Nguy cơ hụt hơi hút vốn ngoại

Việt Nam phải cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài với các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Indonesia ở các ngành công nghệ cao, dịch vụ hiện đại ngày càng gay gắt hơn, trong khi năng lực cạnh tranh của Việt Nam so với các nước này còn khoảng cách khá xa.

Việt Nam đang phải cạnh tranh gay gắt trong thu hút FDI với các nước trong khu vực.

Việt Nam đang phải cạnh tranh gay gắt trong thu hút FDI với các nước trong khu vực.

Cuộc cạnh tranh thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giữa các nước trong khu vực dự báo ngày càng khốc liệt. Mới đây, Thái Lan đã lên kế hoạch cho “gói tái định cư” nhằm cạnh tranh với Việt Nam trong việc thu hút các công ty dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc.

Cạnh tranh sẽ khốc liệt

Ông Nattopol Rangsipol, Tổng Giám đốc Văn phòng Kinh tế Công nghiệp của Bộ Công nghiệp Thái Lan, cho biết việc đẩy nhanh quá trình cấp phép cho các nhà đầu tư nước ngoài là điều rất quan trọng.

“Để thu hút các nhà đầu tư bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến thương mại, tốc độ rất quan trọng. Chúng ta phải cho phép họ xây dựng các nhà máy một cách nhanh chóng, sản xuất nhanh chóng và bán hàng nhanh chóng. Giảm thuế nhiều hơn, đặc biệt là ngành công nghiệp mũi nhọn, để tăng sức hấp dẫn”, ông Nattopol Rangsipol nói.

Theo Reuters, Thái Lan đang tìm cách thu hút khoảng 100 công ty, phần lớn là của Trung Quốc.

PGS.TS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) đầu tư nước ngoài, cho rằng chiến tranh thương mại giữa Mỹ – Trung đang tạo ra làn sóng chuyển vốn khỏi Trung Quốc. Làn sóng này bắt đầu từ năm 2016, tăng nhanh trong năm 2018 và năm 2019 phá vỡ kỷ lục năm 2018 khi hàng trăm tỷ USD từ Trung Quốc chảy ra nước ngoài.

Hàng trăm tỷ USD chuyển đi đâu? Việt Nam là nước được lựa chọn hàng đầu, 2 – 3 năm nay có nhiều nhà đầu tư Trung Quốc chuyển sang Việt Nam. Tuy nhiên, ông Mại cho rằng đầu tư nước ngoài là một cuộc cạnh tranh giữa các quốc gia, vì vậy muốn thu hút FDI nhiều, chất lượng hơn, tiếp nhận dự án chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam, Việt Nam phải có môi trường đầu tư tốt hơn Trung Quốc.

“Việt Nam cần phải tạo lập một môi trường đầu tư thông thoáng, cạnh tranh tốt hơn các nước xung quanh, lúc đó chúng ta mới thu hút đầu tư nước ngoài hiệu quả”, ông Mại nhấn mạnh.

Thực tế, những chuyển dịch về cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam thời gian qua còn rất chậm trễ. Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cho hay đến thời điểm hiện nay, chất lượng môi trường kinh doanh, trong đó có chất lượng thể chế chưa bao giờ được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao. Đầu tư nước ngoài đang dựa rất nhiều vào chi phí thấp, vị thế địa kinh tế, địa chính trị của đất nước, vào quy mô thị trường… Tức là Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài dựa vào yếu tố giảm chi phí của nền kinh tế. Yếu tố về thể chế thúc đẩy cho sự đổi mới sáng tạo, sự an toàn của các nhà đầu tư, sự nhất quán của hệ thống chính sách… còn nhiều hạn chế.

Phản ánh của DN cho thấy thủ tục hành chính của Việt Nam còn rườm rà so với các hệ thống khác trong khu vực. Chính vì vậy, Việt Nam mới đang ở chất lượng thể chế trung bình trong so sánh tương quan ASEAN (theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới và Diễn đàn Kinh tế Thế giới).

Ông Lộc nhấn mạnh: “Chúng ta đang nói đến nền kinh tế số, các nhà đầu tư FDI thế hệ mới, nhưng theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới năm ngoái chúng ta vẫn thuộc nhóm các nền kinh tế chưa chuẩn bị sẵn sàng cho kinh tế số, từ đó yêu cầu cải cách môi trường kinh doanh, thủ tục hành chính là yêu cầu hàng đầu”.

