Nguy cơ dịch chồng dịch với Covid-19, cúm và RSV

Số ca mắc cúm cao hơn so với cùng kỳ năm trước và dự kiến sẽ tiếp tục tăng. Dịch Covid-19 vẫn phức tạp trong khi virus RSV cũng đang gây áp lực lên một số bệnh viện.

 Nguy cơ dịch chồng địch với Covid-19, cúm và RSV. Ảnh: patrick_assale.

Nguy cơ dịch chồng địch với Covid-19, cúm và RSV. Ảnh: patrick_assale.

Trong hơn hai năm qua, các trường học và văn phòng đóng cửa, giãn cách xã hội và khẩu trang đã giúp người dân tránh khỏi bệnh cúm và hầu hết bệnh nhiễm trùng đường hô hấp khác. Tuy nhiên, mùa đông năm nay có thể sẽ không còn như vậy.

Với ít hoặc không còn các hạn chế về việc đi lại và giao lưu trong cộng đồng, số ca mắc Covid-19 dự kiến tăng nhanh vào mùa đông. Trong khi đó, dịch cúm đang bùng phát trở lại, thậm chí nguy cơ xuất hiện dịch chồng dịch với thêm virus hợp bào hô hấp RSV gây cúm RSV.

Trên thực tế, số lượng người mắc cúm đã bắt đầu tăng nhanh và sớm hơn bình thường. Con số này dự kiến sẽ tăng cao hơn trong những tuần tới. Trong khi đó, trẻ em nhiễm RSV (có các triệu chứng tương tự cúm và Covid-19) cũng đang gây áp lực lên các bệnh viện nhi.

Tiến sĩ Alpana Waghmare, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Ung thư Fred Hutchinson, bác sĩ tại Bệnh viện Nhi đồng Seattle (Mỹ), cho biết: “Chúng tôi đang phải chứng kiến các dịch bệnh truyền nhiễm quay trở lại với nguy cơ và mức độ lây lan rất lớn”.

Các chuyên gia y tế công cộng cảnh báo hầu hết trường hợp mắc Covid-19, cúm hay RSV diễn biến nhẹ. Tuy nhiên, những loại virus này có thể gây bệnh cho hàng triệu người, từ đó gây quá tải bệnh viện.

Andrew Read, nhà vi sinh vật học tiến hóa tại Đại học Penn State, cho biết: “Khả năng miễn dịch của chúng ta với Covid-19 đang suy yếu. Song song với đó lại phải chịu tác động của dịch cúm đang bùng phát và sự tấn công của RSV".

Các chuyên gia cho biết vaccine Covid-19 và cúm, có thể không ngăn ngừa nhiễm trùng, nhưng vẫn mang lại sự bảo vệ tốt nhất chống lại nguy cơ diễn biến bệnh nghiêm trọng và tử vong.

Từ đây, mọi người dân, nhất là những trường hợp có nguy cơ cao, được khuyến cáo nhanh chóng tiêm phòng sớm nhất có thể.

Cụ thể, người lớn tuổi, người suy giảm miễn dịch và phụ nữ mang thai có nguy cơ cao nhất. Trong khi đó, trẻ nhỏ cũng rất dễ mắc cúm và RSV. Trên thực tế, nhiều trẻ em mắc bệnh và đang diễn biến nặng vì nhóm này có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, đã suy yếu hoặc bản thân trẻ chưa từng tiếp xúc với những loại virus này trước đó.

RSV là nguyên nhân gây ra khoảng 14.000 ca tử vong ở người lớn từ 65 tuổi trở lên và 300 ca tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi mỗi năm. Hiện chúng ta chưa có vaccine cho virus này nhưng có ít nhất hai ứng cử viên đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng và hiệu quả cao khá tốt ở người lớn tuổi. Pfizer cũng đang phát triển một loại thuốc kháng virus liên quan RSV.

Tại Việt Nam, số liệu mới đây từ Bệnh viện E (Hà Nội) cho thấy mỗi ngày khoa Nhi tiếp nhận khoảng 100-150 ca bệnh. Phần lớn trường hợp này cũng liên quan cúm RSV.

Tiến sĩ Diego Hijano, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm nhi khoa tại Bệnh viện Nghiên cứu Trẻ em St., nhận định: “Thời gian tới sẽ là một mùa đông khắc nghiệt”.

Làn sóng Covid-19 mới

Các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 mới đang ở mức thấp. Tuy nhiên, con số này đang bắt đầu gia tăng trở lại ở một số khu vực. Một số quốc gia châu Âu, bao gồm Pháp, Đức và Anh cũng đang trải qua sự gia tăng số ca mắc Covid-19 phải nhập viện và tử vong.

Dịch Covid-19 vẫn phức tạp và có nguy cơ gia tăng ca mắc do sự xuất hiện của các biến chủng mới. Ảnh minh họa: arya_pratama.

