Nguy cơ Brexit 'cứng' cổ súy tội phạm xuyên biên giới

Ngày 29-3-2019, tức thời điểm Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn được gọi là Brexit, đang sắp cận kề. Càng gần đến thời điểm này, không chỉ Bộ trưởng Nội vụ Anh Sajid Javid tỏ ra lo lắng mà giới cảnh sát nước này cũng đang rất sốt ruột về vấn đề hợp tác an ninh với EU.

Việc hai bên chưa thể đạt được thỏa thuận toàn diện cuối cùng làm gia tăng nguy cơ về một Brexit “cứng,” có nguy cơ cổ súy tình trạng tội phạm xuyên biên giới ở châu Âu.

Những trường hợp có thể xảy ra

Theo tờ Le Soir của Bỉ, có 3 trường hợp có thể xảy ra: một thỏa thuận tốt đẹp giữa các nhà lãnh đạo hai bên, một Brexit "cứng" với ít sự hợp tác nhất và cuối cùng là tình trạng không có thỏa thuận hay thiếu thỏa thuận - đồng nghĩa với việc Anh sẽ “ly hôn” một cách thô bạo với 27 nước EU còn lại.

Hai giả thiết cuối làm các quan chức Anh đặc biệt lo ngại về nguy cơ tồi tệ ảnh hưởng đến an ninh công cộng do mất khả năng tác chiến. Tương tự như đối với vấn đề kinh tế, một Brexit dù "cứng" hay "mềm" cũng sẽ không thể tránh khỏi việc gây ra những hậu quả tiêu cực cho ngành cảnh sát và tư pháp.

Ý thức được tầm quan trọng của vấn đề mang tính sống còn này trong các cuộc đàm phán, nhất là trong bối cảnh khủng bố hiện nay, Hội đồng châu Âu đã "bật đèn xanh" từ tháng 4-2017 cho một "mối quan hệ đối tác" với Anh trong lĩnh vực an ninh.

Ông Daniel Ferrie, phát ngôn viên Ủy ban châu Âu (EC) về các cuộc đàm phán xung quanh Brexit, nhắc lại một điều không thể bỏ qua là "nếu không có thỏa thuận toàn diện, sẽ không có sự hợp tác giữa Anh và EU"- một viễn cảnh có thể làm rúng động các cơ quan tình báo, hải quan, cảnh sát và cả những thẩm phán ở cả hai phía.

Nước Anh và EU vẫn đang loay hoay tìm giải pháp hợp lý cho Brexit. (Ảnh tư liệu)

Gian nan đàm phán vấn đề tư pháp

Trong cuộc chiến chống tội phạm và khủng bố, các thông tin và tài liệu luôn được cập nhật và được đánh giá "quý như vàng." Khả năng tiếp cận các dữ liệu của hai bên trong tương lai là một vấn đề gây trở ngại cho các nhà đàm phán Brexit.

EC nhận định thông tin đóng vai trò quan trọng đối với nhiều nội dung của mối quan hệ tương lai, do đó cần phải có những quy định liên quan đến vấn đề dữ liệu. Ông Michel Barnier - Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU, đánh giá thông tin chính là nội dung mang tính then chốt đối với nền tư pháp hiện đại. Hai bên phải định hình ra một cơ chế trao đổi dữ liệu hiệu quả giữa các lực lượng cảnh sát và thẩm phán giữa hai bờ eo biển Manche.

Tất cả các bên đều thống nhất về một nguyên tắc, đó là tiếp tục trao đổi thông tin về tội phạm và khủng bố đối với những phần tử bị tình nghi hoặc đã được xác nhận. Tuy nhiên, khi đi vào các nội dung chi tiết thì nhiều khó khăn đã nảy sinh.

Người Anh muốn truy cập vào hệ thống thông tin của cơ quan cảnh sát châu Âu (Europol), trong khi EU đề xuất một sự trao đổi dữ liệu hữu hiệu. Khi không còn là thành viên Hiệp ước Schengen - hiệp ước về đi lại tự do mà một số nước châu Âu ký kết, sắp tới cũng không còn là thành viên của Tòa công lý châu Âu, Anh sẽ không thể có quyền hợp pháp vào đọc các dữ liệu của cảnh sát và các cơ quan công tố châu Âu một cách dễ dàng nữa.

