Nguy cơ biến chứng từ bệnh sốt mò

Sốt mò là căn bệnh sốt cấp tính có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong với nguyên nhân do con mò đốt người bệnh. Đáng chú ý, căn bệnh này có dấu hiệu gia tăng trong thời tiết nắng nóng.

Bệnh nhân bị sốt mò điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: BVCC.

Bệnh nhân bị sốt mò điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: BVCC.

Gia tăng ca mắc

Thông tin từ Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang cho biết, bệnh viện đang điều trị cho 2 bệnh nhân nam L.V.T. (17 tuổi, trú tại xã Phúc Ninh, huyện Yên Sơn) và B.V.K. (42 tuổi, trú tại xã Yên Lâm, huyện Hàm Yên) đều được chẩn đoán Sốt mò.

Qua khai thác thông tin, 2 bệnh nhân đều đi rừng về và đột nhiên sốt cao liên tục khoảng 5-7 ngày không đỡ nên đã đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang để thăm khám và điều trị.

Sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết, bác sĩ phát hiện 2 bệnh nhân đều có 1 nốt côn trùng đốt bị tổn thương và đã đóng vẩy cùng các triệu chứng của bệnh sốt mò nên đã điều trị bằng thuốc doxycycline và chăm sóc tích cực. Sau 1 ngày cả 2 bệnh nhân đã cắt sốt và đang dần hồi phục sức khỏe.

Mới đây, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình cũng điều trị cho bệnh nhân 29 tuổi nhập viện trong tình trạng sốt cao liên tục không hạ, khó thở, tụt huyết áp, tiến triển nguy kịch. Khai thác tiền sử cho thấy, 1 tuần trước đó, bệnh nhân bị sốt, đau mỏi người, tự uống thuốc hạ sốt ở nhà nhưng không đỡ. Các xét nghiệm cho thấy bệnh nhân bị tổn thương thận, gan cấp, rối loạn đông máu và viêm phổi.

Sau thăm khám, các bác sĩ phát hiện hai vết thương do mò đốt ở bẹn trái và đùi phải - những vị trí được cho là khá hiếm gặp và khó phát hiện. Bệnh nhân dần hồi phục sau khi được điều trị theo đúng phác đồ.

Cần chẩn đoán và điều trị kịp thời

BSCKII Đoàn Thị Thúy Tình – Phó trưởng khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang cho biết: Sốt mò còn được gọi là sốt phát ban bụi rậm do mò đốt và truyền vi khuẩn vào cơ thể người. Sốt mò thường xảy ra vào mùa mưa và nóng. Do vậy, ở miền Bắc nước ta bệnh thường xảy ra từ tháng 5 đến tháng 10.

“Bệnh gây sốt cấp tính, đau đầu dữ dội và nổi hạch. Ở chỗ mò đốt, lúc đầu có tổn thương gồm một vết loét có đóng vảy trên da rất điển hình, sau đó bắt đầu sốt. Nếu bệnh nhân không được chẩn đoán đúng và điều trị sốt mò kịp thời, sẽ có nhiều biến chứng nguy hiểm như: Viêm cơ tim, sốc nhiễm khuẩn; Viêm phổi, phế quản nặng do bội nhiễm; Viêm não, màng não... nặng nhất có thể dẫn đến tử vong” - BS Tình cho biết.

Đồng quan điểm, BS Hoàng Công Tình - Khoa Hồi sức Tích cực 1, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình cho biết thêm: “Bệnh sốt mò có biểu hiện đa dạng, đặc trưng bởi sốt cao kéo dài, da niêm mạc xung huyết và phát ban. Do vậy có thể nhầm với các bệnh sốt thông thường, sốt xuất huyết Dengue, sốt phát ban (sởi), bệnh sốt rét, viêm phổi, viêm cơ tim, nhiễm trùng máu. Hoặc do mệt mỏi, khó chịu, hoa mắt, chóng mặt, chóng mặt, ù tai, có cơn vã mồ hôi, đau cơ nhiều như trong bệnh sốt vàng da chảy máu. Có những trường hợp biểu hiện li bì, thờ thẫn như bệnh thương hàn (do vi khuẩn salmonella). Thậm chí bệnh dễ nhầm lẫn với viêm cầu thận cấp, xuất huyết giảm tiểu cầu... Nếu chẩn đoán nhầm và điều trị không đúng kháng sinh đặc hiệu thường dẫn đến suy đa tạng, phải thở máy, lọc máu, thay huyết tương và nguy cơ tử vong rất cao”.

PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho hay: Đặc điểm của con mò thường hay cắn ở vùng kín, vùng da mỏng và có nếp gấp như nách, sau tai... đầu tiên thường tổn thương như nốt phỏng đường kính 0,5-1cm, không đau, không ngứa nên bệnh nhân thường không để ý đến. Sau một vài ngày nốt phỏng thường tự vỡ ra, đóng một vảy đen hơi lõm xuống mặt da và xung quanh có gờ đỏ kèm theo tổn thương nổi hạch, phát ban. Một số bệnh nhân sẽ dẫn đến nặng, có biểu hiện suy hô hấp, có bệnh cảnh giống nhiễm khuẩn huyết. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây nên những biến chứng cấp tính và tử vong.

Sốt mò là một bệnh khá phổ biến trong thời gian gần đây ở một số nước nhiệt đới. Tại Việt Nam, khu vực mò hay sinh sống là những vùng nông thôn hay trung du, miền núi - nơi có cây cối rậm rạp, bụi cây. Do vậy, người dân khi làm việc ngoài đồng ruộng hoặc những nơi có bụi cây rậm rạp nên chú ý trang phục bảo hộ lao động: Mặc quần áo dày, đi tất/ủng và có thuốc/hóa chất để thoa/xịt trên người để tránh côn trùng đốt. Khi có triệu chứng sốt đột ngột, xuất huyết, mệt mỏi, đau người, phát ban, nổi hạch, cần quan sát và kiểm tra kỹ trên cơ thể xem có nốt đốt như mô tả ở trên thì nghĩ đến đây là tổn thương do mò đốt và nên đến các cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời.

“Nhân viên y tế cũng cần được trang bị và cập nhật các kiến thức về bệnh sốt mò theo hướng dẫn của Bộ Y tế để có thể chẩn đoán và điều trị kịp thời, đúng phác đồ. Nếu bệnh nhân diễn biến nặng nên chuyển đến tuyến trên để được xử lý và điều trị, tránh những biến chứng nguy kịch, đe dọa tính mạng” - PGS.TS Đỗ Duy Cường nhấn mạnh.

Đức Trân

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/nguy-co-bien-chung-tu-benh-sot-mo-5719161.html