Một số biến chủng của nCoV đang phát triển rất tốt trong việc né tránh miễn dịch và các loại thuốc như Evusheld và Bebtelovimab - vũ khí quan trọng để bảo vệ những người bị suy giảm miễn dịch.

“Những người có hệ thống miễn dịch suy yếu vẫn có nguy cơ mắc bệnh ngay cả khi đã tiêm tất cả liều vaccine được khuyến nghị, bao gồm cả liều bổ sung”, tiến sĩ Waghmare nói.

Các chuyên gia sức khỏe cộng đồng lo ngại về một loạt biến thể phụ của Omicron có khả năng tránh được miễn dịch từ vaccine và thậm chí ở người đã khỏi bệnh gần đây tốt hơn so với các biến chủng trước đó.

Các mũi vaccine tăng cường mới nhất do Pfizer và Moderna sản xuất được thiết kế cho biến thể phụ phổ biến trong cộng đồng mùa hè qua nhưng không chắc chắn về hiệu quả với các biến thể phụ mới hơn này.

Aubree Gordon, nhà dịch tễ học tại Đại học Michigan, cho biết mũi tăng cường vaccine Covid-19 bản cập nhật vẫn làm tăng mức độ kháng thể nói chung và ngăn ngừa được các triệu chứng nghiêm trọng, đồng thời rút ngắn thời gian mắc bệnh.

Biến thể phụ BA.5 của Omicron là biến thể né tránh miễn dịch tốt nhất gần đây. Tuy nhiên, BA.5 cũng đang nhanh chóng bị thay thế bởi những biến thể phụ khác, bao gồm 2 biến thể phụ mới xuất hiện gần đây được dự báo có khả năng né tránh miễn dịch thậm chí còn lớn hơn.

Một trong số này là BQ.1.1. Đây là ứng cử viên hàng đầu được dự báo có thể gây ra làn sóng dịch Covid-19 trong mùa đông. Biến thể phụ này đã khiến các ca bệnh tăng vọt ở châu Âu thời gian qua.

Mặc dù BA.1.1 và một biến thể phụ khác là BQ.1 chỉ chiếm khoảng 11% các trường hợp mắc mới ở Mỹ, tỷ lệ người nhiễm biến thể phụ này đã tăng nhanh so với chỉ 3% cách đây 2 tuần.

Sự kết hợp của hai loại biến thể phụ Omicron được gọi là XBB đã thúc đẩy làn sóng dịch Covid-19 ở Singapore thời gian qua, một trong những quốc gia có tỷ lệ bao phủ vaccine cao nhất trên thế giới. XBB.1 cũng vừa có mặt tại Mỹ.

Một biến thể phụ khác là BA.2.75.2 cũng có khả năng né tránh miễn dịch cao và gây ra diễn biến bệnh nặng hơn. Tuy nhiên, đến nay, biến thể phụ này chỉ gây ra gần 2% các trường hợp mắc bệnh trên toàn nước Mỹ.

Các chuyên gia cho biết hầu hết biến chủng mới không gây ra các triệu chứng nghiêm trọng hơn so với các phiên bản trước đó. Tuy nhiên, xu hướng né tránh miễn dịch có thể sẽ tiếp tục phát triển.

Cornelius Roemer, nhà sinh vật học trong nhóm của Richard Neher tại Đại học Basel, cho biết: “Hiện nay, mọi thứ đã thay đổi với khả năng miễn dịch lớn hơn do con người có được sau khi đối mặt với các biến chủng nCoV trước đó”.

Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã khuyến cáo tiêm mũi tăng cường vaccine Covid-19 được thiết kế dành riêng cho BA.5 với tất cả người dân từ 5 tuổi trở lên. Tuy nhiên, đến nay, chỉ một phần nhỏ người đủ điều kiện đã tiêm vaccine. Đồng thời, chỉ 1/3 trẻ em từ 5 đến 11 tuổi đã hoàn thành các mũi vaccine cơ bản.

Tiến sĩ Gordon cho rằng điều này có thể sẽ thay đổi khi mọi người nhận thấy sự gia tăng nhanh chóng của số lượng ca bệnh.

Dấu hiệu của một mùa cúm nghiêm trọng

Trước khi SARS-CoV-2 bao phủ thế giới, virus cúm đã gây bệnh cho hàng triệu người mỗi mùa đông và giết chết hàng chục nghìn người Mỹ. Trong mùa 2018-2019, bệnh cúm dẫn đến 13 triệu lượt khám bệnh, 380.000 ca nhập viện và 28.000 ca tử vong.

Tiêm vaccine vẫn là giải pháp phòng bệnh hiệu quả trong mùa dịch. Ảnh minh họa: mufid_majnun.

Mùa cúm ở phía Nam bán cầu, thường từ tháng 5 đến tháng 10, có tính dự báo cao về mùa đông ở Bắc bán cầu. Năm nay, dịch cúm bắt đầu sớm hơn vài tuần ở Australia và New Zealand. Đáng nói, số ca mắc và nhập viện do cúm cũng cao hơn rõ rệt.

