Nguy cơ bùng phát chạy đua vũ trang thời hậu INF

Động thái trên của Nga diễn ra chỉ vài ngày sau khi Mỹ thử nghiệm phiên bản phóng từ mặt đất của tên lửa hành trình Tomahawk - loại tên lửa bị cấm hơn 30 năm qua, hơn 2 tuần từ thời điểm Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), chính thức sụp đổ vào ngày 2-8 với sự rút đi lần lượt của Mỹ và Nga.

Hãng tin AP cho hay, tên lửa được phóng tại bờ biển thuộc bang California hôm 18-8. "Lầu Năm Góc xác nhận vũ khí thử nghiệm là một phiên bản của tên lửa hành trình Tomahawk mà hải quân Mỹ sử dụng, được điều chỉnh và khai hỏa trên mặt đất. Tên lửa được phóng từ đảo San Nicolas và bắn trúng mục tiêu cách đó hơn 500km. Tầm bắn của tên lửa này có thể lên đến 1.000km.

Ngoài phiên bản khai hỏa trên đất liền của Tomahawk, Lầu Năm Góc cũng công bố ý định bắt đầu thử nghiệm tên lửa đạn đạo tầm bắn 3.000-4.000km. Bộ tưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper nhấn mạnh, ông muốn Lầu Năm Góc phát triển và triển khai tên lửa có năng lực hạt nhân tầm trung sớm nhất có thể…", bài báo trên hãng AP có đoạn viết.

Quan chức Mỹ khẳng định vụ thử nghiệm là nhằm vào Trung Quốc. Các tên lửa tầm trung sắp tới cũng sẽ chỉ được triển khai tới lãnh thổ các nước đồng minh châu Á của Mỹ, song lập luận này vẫn khiến thế giới ngỡ ngàng và làm người Nga tức giận.

Tại phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) hôm 23-8, Phó Đại sứ Nga tại LHQ Dmitry Polyanskiy kêu gọi các nước châu Âu hành động để ngăn chặn Mỹ triển khai tên lửa tầm trung tại châu lục này thì đại diện của Mỹ tại LHQ lại nhấn mạnh việc Nga và Trung Quốc tiếp tục tăng cường sức mạnh quân sự…

Trong khi đó, nhân chuyến thăm Phần Lan – quốc gia trung lập ngăn cách Nga và châu Âu – hôm 21-8, Tổng thống Nga Vladimir Putin cáo buộc vụ thử tên lửa của Mỹ là minh chứng cho thấy Mỹ đã toan tính việc chế tạo tên lửa tầm trung từ trước khi rời INF. "Chúng tôi rất thất vọng. Việc thử tên lửa tầm trung phóng đi từ mặt đất đã vi phạm INF, đồng thời làm xói mòn an ninh toàn cầu nói chung và an ninh châu Âu nói riêng", ông Putin nói.

Phản ứng của Nga cũng không dừng ở đó, hôm 24-8, Tổng thống Putin yêu cầu Bộ Quốc phòng và các cơ quan khác của Nga phân tích mối đe dọa từ vụ thử tên lửa tầm trung mới đây của Mỹ để có phương án trả đũa tương xứng.

"Nước Nga không thể ngồi yên. Việc Mỹ triển khai các tên lửa mới tới khu vực châu Á - Thái Bình Dương ảnh hưởng tới lợi ích cốt lõi của chúng ta vì chúng nằm gần biên giới Nga", ông Putin nói tại cuộc họp khẩn của Hội đồng an ninh Liên bang Nga.

Tổng thống Nga cũng lưu ý rằng Mỹ đã thử tên lửa mới bằng bệ phóng Mk-41, bệ phóng được bố trí tại căn cứ phòng thủ tên lửa của Mỹ tại Romania mà trước đó Mỹ tuyên bố không có khả năng phóng tên lửa hành trình tầm trung.

