiến, để cấp nước, tưới tiêu cho nông nghiệp mà không cần đến đợt xả nước, đồng thời, yêu cầu các tỉnh phối hợp với các nhà máy điện để tính toán hiệu quả nhất lượng nước sử dụng.

“Bộ Công Thương đã chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), các đơn vị phát điện tuyệt đối tuân thủ quy trình điều tiết liên hồ chứa do Thủ tướng ban hành. Bên cạnh đó, chủ động làm việc với các địa phương, các đơn vị cung cấp thủy lợi để phối hợp trong vấn đề sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả. Yêu cầu các nhà máy điện có phương thức vận hành phù hợp với tình hình vận hành thủy văn của từng hồ bởi hiện nay, lượng nước ở các hồ không được đồng đều”, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực thông tin.

Bảo đảm điện cho sinh hoạt cũng như sản xuất của người dân thời gian tới

Đưa ra các giải pháp để đáp ứng yêu cầu cung cấp điện và cấp nước trong thời gian tới, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cho biết, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài Nguyên Môi trường đã có nhiều buổi họp, làm việc, trao đổi với các tỉnh, thành phố để sử dụng nước, điều tiết nước trong các hồ thủy điện một cách tiết kiệm, hiệu quả nhất, phục vụ tưới tiêu cho nông nghiệp, phát điện phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt của người dân theo hướng sử dụng hiệu quả nhất nguồn nước xả từ hồ thủy điện và xem xét, giảm thiểu, rút ngắn lượng ngày xả nước bằng các giải pháp kỹ thuật.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng chỉ đạo EVN, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, các đơn vị phát điện tuyệt đối tuân thủ quy trình điều tiết liên hồ chứa do Thủ tướng ban hành. Song song đó, chủ động làm việc với các địa phương, các đơn vị cung cấp thủy lợi để phối hợp trong vấn đề sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả.

Ngoài ra, Bộ Công Thương yêu cầu các nhà máy điện có phương thức vận hành phù hợp với tình hình vận hành thủy văn của từng hồ bởi hiện nay, lượng nước ở các hồ không được đồng đều. “Trên cơ sở đó, phương thức vận hành điện phải hết sức linh hoạt, tình huống xấu thì phải có giải pháp thay thế các nguồn nhà máy thủy điện. Hiện nước về các hồ không đồng đều. Năm 2020 cũng gặp khó khăn khi nguyên liệu đầu vào như than, khí khó khăn. Bằng mọi giải pháp đảm bảo cung cấp điện cho năm sau, chúng tôi tính toán các kịch bản phụ tải cao và thấp”- ông Tuấn khẳng định.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Bộ Công Thương đang soạn thảo và sẽ trình Thủ tướng Chính phủ trong thời gian tới về việc ban hành Chỉ thị của Thủ tướng mới về công tác tiết kiệm điện để đảm bảo điện cho sinh hoạt cũng như sản xuất của người dân.

Yến Nhi

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/kinh-te/201912/nguon-nuoc-tai-cac-ho-thuy-dien-gap-kho-dien-sinh-hoat-co-duoc-dam-bao-4f10b9c/