Nguy cơ đến từ vi khuẩn H.P

Vi khuẩn Helicobacter pylori (H.P) được xác định là nguyên nhân gây loét dạ dày, hành tá tràng và ung thư dạ dày. Tuy nhiên, trên 80% những người bị nhiễm H.P trong dạ dày không có biểu hiện triệu chứng.

80% người có nhiễm vi khuẩn H.P không có triệu chứng

Vi khuẩn H.P là một loại vi sinh sống trong trong dạ dày, đã được phát hiện từ 60.000 năm trước đây ở châu Phi. Vi khuẩn H.P cũng được coi là một vi sinh vật bình thường trong hệ vi sinh vật trong đường tiêu hóa của con người.

Theo BS.TS Vũ Trường Khanh, Giám đốc Trung tâm Tiêu hóa - Gan mật (Bệnh viện Bạch Mai), trên 50% dân số thế giới có nhiễm vi khuẩn H.P. Ở các nước đã phát triển như Mỹ, các nước phương Tây, và Úc… tỉ lệ nhiễm vi khuẩn H.P thấp hơn, chỉ khoảng 20 - 40% dân số nhiễm vi khuẩn H.P, trong khi đó ở các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam tỉ lệ nhiễm vi khuẩn H.P cao hơn rất nhiều. Tỉ lệ nhiễm vi khuẩn H.P tăng dần theo tuổi, vào độ tuổi từ 40 - 50 có tới 80% người dân Việt Nam có nhiễm vi khuẩn H.P.

Cho đến nay, việc chính xác bị nhiễm H.P như thế nào thì cũng chưa biết rõ. Nhưng vi khuẩn H.P lây truyền từ người này qua người khác qua con đường trực tiếp qua miệng - miệng ở những thành viên trong gia đình và lây truyền qua phân, do thức ăn hoặc nước uống bị nhiễm bẩn. Bằng chứng là các vi khuẩn H.P đã được phát hiện có trong phân, nước bọt và trong mảnh cao răng của người.

“Có thể việc nhai cơm và mớm cơm cho con ở một số nước trong đó có Việt Nam trước đây cũng là nguyên nhân trực tiêp lây truyền H.P” – theo BS.TS Vũ Trường Khanh.

Ở các nước đã phát triển, việc vệ sinh chung rất tốt, thì lây truyền chủ yếu là từ các thành viên trong gia đình với nhau, còn các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam có thể lây truyền do mắc từ cộng đồng.

Tại Việt Nam, theo nghiên cứu từ năm 2005, tỉ lệ tái xuất hiện H.P là rất cao, trung bình 11 tháng sau diệt H.P tái xuất hiện trong dạ dày là 23,5%, trong đó tái nhiễm là 9,7% (tái nhiễm - reinfection: là tình trạng đã điều trị diệt khỏi hoàn toàn sau đó lại nhiễm mới) và tái phát là 13,8%.

Nếu một người Việt Nam có biểu hiện chứng khó tiêu như đầy bụng sau ăn, ăn nhanh no, nóng rát vùng thượng vị, đau vùng thượng vị mà xét nghiệm tìm H.P khả năng bị nhiễm H.P là trên 70%. Ngay cả khi bị chứng khó tiêu mà điều trị diệt vi khuẩn H.P thì theo nghiên cứu gộp năm 2014 cứ 15 người điều trị có 1 người giảm triệu chứng, như vậy kết quả diệt H.P trong điều trị chứng khó tiêu cũng là khiêm tốn. Vậy một người có triệu chứng của chứng khó tiêu mà có nhiễm H.P có nên diệt H.P là lựa chọn hàng đầu hay không cũng phải rất thận trọng, thầy thuốc cần cân nhắc kỹ.

Có tới trên 80% người có nhiễm vi khuẩn H.P không có triệu chứng cũng như không có biến chứng. Trong suốt cả cuộc đời của một người có nhiễm H.P mà không điều trị, khoảng 10 - 20% có khả năng bị loét dạ dày tá tràng và 1 – 2% có khả năng bị ung thư dạ dày. Vi khuẩn H.P có thể gây ra các bệnh viêm cấp, mạn tính niêm mạc dạ dày, loét dạ dày tá tràng, ung thư dạ dày, chứng khó tiêu chức năng, cùng một số bệnh ngoài đường tiêu hóa…

Cần giảm lượng muối trong bữa ăn

Với câu hỏi nếu một người dân nước ta có nhiễm H.P vì cho đó là nguyên nhân gây ung thư dạ dày nên cần diệt, thì có thật sự xác đáng không? BS.TS Vũ Trường Khanh cho hay: Ung thư dạ dày có hai loại là ung thư vùng tâm vị và đoạn cuối thực quản ít liên quan tới nhiễm H.P, còn loại ung thư không phải tâm vị có liên quan đến nhiễm H.P.

Mặc dù nước ta có tỉ lệ nhiễm vi khuẩn H.P hàng đầu thế gới với trên 70% dân số, nhưng tỉ lệ ung thư dạ dày chỉ là nước đứng thứ 10 trên thế giới. Ung thư dạ dày hình thành là hậu quả sự tác động giữa cơ thể con người và môi trường như nhiễm vi khuẩn H.P, chế độ ăn nhiều muối…. vì thế 2003 Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Nông nghiệp và thực phẩm thế giới (FAO) khuyên nên ăn không quá tổng lượng 5g muối/ngày sẽ có lợi cho phòng nhiều bệnh trong đó có giảm nguy cơ ung thư dạ dày. Nguyên nhân ung thư dạ dày không chỉ do vi khuẩn H.P gây ra mà còn nhiều yếu tố tác động. Theo số liệu điều tra năm 2015 trung bình người Việt Nam ăn 9,4g muối mỗi ngày.

“Ăn nhạt cũng làm giảm nguy cơ ung thư dạ dày, tại sao chúng ta không thực hiện?”- bác sĩ Khanh đặt vấn đề.

Vi khuẩn H.P là nguyên nhân chủ yếu gây loét dạ dày tá tràng và ung thư dạ dày. Tuy nhiên, không phải tất cả những người bị nhiễm vi khuẩn H.P đều bị bệnh, vì thế cần điều trị diệt H.P đúng chỉ định để tránh không gây lãng phí, đồng thời không gây tình trạng kháng thuốc kháng sinh chéo từ người này sang người khác dẫn tới tình trạng khi cần điều trị diệt vi khuẩn H.P thì kháng sinh không còn hiệu quả.

Đức Trân

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/nguy-co-den-tu-vi-khuan-hp-548106.html