"Các tên lửa được khai hỏa từ bệ phóng MK-41 ở châu Âu sẽ chỉ mất 10 phút để bay đến các thành phố lớn của Nga. Điều này cho thấy cuộc thử nghiệm này không phải là ngẫu hứng, mà là liên kết tiếp theo trong chuỗi sự kiện đã được lên kế hoạch và thực hiện trước đó.

Phía Mỹ ngoan cố phủ nhận điều này, cho rằng những chiếc MK-41 trên đất liền được cho là không thể phóng tên lửa hành trình Tomahawk trên biển. Hiện tại, sự thật về hành vi vi phạm của họ đã được đưa ra ngoài và không thể tranh chấp - chính họ đã nói về điều đó", nhà lãnh đạo Nga nêu rõ.

Vụ thử tên lửa đạn đạo từ các vùng biển gần Bắc Cực là động thái thể hiện khả năng răn đe không giới hạn của Nga trước các động thái quân sự tiệm tiến của Mỹ. Tuy nhiên, nếu đối chiếu với tuyên bố hôm 23-8 của ông Putin, việc khai hỏa tên lửa đạn đạo không phải cách duy nhất mà Nga thể hiện họ đủ sức chống lại bất cứ mối đe dọa nào mà không cần tham gia một cuộc chạy đua vũ trang.

Các chuyên gia vũ khí Nga tiết lộ, nếu Mỹ có tên lửa Tomahawk, thì người Nga cũng có những phương án vũ khí tầm trung uy lực, nhưng đã bị giới hạn tính năng để tuân thủ INF. Những gì Moscow cần làm lúc này chỉ đơn giản là khai mở tính năng của chúng. Đáng kể nhất trong số đó là tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander và tên lửa hành trình Kalibr.

"Tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander bị cắt giảm tầm bắn chỉ còn 480 km theo yêu cầu của INF. Giờ đây, khi rào cản đã bị phá bỏ, không còn gì ngăn cản các nhà thiết kế Nga khôi phục tính năng kỹ thuật thực sự của chúng", RT ngày 26-8 dẫn lời chuyên gia quân sự nổi tiếng của Nga Viktor Murakhovsky nói.

Theo Viktor Murakhovsky, việc khai mở những tính năng của Iskander đối với Nga là "phương án bất đối xứng với chi phí rẻ và hiệu quả cao nhất". Xuất hiện lần đầu từ năm 1996 và biên chế cho quân đội Nga vào năm 2006, tổ hợp tên lửa đạn đạo chiến thuật 9K720 Iskander được thiết kế để thay thế các tên lửa Tochka-U lỗi thời. Iskander hoạt động theo nguyên tắc bán đạn đạo, có trần bay 50km và hồi quyển để lao vào mục tiêu với quỹ đạo độc đáo.

Iskander sở hữu khả năng tàng hình và phòng thủ chủ động để đánh lừa radar đối phương, biến nó thành một trong những loại vũ khí răn đe hiếm hoi đủ sức xuyên thủng mọi hệ thống phòng thủ tên lửa trên thế giới. Mỗi tên lửa Iskander phiên bản đầu có trọng lượng khoảng 4 tấn, dài 7,3m, đường kính thân 0,92m, tốc độ bay trên Mach 7 (9000-9500km/h).

Các tên lửa khai hỏa từ bệ phóng Iskander có thể được trang bị các đầu dò điện tử, để kết hợp với hình ảnh từ máy bay chỉ huy trên không (AWACS) giúp nó đánh trúng mục tiêu di động với sai số 3m.

Về hỏa lực, đạn tên lửa Iskander có thể mang theo các loại đầu đạn như đạn nổ mảnh, đạn chùm, nhiệt áp, xuyên phá hầm ngầm và xung điện từ (EMP) hay đầu đạn hạt nhân. Moscow hiện sở hữu trên dưới 100 tổ hợp Iskander, triển khai dọc đất nước và ở Kaliningrad – vùng lãnh thổ nằm giữa Litva và Ba Lan. Trong trường hợp được nới rộng tầm bắn, Iskander có thể dễ dàng đạt khả năng tiêu diệt chính xác mục tiêu trong khoảng cách từ 2-3000km, phủ trọn châu Âu.

