Nguy cơ hàng triệu ô tô, xe máy phụ thuộc… người trồng sắn

Như báo PLVN đã phản ánh, không ít ý kiến cho rằng đề xuất bỏ hẳn xăng A95 là xuất phát từ lợi ích thương mại của doanh nghiệp, chưa vì lợi ích và quyền lựa chọn của người dân.

Nhà máy ethanol Bình Phước hiện vẫn chưa cung cấp được nguyên liệu E100 cho phối trộn xăng E5

Ý kiến một chuyên gia năng lượng cho rằng: “Nhiều dòng xe cũ đang lưu hành tại Việt Nam vẫn cần dùng loại xăng khoáng không chứa Ethanol. Lý do là có những miếng roăng bằng cao su trong máy xe được làm bằng cao su lưu hóa sẽ không phù hợp dùng xăng sinh học do loại cao su này không chịu nổi sự bào mòn của chất Ethanol”. Theo tìm hiểu, xăng A95 hiện vẫn được người tiêu dùng các nước phát triển như Mỹ, Nhật dùng phổ biến.

Thống kê hai tháng đầu năm 2018 từ Bộ Công Thương, xăng A95 hiện đang chiếm 58% thị phần, còn xăng E5 chiếm 42%. Từ góc độ kinh tế, một ý kiến chuyên gia cho rằng, việc hướng tới kinh tế thị trường phải tăng sự chọn lựa của người dân. Phải có cả xăng E5 và A95 như hiện nay. Nguyên tắc khi đưa một sản phẩm mới vào thị trường như là E5 là để tăng thêm sự chọn lựa, không phải bắt buộc thay thế.

Một khía cạnh khác, người dân quan tâm đến cả hai vấn đề là chất lượng và giá cả. Hiện nay, dù giá cả có phần thấp hơn nhưng về chất lượng, khách hàng chưa thực sự yên tâm về chất lượng xăng sinh học nên vẫn chưa thực sự ưu tiên chọn lựa. Vấn đề trước nhất là việc phải đảm bảo, chứng minh được chất lượng xăng E5, để người dân hiểu và tin dùng.

Một vấn đề tối quan trọng khác, đó là cho dù có giải được tất cả các “bài toán trên”, liệu nguồn cung ethanol để phối trộn có đủ cung cấp cho thị trường hay không, giá cả có hợp lý không, hay lại “đẻ” ra vô vàn hệ lụy khác?

Trước khi chính thức dừng bán xăng A92, ở tất cả các cuộc hội thảo cũng như trả lời phỏng vấn, Bộ Công Thương cũng như đại diện Hiệp hội Nhiên liệu sinh học, thậm chí đại diện doanh nghiệp chịu trách nhiệm về các nhà máy ethanol đều khẳng định “trong quý I sẽ có thành phẩm”. Nhưng hiện nay thì sao?

Các nhà máy vẫn chưa được khởi động, chứ chưa nói đến việc đã có sản phẩm hay chưa. Trước lo lắng về việc không có đủ nguồn ethanol trong nước để phối trộn sẽ gây ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất của xăng E5, gián tiếp tác động đến giá cả của xăng E5, trả lời PLVN, ông Lưu Quang Thái, Chủ tịch Hiệp hội Nhiên liệu Sinh học Việt Nam, dẫn câu chuyện sản xuất ethanol ở Philippines để trấn an.

Ông Thái cho rằng, Philipines là nước bắt buộc sử dụng xăng sinh học từ khi hoàn toàn chưa sản xuất được ethanol. Đến nay họ đã tự sản xuất được 50% chỉ còn nhập khẩu 50%. “Do đó, với bốn nhà máy, Việt Nam có thể sản xuất ethanol đủ cho việc thay thế hoàn toàn xăng khoáng”, ông Thái nói.

