Nguy cơ chiến tranh lạnh Nga - Mỹ: Washington đã sai lầm

Nguyên nhân tái xuất hiện Chiến tranh Lạnh là bởi sai lầm trong cách hành xử của phương Tây, cũng vì vậy phương Tây không dễ chiếm ưu thế thế trước Nga

BBC ngày 17/10 có bài bình luận về xung đột đang ngày càng gia tăng giữa Nga và phương Tây. Theo bài báo, hiện nay Mỹ và đồng minh đang đối phó một cuộc Chiến tranh Lạnh mới với sức mạnh Nga hồi sinh bởi Putin và một thế giới lưỡng cực Trung - Mỹ đang thành hình bởi sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Trong khuôn khổ bài viết này chỉ xin phân tích cuộc Chiến tranh Lạnh mới giữa Nga - phương Tây dưới góc nhìn của BBC.

Phương Tây cho rằng Putin đang hồi sinh sức mạnh Nga để thay thế vai trò của Liên Xô trước đây trên bàn cờ chính trị thế giới. Ảnh : BBC

“Thật khó có thể tưởng tượng ra được sau 1/4 thế kỷ kết thúc Chiến tranh Lạnh, mối quan hệ giữa Nga và Mỹ lại diễn biến xấu như hiện nay” - bài báo đặt vấn đề.

Theo đó, sự căng thẳng Nga – Mỹ hiện đang xoay quanh vấn đề lớn nhất hiện nay là cuộc chiến Syria. Qua những lời lẽ gay gắt, hai bên nhận ra họ có vai trò cực kỳ quan trọng trong ván cờ Syria. Kéo dài cuộc chiến đều không có lợi cho cả hai, song vì mưu đồ chiến lược nên ván cờ không thể kết thúc nhanh chóng, từ đó khởi phát cho cuộc Chiến tranh Lạnh mới Nga – phương Tây.

Sai lầm chiến lược của Mỹ và đồng minh là nguyên nhân

Hãng tin của Anh cho rằng, chiến tranh Lạnh Xô – Mỹ tồn tại gần nửa thế kỷ bởi hai bên không có điểm chung, mà từ đó, có thể trung hòa lợi ích, giảm đối đầu. Vì vậy, Chiến tranh Lạnh chỉ kết thúc khi Liên Xô tan rã. Tuy nhiên Mỹ và đồng minh không có chiến lược trung hòa sức mạnh Nga thời hậu xô viết mà lại tạo xúc tác phản ứng mạnh hơn.

Đây chính là nguyên nhân tái xuất hiện Chiến tranh Lạnh. BBC dẫn lời ông Paul Pillar, cựu sĩ quan cao cấp của CIA đã nhận định rằng lỗi ban đầu là do phương Tây bởi cách đối xử với nước Nga sau khi Liên Xô tan rã.

"Phương Tây đã sai lầm khi không đối xử với Nga như một quốc gia bị khủng hoảng bởi Liên Xô sụp đổ. Thay vì phải chào đón nước Nga thì phương Tây lại coi Nga như nhà nước kế tục Liên Xô, từ đó Nga vẫn là trọng tâm của sự mất lòng tin phương Tây. Nghĩa là phương tây luôn đặt Nga vào thế đối nghịch" - vị chuyên gia bình luận.

Còn cựu lãnh đạo Cơ quan Tình báo Hoàng gia Anh (MI6) và cũng là cựu Đại sứ Anh tại Liên Hợp Quốc John Sawers, cũng cho rằng phương Tây không quan tâm đúng mức việc xây dựng quan hệ chiến lược đúng đắn với nước Nga thời hậu Xô viết.

"Nếu có sự hiểu biết rõ ràng giữa Washington và Moscow về quy tắc đối ngoại thì việc giải quyết vấn đề Syria hay Ukraine sẽ rất dễ dàng. Tiếc là chúng ta không kết nối với Nga mà lại áp dụng cách hành xử của chúng ta khiến cho sự việc trở nên phức tạp hơn”.

Theo cách chuyên gia, Nga bị đối xử bất công kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh. Bây giời thì mọi việc đã trở nên quá tầm với của Washington khi ông Putin quyết làm hồi sinh sự vĩ đại của Liên Xô.

Như vậy, phương Tây thiếu sự tin cậy và hiểu biết với Nga, từ đó thiếu nền tảng vững chắc cho bất kỳ cuộc đối thoại nào giữa hai bên. Đây là sai lầm cơ bản về chiến lược của Mỹ và đồng minh khiến cho kỳ vọng mở ra một kỷ nguyên mới khi kết thúc Chiến tranh Lạnh đã trở thành ảo vọng.

Phương Tây khó tạo được ưu thế

Mặc dù sức mạnh Nga chỉ mới hồi sinh, song phương tây khó chiếm ưu thế với Moscow trong thế trận mới này, bởi hai lý do. Thứ nhất, không có đối lập về ý thức hệ giữa Nga và phương Tây trong cuộc Chiến tranh Lạnh mới nếu nó xảy ra.

Cuộc Chiến tranh Lạnh mới không có ranh giới được hình thành từ đối lập ý thức hệ. Ảnh : BBC

Chiến tranh Lạnh Xô – Mỹ vốn có nền tảng là ý thức hệ đối lập – thế giới quan tư sản và vô sản. Đó là đối lập giữa giá trị truyền thống đã được khẳng định với giá trị mới đang được thẩm định, từ đó tạo ra một ranh giới không dễ xóa nhòa.

Hiện nay ranh giới bởi sự đối lập ý thức hệ không tồn tại giữa Nga và phương Tây. Ông Paul Pillar đã nhận định : "Hiện nay không có đối lập ý thức hệ toàn cầu – vốn là một đặc trưng quan trọng của Chiến tranh Lạnh".

Thứ hai, Chiến tranh Lạnh mới và Thế giới lưỡng cực mới không cùng một giới tuyến. Trước kia Chiến tranh Lạnh Xô – Mỹ hình thành nên thế giới lưỡng cực Xô – Mỹ, song nay thì Chiến tranh Lạnh Nga – phương Tây sẽ song hành cùng thế giới lưỡng cực Trung – Mỹ. Nghĩa là phương Tây phải đấu chọi với hai đối thủ trên hai trận tuyến.

Có thể thấy tình thế của Washington trên bàn cờ chính trị thế giới đang rất nguy hại. Ở địa bàn cũ, quan hệ giữa đồng minh hai bên bờ Đại Tây Dương đã lung lay trụ móng bởi hệ quả của việc Washington chuyển trục đối ngoại. Ông Putin đã nhận ra cơ hội nên nhanh chóng hồi sinh sức mạnh Nga.

Ở địa bàn mới, Washington chưa thế xây được móng trụ, tạo cơ hội cho lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình quyến rũ đối tác, phân hóa đồng minh của Washington. Do vậy, nhiều phân tích cho rằng nếu Chiến tranh Lạnh tái xuất hiện thì không phải Moscow là người lãnh hậu quả.

Dù kinh tế Nga rất nhỏ bé so với Mỹ và đồng minh, mà lại còn khó khăn vì cấm vận và dầu thô giảm giá song liên minh Nga – Trung đã bổ khuyết cho nhau khiến cho Nga không bị hụt hơi trong cuộc chiến với Mỹ.

Ngọc Việt

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/nguy-co-chien-tranh-lanh-nga--my-washington-da-sai-lam-3322010/