Đáng chú ý, Nga cũng phát triển biến thể tên lửa hành trình mang định danh Iskander-K, trang bị đạn 9M728 có tầm bắn 500 km. Phiên bản cải tiến 9M729 có độ chính xác cao và đầu đạn lớn hơn, bị Mỹ cáo buộc có tầm bắn tới hơn 5.000 km và vi phạm điều khoản INF, trong khi Nga bác bỏ điều này.

Với uy lực khủng của Iskander, Nga tự tin rằng đây là loại vũ khí răn đe hữu hiệu khiến các đối thủ buộc phải cân nhắc kỹ nếu muốn gây hấn. Năm ngoái, chính Viktor Murakhovsky từng khẳng định các nước khác trên thế giới sẽ không thể chế tạo ra một loại tên lửa có tính năng tương tự hệ thống Iskander của Moscow trước năm 2025.

Một ứng cử viên lớn nhất hiện nay cho cuộc phóng thử này là hệ thống tên lửa đa năng Kalibr. Năm 2015, một tuần sau khi bắt đầu chiến dịch quân sự ở Syria, quân đội Nga đã gây chấn động thế giới khi nã một loạt hơn 20 tên lửa hành trình Kalibr vào các mục tiêu của IS, đánh dấu lần thực chiến đầu tiên của loại tên lửa này.

Loạt tên lửa được bắn đi từ tàu chiến trên biển Caspian, bay qua không phận Iran và Iraq, trước khi đánh trúng nhiều mục tiêu IS trong lãnh thổ Syria từ khoảng cách 1.500 km với sai số chưa tới 3m. Đòn tấn công bất ngờ và hiệu quả ngoài sức tưởng tượng đã biến Kalibr thành nỗi khiếp sợ của đối phương.

Kalibr có nhiều mẫu đạn, gồm 3M-14T, 3M-14E, 3M-54E và 3M-54E-1 cho tàu ngầm, tàu nổi và phòng thủ bờ biển. Trong đó, đáng chú ý nhất là biến thể 3M-14T được bắn từ tàu nổi có tầm hoạt động lên đến 2.500km, mang đầu nổ nặng 400kg và bay ở vận tốc cận âm, khá giống tên lửa Tomahawk của Mỹ. Các biến thể còn lại thường có tầm bắn từ 200 đến 660km, nhưng bay ở tốc độ cao (lên đến Mach 3).

Theo Sputnik, Kalibr là loại tên lửa hành trình đặc biệt được thiết kế cho cả tàu ngầm tấn công hiện đại cũng như tàu chiến mặt nước của Hải quân Nga. Tuy nhiên, nó cũng có thể được hoán cải để khai hỏa từ các bệ phóng mặt đất, giống những gì Mỹ đang thực hiện.

Với sự sụp đổ của INF, các chuyên gia lo ngại, khả năng bền vững của Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START-3), văn kiện cuối cùng trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí sắp hết hạn vào năm 2021 cũng sẽ có cái kết tương tự, nhất là khi các quan chức Mỹ liên tục tuyên bố sẽ rút khỏi văn kiện này, kéo theo các bình luận đáp trả của người Nga.

Không có sự ràng buộc của cả INF và START-3, toàn bộ hệ thống kiểm soát vũ khí hạt nhân ở cấp độ song phương và đa phương sẽ bị đe dọa. Các cuộc chạy đua vũ trang được nhận định là không bắt đầu ngay mà sẽ diễn ra trong nhiều năm nữa khi các loại vũ khí tối tân mới ra đời cùng sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ.

