Nguồn thu ngân sách Nhà nước tăng ấn tượng

- Theo Bộ Tài chính, trong 9 tháng đầu năm 2019, thu ngân sách Nhà nước đạt 77,5% dự toán, mức cao nhất so với cùng kỳ một số năm gần đây; tăng 10,1% so cùng kỳ năm 2018.

Ước cả năm thu vượt 3,3% (46 nghìn tỷ đồng) so dự toán, trong đó thu ngân sách trung ương ước vượt 8 - 11 nghìn tỷ đồng, là năm thứ 2 liên tiếp vượt dự toán. Tỷ lệ huy động vào ngân sách Nhà nước đạt 23,7%GDP, từ thuế, phí đạt 20,2%GDP.

Trong đó, thu nội địa thực hiện 9 tháng đạt 75,2% dự toán. Ước cả năm vượt dự toán 22 nghìn tỷ đồng, chiếm 82% tổng thu ngân sách Nhà nước. Thu nội địa từ thuế, phí tăng 10,9% so thực hiện năm 2018, cao hơn một số năm gần đây .

Thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước ước tăng 9,3%, từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 10%, từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh tăng 13%. Mặc dù vậy, hoạt động sản xuất - kinh doanh của một số doanh nghiệp, lĩnh vực có đóng góp số thu lớn gặp khó khăn đã ảnh hưởng đến số thu của một số địa phương.

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Đối với nguồn thu từ dầu thô, Bộ Tài chính cho biết, thực hiện 9 tháng đạt 98,3% dự toán . Ước cả năm vượt 2,2 nghìn tỷ đồng so dự toán , chiếm 3,2% tổng thu ngân sách Nhà nước.

Thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu, thực hiện 9 tháng đạt 86,6% dự toán . Ước cả năm vượt 21,8 nghìn tỷ đồng so dự toán , chiếm 14,5% tổng thu ngân sách Nhà nước.

Ở chiều ngược lại, về chi ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính cho biết, thực hiện 9 tháng đạt 63,1% dự toán. Trong đó, chi thường xuyên đạt 73,4%, chi trả nợ đạt 68,4%, chi đầu tư phát triển đạt 44,8%.

Ước cả năm, chi thường xuyên, chi trả nợ cơ bản đạt dự toán, riêng chi đầu tư phát triển còn khó khăn. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã và đang chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương và địa phương rà soát kế hoạch đầu tư công năm 2019, tháo gỡ khó khăn, kể cả cắt giảm, điều chuyển vốn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Cơ cấu thu chuyển dịch tích cực

Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia 2016 - 2020, Bộ Tài chính cho biết, tổng thu 5 năm ước đạt kế hoạch là 6,8 triệu tỷ đồng. Tỷ lệ huy động thu vào ngân sách Nhà nước đạt 24,4%GDP, vượt kế hoạch là 23,5%GDP, trong đó từ thuế, phí xấp xỉ 21% GDP theo kế hoạch.

“Cơ cấu thu chuyển dịch tích cực, tỷ trọng thu nội địa tăng từ mức bình quân giai đoạn 2011 - 2015 là 68%, giai đoạn 2016 - 2018 là 80,5%, lên mức 82% năm 2019 và 83,6% dự toán năm 2020 (thực hiện phấn đấu đạt 84%). Trong khi thu từ dầu thô và từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm từ mức bình quân giai đoạn 2011-2015 là 30%, giai đoạn 2016-2018 là 19%, xuống còn 17,7% năm 2019 và 16,1% dự toán năm 2020”, Bộ Tài chính thông tin.

Về chi, Bộ Tài chính cho biết, cơ cấu chi chuyển dịch tích cực, tỷ trọng dự toán chi đầu tư phát triển tăng dần (dự toán năm 2018 là 26,2%, năm 2019 là 26,3%, năm 2020 là 26,9%), thực hiện giai đoạn 2016-2020 ước đạt 27-28% , vượt mục tiêu kế hoạch là 25 - 26%. Tổng chi đầu tư phát triển của Ngân sách Nhà nước ước thực hiện đạt 2,15 triệu tỷ đồng, vượt kế hoạch là 2 triệu tỷ đồng.

Tỷ trọng dự toán chi thường xuyên giảm dần, dự toán năm 2018 là 61,8%, năm 2019 là 61,2%, năm 2020 dự kiến là 60,5%, vượt mục tiêu kế hoạch là dưới 64%. Bảo đảm nguồn thực hiện cải cách tiền lương tăng khoảng 7%/năm theo Nghị quyết của Quốc hội và các nhiệm vụ quốc phòng - an ninh, chính sách an sinh xã hội cấp thiết khác,...

Bố trí dự toán cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương trên cơ sở quán triệt yêu cầu sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đẩy mạnh tự chủ đơn vị sự nghiệp, qua đó cơ cấu lại nguồn để ưu tiên bố trí thực hiện cải cách tiền lương và các chính sách an sinh xã hội.

Riêng về bội chi, nợ công, số liệu Bộ Tài chính cũng cho thấy, tỷ lệ dự toán bội chi Ngân sách Nhà nước giảm dần, năm 2020 dự kiến còn 3,44%GDP; ước bình quân giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 3,6-3,7%GDP, theo đúng Nghị quyết số 25 của Quốc hội: bình quân dưới 3,9%GDP, đến năm 2020 dưới 3,5%GDP.

Các chỉ tiêu nợ công, nợ Chính phủ được cải thiện so với năm 2016. Đến cuối năm 2020 dự kiến nợ công khoảng 54,3%GDP, nợ Chính phủ khoảng 48,5%GDP (chỉ tiêu năm 2016 tương ứng là 63,7%GDP và 52,7%GDP, sát ngưỡng giới hạn là 65% và 54%); riêng chỉ tiêu nợ nước ngoài của quốc gia tăng từ mức 44,8%GDP năm 2016 lên 45,5%GDP năm 2020 (giới hạn là 50%GDP), chủ yếu do dư nợ tự vay tự trả nước ngoài của doanh nghiệp tăng.

Minh Ngọc

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/kinh-te/201910/nguon-thu-ngan-sach-nha-nuoc-tang-an-tuong-642314/