Nguy cơ gia tăng bệnh tim mạch vì nắng nóng

Nhiệt độ khắc nghiệt làm tăng nguy cơ gặp phải các vấn đề về sức khỏe, đặc biệt đối với người mắc các bệnh lý mạn tính, gồm các bệnh về tim mạch.

Nhiệt độ khắc nghiệt làm tăng nguy cơ vấn đề về sức khỏe, đặc biệt là với người mắc các bệnh về tim mạch. Ảnh minh họa

Nhiệt độ khắc nghiệt làm tăng nguy cơ vấn đề về sức khỏe, đặc biệt là với người mắc các bệnh về tim mạch. Ảnh minh họa

Bác sĩ Trần Quốc Quý - Khoa Hồi sức tim mạch, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã đưa ra cảnh báo về nguy cơ gia tăng bệnh tim mạch trong những ngày nắng nóng như hiện tại.

Chuyên gia này cho biết: “Theo Trung tâm Phòng chống dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), ở quốc gia này hằng năm, sự tương tác của nhiệt độ cao và bệnh tim mạch góp phần gây nên khoảng 1/4 số ca tử vong liên quan đến nhiệt. Nhiệt độ càng cao thì mối đe dọa càng lớn”.

Bác sĩ Quý dẫn chứng, một nghiên cứu gần đây trên tạp chí Circulation đã đánh giá tỷ lệ tử vong do tim mạch trong bảy năm ở Kuwait - nơi nhiệt độ ban ngày có thể đạt tới trên 40 độ C trong những tháng nóng nhất. Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy mối liên hệ giữa nhiệt độ tăng và nguy cơ tử vong do tim mạch, với hầu hết xảy ra trong khoảng nhiệt độ từ 35 - 43 độ C.

Cũng theo chuyên gia này, tiếp xúc với nhiệt độ cao không chỉ làm tăng nguy cơ kiệt sức và đột quỵ do nhiệt, mà còn có thể gây gánh nặng đặc biệt cho sức khỏe tim mạch.

Nó tạo áp lực lên hệ tim mạch bởi tình trạng mất nước qua mồ hôi, cũng như nhiệt độ cao khiến nhịp tim tăng đáng kể. Khi đó, tim phải làm việc nhiều hơn. Điều này có thể làm tăng nguy cơ gây nên các cơn đau thắt ngực, rối loạn nhịp tim (nhịp tim không đều) và thậm chí là suy tim.

Việc tiếp xúc với nhiệt độ cao và sóng nhiệt ảnh hưởng đến tất cả mọi người. Song, những người có vấn đề về tim mạch sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh liên quan đến nhiệt và phải nhập viện. Vì vậy, đối với nhóm bệnh nhân này, điều đặc biệt quan trọng là cần cố gắng tuân theo các chiến lược cơ bản để giữ mát cơ thể.

Do đó, bác sĩ Quý khuyến cáo: “Bệnh nhân có vấn đề về tim mạch nên theo dõi dự báo thời tiết để biết được thời điểm đặc biệt nắng nóng và nên ở trong nhà vào những ngày đó. Nếu nhiệt độ trong nhà quá nóng, có thể đến các cơ sở y tế hoặc bất cứ nơi nào gần nhất có điều hòa không khí. Nếu bắt buộc phải đi ra ngoài, buổi tối và sáng sớm thường là thời điểm mát mẻ nhất trong ngày. Nghỉ ngơi trong bóng râm bất cứ khi nào có thể”.

Bên cạnh đó, khi ở bên ngoài, cố gắng uống 1 ngụm nước (khoảng 20ml) mỗi 20 phút. Đặt hẹn giờ để nhắc nhở. Nếu là bệnh nhân suy tim, cần ý kiến của bác sĩ về việc nên uống bao nhiêu chất lỏng hằng ngày. Bởi, chất lỏng có thể tích tụ và gây phù nề.

Chuyên gia này cũng cảnh báo, cần tránh uống nước ngọt có ga hoặc nước ép trái cây và hạn chế rượu. Nước ngọt có ga và nước ép trái cây có thể làm chậm quá trình hấp thu nước từ hệ thống tiêu hóa vào máu. Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, uống quá nhiều rượu có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ do nhiệt trong thời tiết oi bức.

Đồng thời, người dân cần bảo vệ làn da. Cháy nắng ảnh hưởng đến khả năng hạ nhiệt của cơ thể và tăng tình trạng mất nước. Đội mũ rộng vành, đeo kính râm và mặc quần áo nhẹ, sáng màu, rộng rãi. Ngoài ra, thoa nhiều kem chống nắng phổ rộng hoặc kem chống tia UVA/UVB có SPF 30 trở lên cho tất cả vùng da tiếp xúc với nắng 30 phút trước khi ra ngoài. Nên bôi lại mỗi giờ sau khi ra ngoài.

Với người mắc bệnh lý tim mạch, lưu ý, khi các triệu chứng trở nên nặng hơn (khó thở, đau tức ngực, hồi hộp trống ngực, thậm chí ngất…) trong những ngày hè nắng nóng, thì cần phải đến ngay cơ sở y tế. Từ đó, phát hiện nhanh chóng và xử lý kịp thời các nguy cơ, tai biến có thể xảy ra, tránh để lại hậu quả nặng nề sau này.

Kim Dung

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nguy-co-gia-tang-benh-tim-mach-vi-nang-nong-post641469.html