Trong bài bình luận mới đây, tờ Politic viết: "Với cái chết của INF, việc Lầu Năm Góc thử nghiệm một tên lửa hành trình tầm trung, trên mặt đất, Nga đáp trả bằng việc phóng thử tên lửa và dần đến hạn của Hiệp ước START mới, người ta có thể cảnh giác về nguy cơ trở lại Chiến tranh Lạnh và thậm chí là chạy đua vũ trang.

Mỹ và Nga - hai siêu cường hạt nhân lớn nhất thế giới - đang trên đỉnh của một cuộc chạy đua vũ trang thế kỷ 21 sẽ gây bất lợi cho sự ổn định chiến lược và gây thêm một trở ngại trong cách ổn định mối quan hệ Nga-Mỹ vốn đã căng thẳng và khắc nghiệt".

Tờ New York Times thì bình luận: "Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev cuối cùng đã đi đến kết luận hợp lý rằng không có người chiến thắng trong một cuộc thi vũ khí và việc đưa tài nguyên vào các tên lửa tinh vi hơn bao giờ hết là không bền vững.

Tổng thống Donald Trump và người đồng cấp Vladimir Putin nên học một bài học từ những người tiền nhiệm và hợp tác làm việc để ngăn chặn tình hình trở nên tồi tệ hơn.

Mục tiêu đầu tiên là giải quyết cuộc khủng hoảng tiềm tàng do sự sụp đổ của INF. Chỉ tay trong một cuộc chiến tranh về nhận thức cộng đồng không phục vụ mục đích nào khác ngoài việc chính trị hóa hơn nữa một nỗ lực nhằm xoay chuyển mối quan hệ.

Thứ hai, Tổng thống Donald Trump nên ngừng lãng phí thời gian quý báu và nhận ra rằng việc gia hạn thỏa thuận START mới là vì lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ. START mới, bao gồm số lượng đầu đạn hạt nhân được triển khai trên các bệ phóng trên mặt đất, trên biển và trên không và là một thông tin cho Mỹ về kho vũ khí hạt nhân chiến lược của Nga.

Hiệp định bắt buộc trao đổi thông tin, dữ liệu chính xác về số lượng, loại và vị trí của các đầu đạn hạt nhân được triển khai của Moscow và một loạt các cuộc kiểm tra trực quan hàng năm mà bản thử nghiệm có hiệu lực để hỗ trợ xác minh sự tuân thủ của Nga.

Không có START mới, tất cả các thông tin và quyền truy cập này sẽ biến mất, giải phóng Moscow để triển khai thêm đầu đạn và tăng động lực cho các quan chức Mỹ dựa trên các quyết định chiến lược trong tương lai về các giả định trong trường hợp xấu nhất".

Cần nhắc lại rằng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã rút nước này khỏi INF không chỉ với cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước. Washington nhiều lần nhấn mạnh INF không bền vững khi nó không có Trung Quốc là một bên tham gia.

Trung Quốc tuy sở hữu một kho vũ khí hạt nhân khá khiêm tốn so với Nga và Mỹ, song nước này cũng gặt hái không ít thành công trong lĩnh vực vũ khí. Các Chiến lược An ninh quốc gia Mỹ coi Trung Quốc là một mối đe dọa hạt nhân lớn trong tương lai. Thập kỷ tới đây, kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc được dự báo sẽ tăng gấp đôi, lên tới 400 đầu đạn.

Bất chấp những lời kêu gọi của Mỹ, phía Trung Quốc tuyên bố họ "không có ý định" tham gia bất kỳ hiệp ước kiểm soát nào với Nga và Mỹ. Quan điểm cứng rắn này của Trung Quốc được cho là sẽ khiến khả năng các cường quốc cùng đạt được đồng thuận trong vấn đề kiểm soát vũ khí ngày càng xa vời hơn.

Bài: Thiện Minh - Trình bày: Linh Chi

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/emagazine/nguy-co-bung-nguy-co-chay-dua-vu-trang-thoi-hau-inf-559588/