Theo ông Barnier, cần phải hiểu rõ ràng là theo quan điểm của Anh, việc hợp tác của EU và Anh sẽ cần "một cơ chế khác." Cơ chế mới này có thể dựa trên những trao đổi hữu hiệu và tương quan, nhưng không cho quyền tự do tiếp cận vào các cơ sở dữ liệu của riêng EU hoặc của riêng Schengen.

May mắn đối với Anh là vẫn còn các thông tin của Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol), bao gồm 17 cơ sở dữ liệu được thành lập bởi 192 nước thành viên, trong đó bao gồm phần lớn các nước EU.

Những dữ liệu này liên quan đến các hồ sơ cá nhân bị truy tìm trên quy mô quốc tế, hồ sơ về ADN, các hồ sơ lưu trữ dấu vân tay điện tử, danh sách những xe hơi bị đánh cắp hay tội phạm khiêu dâm trẻ em. Việc ông Barnier cho rằng cần phải tìm kiếm "một cơ chế khác" nên được hiểu như thế nào?

Trước tiên, để có thể hiểu được tầm vóc của cơ chế này, cần phải sắp xếp các cơ chế đang tồn tại vốn hoạt động rất hiệu quả trong cuộc chiến chống tội phạm xuyên biên giới suốt những thập niên qua: đặt hàng châu Âu điều tra, hình thức ủy thác châu Âu xét xử, dẫn độ tù nhân, nhóm điều tra chung châu Âu, khả năng đóng băng tài sản, thành lập nhiều cơ sở dữ liệu hoặc các lệnh bắt giữ châu Âu.

Sự biến mất của cơ chế lệnh bắt giữ châu Âu sẽ gây ra mối lo ngại đặc biệt: liệu các vụ dẫn độ nghi phạm giữa Anh và các nước EU còn có thể diễn ra từ ngày 30-3-2019? (Ví dụ lệnh bắt giữ thường xuyên được sử dụng trong các vụ điều tra về các mạng lưới buôn người).

Tuy nhiên, ngay cả khi giữa Anh và EU có thỏa thuận, điều này cũng không thể tiếp tục diễn ra. Phát ngôn viên EC Daniel Ferrie giải thích cơ chế này tồn tại trong một khuôn khổ chung tại Tòa công lý châu Âu. Từ ngày 30-3-2019, nước Anh không còn là một phần trong khuôn khổ này nữa. Do đó, cần phải tìm ra một phương thức hợp pháp cho các vụ dẫn độ.

Những thỏa thuận song phương đã tồn tại từ lâu giữa các nước châu Âu, và những người chịu trách nhiệm đàm phán sẽ có 6 tháng để điều chỉnh lại một cách thức dẫn độ ngoài khuôn khổ châu Âu.

Làm thế nào để Anh rời EU mà không phí hoài những tiến bộ trong cuộc chiến chung chống khủng bố, rửa tiền và tài trợ các tổ chức tội phạm? Đây là một bài toán rất hóc búa.

Trong khuôn khổ cuộc đàm phán đang diễn ra, người Anh mong muốn một mối quan hệ đối tác mới, sâu sắc và đặc biệt là có thể duy trì được sự hợp tác dựa trên tinh thần xây dựng, phục vụ cho việc đảm bảo an ninh nội bộ - một mong muốn mà 27 nước EU đều ủng hộ.

Khủng bố, tấn công trên không gian mạng, tội phạm có tổ chức là những mối đe dọa chung đối với tất cả các nước châu Âu. Các vấn nạn này đòi hỏi một cách đáp trả thống nhất từ các nước châu Âu, bao gồm cả Anh.

Hồng Phúc

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/nguy-co-brexit-cung-co-suy-toi-pham-xuyen-bien-gioi-120853.html