Tiến sĩ Gordon đã theo dõi tỷ lệ cúm ở trẻ em tại Nicaragua - nơi có mùa cúm vào tháng 6, 7 và một mùa cúm lớn hơn vào cuối mùa thu. Tại đây, hơn 90% dân số đã được tiêm chủng đầy đủ chống lại Covid-19 vào tháng 1 vừa qua, nhiều người cũng đã có khả năng miễn dịch trước một hoặc nhiều bệnh nhiễm trùng.

Tuy nhiên, quốc gia này đã chứng kiến tỷ lệ cao của cả số ca mắc Covid-19 và cúm trong nửa đầu năm nay. Tỷ lệ mắc bệnh cúm ở trẻ em cao hơn so với đại dịch cúm năm 2009. Số trẻ em diễn biến nặng trung bình cũng cao hơn những năm trước.

Tại Mỹ, bệnh cúm thường bắt đầu bùng phát vào tháng 10 và kéo dài đến tháng 3 năm sau, đạt đỉnh điểm vào khoảng giữa tháng 12 và tháng 2. Nhưng ở một số bang, dịch năm nay đã xuất hiện.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (US CDC), khoảng 3% các xét nghiệm trên toàn quốc cho kết quả dương tính với cúm vào ngày 8/10, tỷ lệ này thậm chí là hơn 10% ở một số bang phía Đông Nam Bộ và hơn 5% ở khu vực Nam Trung Bộ.

Tại Texas, tỷ lệ xét nghiệm dương tính với virus cúm đã tăng lên 5,3% vào đầu tháng 10 so với 3,7% của tuần trước đó.

Một số bang tại miền Nam của Mỹ cũng đang báo cáo sự gia tăng số lượng bệnh nhân cúm phải điều trị máy thở. Tại New York, các quan chức y tế tuyên bố vào đầu tháng này rằng bệnh cúm đang trở nên phổ biến trong tiểu bang.

Các chuyên gia y tế công cộng kêu gọi người Mỹ, đặc biệt là những người có nguy cơ cao, nên tiêm phòng cúm trước khi các ca bệnh tăng cao hơn trong thời gian tới. Giống như vaccine Covid-19, vaccine cúm có thể không phù hợp hoàn toàn với biến chủng virus cúm đang phổ biến. Tuy nhiên, vaccine vẫn có thể giảm gần một nửa nguy cơ nhập viện ở cả trẻ em và người lớn .

Các kháng thể phát huy tác dụng trong khoảng hai tuần sau khi tiêm. Vì vậy, trên thực tế, vaccine được tiêm ở thời điểm hiện tại có thể mở rộng khả năng bảo vệ qua đợt mùa đông tốt hơn so với vaccine được tiêm vào tháng 9.

Theo phân tích của US CDC, năm ngoái, tỷ lệ tiêm phòng cúm ở tất cả nhóm tuổi giảm nhẹ so với năm trước đó. Tỷ lệ tiêm phòng cho trẻ từ 6 tháng đến 4 tuổi, đối tượng có nguy cơ cao, giảm mạnh nhất với 67% so với 75% trước khi nCoV xuất hiện.

Tỷ lệ thấp hơn có thể đến từ tâm lý không tin tưởng vào vaccine Covid-19 và lan sang vaccine phòng bệnh cúm, hoặc đơn giản là do phụ huynh đã quên đi sự nguy hiểm của bệnh cúm đối với trẻ nhỏ. Năm nay, còn khá sớm để nói liệu các con số có được cải thiện hay không.

Các chuyên gia y tế công cộng cho biết người lớn tuổi và những người bị suy giảm miễn dịch nên tiêm phòng cả vaccine Covid-19 và cúm. Trong khi đó, những người trẻ, khỏe mạnh cũng có thể tiêm cả hai loại vaccine nếu không muốn bị bệnh hoặc không thể nghỉ việc, hay để bảo vệ những người xung quanh có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

Một số nhóm người có nguy cơ cao diễn biến bệnh nặng và nhập viện vì cúm. Theo báo cáo của US CDC công bố tuần này, trong các mùa cúm từ 2009 đến 2022, tỷ lệ nhập viện cao hơn 80% ở người da đen, hơn 30% ở người lớn bản địa Mỹ, Alaska và hơn 20% ở người lớn gốc Tây Ban Nha so với người lớn da trắng.

Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm phòng cúm ở những nhóm này thấp hơn nhiều. Tỷ lệ bao phủ vaccine cũng giảm khoảng 9% so với năm trước ở phụ nữ mang thai thuộc tất cả nhóm chủng tộc và dân tộc.

Quốc Toàn

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nguy-co-dich-chong-dich-voi-covid-19-cum-va-rsv-post1368512.html