Nguy cơ 'Đại diệt chủng sinh giới'

Có đến 60% các giống loài có xương sống đã biến mất trong khoảng thời gian từ 1970 đến 2014.

Trong báo cáo "Từ chim chiền chiện cho đến voi", Quỹ Bảo vệ Thiên nhiên Thế Giới (WWF) nhấn mạnh: 60% các giống loài có xương sống đã biến mất trong khoảng thời gian từ 1970 đến 2014.

Dựa trên số liệu này, nhật báo Pháp Libération đã có bài viết báo động về Cuộc đại diệt chủng sinh giới. Bài báo nhắc lại cảnh báo về Cuộc đại tuyệt chủng sinh giới lần thứ sáu. Ví dụ như ở các đại dương, so với giai đoạn trước thời kỳ đánh bắt hải sản theo lối công nghiệp, cách nay khoảng 150 năm, số lượng cá ăn thịt có kích cỡ lớn đã giảm xuống 80%. Số lượng cá lớn giảm hai phần ba. Số cá mập giảm 99%...

Nguyên giám đốc Bảo tàng Quốc gia về Lịch sử Tự nhiên Pháp Gilles Bœuf nhấn mạnh dù về mặt ngắn hạn tuyệt chủng chưa xảy ra đối với đa số các giống loài, nhưng tốc độ diệt vong là khủng khiếp. Thế hệ con cháu chúng ta chắc hẳn sẽ không còn được nhìn thấy những loài vật đáng yêu như hươu cao cổ, hay voi. Và không chỉ các động vật to lớn, mà những loài lưỡng thê nhỏ bé, vốn có mặt ở khắp mọi nơi, như ếch nhái. Tương tự với loài chuồn chuồn, một sinh vật kỳ diệu có khả năng bay với vận tốc 90km/h, với rất ít năng lượng, và cùng một lúc nhìn được tứ phía.

Một giống loài mất đi có thể rất nhanh chóng, nhưng để phục hồi những gì tương tự thiên nhiên phải mất hàng chục triệu năm, chưa kể nhiều tác hại chưa được biết tới do các giống loài bị diệt vong gây ra đối với đời sống con người. Liệu xã hội con người có đủ khả năng ngăn ngặn đà đến đi tới của cuộc đại tuyệt chủng sinh giới lần thứ sáu?

Nhiều động vật đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

Theo nhà sinh học Gilles Bœuf, sở dĩ có cuộc đại diệt chủng sinh giới hiện nay là do ba tính xấu của con người: Tham lam vô độ, kiêu ngạo và thiển cận.

Các loài vật bị tuyệt diệt, hoặc bởi con người muốn sử dụng chúng cho các sản phẩm tiêu dùng, như sừng tê giác rất được ưa chuộng trong ngành dược học cổ truyền Trung Quốc, hoặc do môi trường bị ô nhiễm và bị thôn tính. Rừng ở khắp nơi trên thế giới bị biến thành nơi canh tác nông nghiệp quy mô lớn, ví dụ như cho đậu tương biến đổi gien ở Brazil hay Achentina, dùng cho chăn nuôi gia súc, một thảm họa đối với đất đai và sinh giới. Rừng ở Indonesia, ở Malaysia bị biến thành đồn điền trồng cọ, để cung cấp nguyên liệu cho động cơ chạy bằng xăng sinh học, đe dọa làm tuyệt diệt loài vượn orang-outang, hay hổ Sumatra.

Không chỉ là bệ đỡ cho sự sống của con người, đa dạng sinh học còn có đóng góp quyết định vào nền kinh tế nhân loại. Báo Le Monde dẫn thêm một con số của báo cáo WWF gây bàng hoàng: đóng góp của "các loài côn trùng và chim chóc thụ phấn" cho nông nghiệp hàng năm tương đương với 125.000 tỉ USD, gấp 1,5 GDP toàn cầu (chưa tính đến các đóng góp khác của thiên nhiên – người viết). Nhà môi trường Pascal Canfin bình luận: "Nếu phải trả tiền cho dịch vụ này, mô hình kinh tế hiện nay của chúng ta sẽ phá sản".

Thế nhưng con người đã ảo tưởng là có thể sống không cần đến thiên nhiên, trong khi bản thân sự tồn tại của cơ thể con người đã là hiện thân cho sự đa dạng sinh học, với bao nhiêu tế bào, vi khuẩn tồn tại cộng sinh. Nguyên giám đốc Bảo tàng Quốc gia về Lịch sử Tự nhiên Pháp nhấn mạnh là: loài người không thể phá hủy được sự sống, bởi các biểu hiện của sự sống sẽ vẫn tồn tại, cho dù loài người có không còn nữa. Nhưng rất có thể là, với đà diệt chủng hiện nay, con người sẽ biến mất cùng với các loài động vật có xương sống, với các loài thực vật quen thuộc trong vườn nhà của chúng ta.

Nguồn Radio France

Nguồn NCĐT: https://nhipcaudautu.vn/song/nguy-co-dai-diet-chung-sinh-gioi-3326793/