Đâu là lý do các nhà máy sản xuất ethanol không có sản phẩm đúng như cam kết? Ông Thái giải thích là do giá sắn cao (ảnh hưởng từ việc mất mùa), sản xuất lỗ nên các nhà máy phải chậm lại kế hoạch sản xuất. Tuy nhiên, theo ông Thái, có thể Nhà máy Bình Phước sẽ sản xuất lại trong tháng 6/2018 tới. Nếu thị trường ổn định, Nhà máy Đắk Nông và Đắk Tô hiện đang sản xuất E96 sẽ đầu tư thêm thiết bị để sản xuất E100.

Ông Thái cũng cho rằng, nếu trong ngắn hạn thiếu thì phải tiếp tục nhập khẩu E100. Trong quý I, đã có ba lô nhập khẩu E100 để phối trộn. “Việc này không khuyến khích cũng không ngăn cấm vì đây là kênh bổ sung và cũng coi là một biện pháp chống độc quyền. Còn lâu dài sẽ tăng sản lượng sắn bằng thâm canh để đảm bảo nguyên liệu sản xuất”, ông Thái nói.

Như vậy, chưa có gì đảm bảo chắc chắn cho việc sẽ có đủ nguồn cung E100 cho việc phối trộn xăng E5. Nếu tiếp tục nhập khẩu thì sẽ mất đi mục đích “hồi sinh” các dự án ngàn tỷ đang đắp chiếu.

Nhận xét quan điểm của ông Thái, nhiều ý kiến phản biện cho rằng quan điểm như vậy là “bắc nước chờ gạo người”. Khi nền tảng của vấn đề còn chưa được chuẩn bị, mà đã đưa ra đề xuất ảnh hưởng đến cả trăm triệu con người, đó là đề xuất hời hợt, vô trách nhiệm. Chẳng lẽ hàng triệu ô tô xe máy sống chết ra sao chỉ phụ thuộc… người trồng sắn và thời tiết?

GS.TSKH Hồ Sĩ Thoảng, một nhà khoa học tâm huyết với nhiên liệu sinh học bày tỏ: “Nếu sản xuất E100 mà càng làm càng lỗ thì doanh nghiệp không thể chấp nhận. Nhà nước cũng không thể bù lỗ, nhất là trong khi ngân sách còn khó khăn như hiện nay. Chẳng lẽ lại nhè đầu người tiêu dùng thu tiền?”. Ông Thoảng nhận xét: “Với tình trạng sản xuất ethanol như hiện nay thì không thể sử dụng đại trà xăng sinh học được, chưa nói là cơ sở hạ tầng (kể cả logistics và phương tiện xe máy) chưa hoàn thiện”.

Vị chuyên gia nguyên là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) còn cho rằng đứng ở tất cả các góc độ thị trường, kỹ thuật, pháp lý, đề xuất “khai tử A95, chỉ bán E5” đều không hợp tình hợp lý. Mời bạn đọc đón đọc kỳ sau.

Dù dư luận có nhiều ý kiến phản đối, ông Lưu Quang Thái, Chủ tịch Hiệp hội Nhiên liệu Sinh học Việt Nam vẫn cho rằng “hoàn toàn đồng ý với đề xuất của đại diện Saigon Petro vì chất lượng của xăng sinh học đã được kiểm chứng ở rất nhiều nước trên thế giới”.

Ông Thái cho rằng “đã rất nhiều lần khẳng định về chất lượng xăng E5 tại các hội thảo được tổ chức trước khi tiến hành bán đại trà xăng sinh học E5”. Và lần này, trước câu hỏi của PLVN, ông Thái tiếp tục cho rằng “xăng E5 RON95 tốt hơn xăng RON95 đối với cả động cơ và môi trường”.

“Các ý kiến ngược lại đều là cảm tính bởi tất cả các thí nghiệm khoa học và thực tế sử dụng trên hơn 70 quốc gia đều chứng minh điều đó. Ai có tài liệu phản bác xin gửi tới chúng tôi hoặc các trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM hoặc Tổng cục Tiêu chuẩn và Đo lường chất lượng”, ông Thái nói.

(Còn tiếp)

Hoàng Tú

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/tieng-noi-da-chieu/nguy-co-hang-trieu-o-to-xe-may-phu-thuoc-nguoi-trong-san-391935.html