Nhiều điểm nghẽn cần tháo gỡ

Năm 2017, nếu coi mức lương bình quân tháng của Việt Nam là 1,0 (theo USD danh nghĩa) thì chỉ số này ở Trung Quốc là 3,8; Malaysia: 4,2; Thái Lan: 2,8; Indonesia: 1,6; Philippines: 1,3; Campuchia: 0,6; Singapore: 24,6. Đây là lợi thế cạnh tranh của Việt Nam khi thu hút vốn FDI với các nước trên.

Tuy nhiên, với sự tự do lưu chuyển vốn, hàng hóa, dịch vụ, lao động có kỹ năng trong cộng đồng kinh tế ASEAN, cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài giữa các nước trong khu vực, nhất là với một số nước như Thái Lan, Malaysia, Indonesia ở các ngành công nghệ cao, dịch vụ hiện đại ngày càng gay gắt hơn, trong khi năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam so với các nước này còn khoảng cách khá xa.

Bên cạnh thế mạnh về mức lương tháng bình quân, hạn chế về chất lượng nguồn nhân lực ngày càng thấy rõ. PGs.Ts. Đào Văn Hùng, Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển (Bộ KH&ĐT), cho biết năng suất lao động có vai trò quyết định hiệu quả sản xuất và được xem là tiêu chí quan trọng hàng đầu để đánh giá chất lượng nguồn lao động. Tuy nhiên, xét về chỉ tiêu này, Việt Nam có sự thua kém đáng kể so với các nước xung quanh. Chất lượng nguồn lao động thấp làm giảm đáng kể sức cạnh tranh trong thu hút FDI của Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh chất lượng nguồn nhân lực được cải thiện rất chậm và tốc độ tăng trưởng thu nhập trung bình trên một lao động tăng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng lao động ở nhiều thời điểm.

Ông Hùng ví dụ năm 2016, nếu coi năng suất lao động bình quân của Việt Nam là 1.0 thì chỉ số này ở Trung Quốc là 2,4; Malaysia: 5,4; Thái Lan: 2,7; Indonesia: 2,3; Philippines: 1,8; Campuchia: 0,9; Singapore: 12.1.

Bên cạnh đó, chất lượng thể chế và kết cấu hạ tầng cũng là một trong những trở ngại của Việt Nam trong cuộc đua cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực về thu hút FDI. Những hạn chế nổi bật thường được các nhà đầu tư FDI nêu ra như khả năng đáp ứng về kết cấu hạ tầng (giao thông vận tải, logistics), các chi phí thiếu minh bạch khác… Chính phủ cũng như các địa phương tiếp nhận FDI đã dần gỡ bỏ các rào cản trên, song trên thực tế, đây vẫn là trở ngại đáng kể trên nhiều lĩnh vực, nhiều địa phương.

Công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam cũng vẫn là một trong những điểm yếu so với các nước trong khu vực. Ông Hironobu Kitagawa, Trưởng Đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) tại Hà Nội, cho biết tỷ lệ nội địa hóa nguyên liệu, vật tư, linh kiện của DN Nhật Bản tại Việt Nam là 36,5%, có tăng trưởng nhưng vẫn còn thấp so với các nước trong khu vực. Điều đó khiến DN Nhật Bản phải nhập khẩu từ các nước xung quanh, làm chi phí gia tăng và tiềm ẩn nhiều rủi ro, gây khó khăn cho hoạt động của DN.

Ngoài ra, so với một số quốc gia trong khu vực như Singapore, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, tiềm lực tài chính cho thiết lập hạ tầng cơ sở, nhân lực để tiếp nhận CMCN 4.0 của Việt Nam còn hạn chế như giá internet còn cao.

Theo kết quả nghiên cứu BDRC Continental và Cable.co.uk, tại thời điểm ngày 14/12/2017, chi phí bình quân hàng tháng cho băng thông rộng ở Việt Nam là 62,3 USD, trong khi ở phần lớn các nước ASEAN có giá thấp hơn như Thái Lan là 26,9 USD, Singapore: 39,0 USD, Malaysia: 42,5 USD, Philippines: 53,7 USD, Campuchia: 52,9 USD.

Vì vậy, các chuyên gia cho rằng để thu hút FDI hiệu quả, cạnh tranh tốt với các nước trong khu vực, Việt Nam cần tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng…

Theo Lê Thúy/thoibaokinhdoanh.vn

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/nguy-co-hut-hoi-hut-von-ngoai-312855.html