Nguy cơ khi cho trẻ tiếp xúc sớm với internet

Trước những áp lực về công việc cũng như thời gian, dường như smartphone, ipad, máy tính bảng đã trở thành 'người bạn' giúp các bậc phụ huynh chơi với con lúc bận rộn. Tuy nhiên, mạng internet cũng chính là môi trường tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro cho trẻ.

Thế giới đang bước vào cuộc cách mạng 4.0 với sự bùng nổ mạnh mẽ của công nghệ thông tin. Đây cũng chính là cơ hội cho trẻ dễ dàng tiếp cận với những vật dụng thiết bị công nghệ cao.

Những món đồ thuộc dòng điện thoại thông minh (smartphone), máy tính bảng hay ipad… trở thành vật dụng "hữu dụng" của nhiều bậc phụ huynh dùng để "dỗ dành" trẻ ăn hoặc giữ trẻ ngồi yên tránh cho trẻ nghịch ngợm, quấy rầy cha mẹ.

Theo một số nghiên cứu, hiện nay có hơn 19% trẻ em dưới 3 tuổi ở Việt Nam được phụ huynh cho sử dụng smartphone. Ở độ tuổi này, các em thường dùng smartphone để chơi game hoặc xem các chương trình giải trí trên mạng xã hội.

Điều đó cho thấy, các bậc phụ huynh Việt Nam đang quá thoải mái trong việc cho con mình tiếp xúc với mạng internet. Điều này rất đề đẩy trẻ vào những mối nguy hiểm vô hình trên mạng xã hội như bạo lực, bị lừa gạt hay quấy rối tình dục…

Đặc biệt, thời gian gần đây sự xuất hiện của các trò chơi bạo lực như “Thử thách MoMo” hay video bạo lực núp bóng những bộ phim hoạt hình nổi tiếng đã thâm nhập cả vào kênh giải trí dành riêng cho trẻ em như Youtube Kid. Sự việc này cũng đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh các bậc phụ huynh về thói quen không tốt này.

Không ít bậc phụ huynh Việt Nam đang cho trẻ tiếp xúc quá sớm với Internet

Không ít bậc phụ huynh Việt Nam đang cho trẻ tiếp xúc quá sớm với Internet

Là một người đang trong quá trình “cai nghiện” internet cho con, chị Đỗ Thu Hiền (Sơn Tây, Đống Đa) chia sẻ: “Ngày trước do quá bận rộn với công việc kinh doanh nên tôi thường cho con xem các chương trình giải trí trên Youtube để có thời gian rảnh rỗi làm việc. Thông thường tôi sẽ gõ từ khóa như Peppa Pig, Elsa hoặc Spider-Man và để nó tự động phát.

Sau một lần thấy con đang xem thì vứt điện thoại khóc thét tôi mới nhận ra là chúng xem phải những bộ phim hoạt hình có chứa hình ảnh máu me, rùng rợn. Từ đó tôi bắt đầu cấm không cho con dùng điện thoại. Nhưng bọn trẻ xem nhiều thành quen, cứ cấm thì chúng sẽ khóc lóc, không chịu ăn uống nên tôi đành chọn cách cho xem trong một khoảng thời gian nhất định hoặc chỉ được xem khi có bố mẹ xem cùng”.

Không chỉ có trẻ em mà thanh thiếu niên cũng là những đối tượng dễ chịu nhiều tác động tiêu cực từ mạng internet khi mà hầu hết các em đều không được trang bị những kỹ năng sử dụng dụng mạng an toàn.

Bạn Đỗ Quốc Bảo (Tô Hiệu, Hà Đông) cho biết, đối với những học sinh ở độ tuổi THPT như bạn, việc sử dụng internet để tìm kiếm các tài liệu học tập là một nhu cầu tất yếu. Tuy nhiên, không ít lần trong quá trình tìm tài liệu bạn nhìn thấy các trang web cấm hay được gửi những lời mời tham gia những trò chơi hoặc xem những chương trình không phù hợp với lứa tuổi. Bảo cũng thừa nhận bản thân thấy rất tò mò và nhiều lần có ý định vào xem.

Để hạn chế tác động xấu của mạng internet đối với trẻ, Tiến sĩ tâm lý Trần Thành Nam cho rằng: “Đầu tiên, các bậc phụ huynh không nên lạm dụng quá nhiều việc sử dụng các thiết bị công nghệ để chơi với con hay trông con với vì trẻ dưới 7 tuổi vẫn chưa ý thức được những chương trình mình đang xem.

Bên cạnh đó, để giúp trẻ có được kỹ năng khi tham gia môi trường mạng, tránh bị lộ thông tin cá nhân, nghiện mạng xã hội, nghiện game, xem các ấn phẩm,chương trình không phù hợp, tránh bị bắt nạt trên mạng, xâm hại tình dục trên mạng, kết bạn xấu hay bị lừa đảo trên mạng…cần trang bị cho trẻ em kiến thức và kỹ năng số để làm chủ công nghệ, tận dụng được những lợi ích của công nghệ và giảm thiểu rủi ro”.

Ngoài ra, Tiến sĩ Trần Thành Nam cũng khuyên các bậc phụ huynh cần dành thời gian quan tâm, trò chuyện cùng với con cái, tạo cơ hội để hai bên trao đổi thẳng thắn qua đó hỏi xem con đang xem gì, có nguy hiểm tới con hay không. Nếu con có xem các chương trình gây nguy hiểm thì cần chỉ cho con biết nó nguy hiểm ở chỗ nào, cần xử lý ra sao. Và đặc biệt, không nên cấm cản hay bắt ép trẻ phải làm theo ý mình để tránh trường hợp trẻ phản ứng ngược lại, càng thêm tò mò và muốn tìm hiểu.

Mộc Thanh

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/nguy-co-khi-cho-tre-tiep-xuc-som-voi-internet-88346.html