Nguy cơ khi Nga điều thêm S-400 đến Crimea

Nga vừa công khai tăng cường S-400 và Pantsir-S1 đến Crimea trong năm 2018 - bản kế hoạch có thể ẩn chứa nhiều nguy cơ.

Kế hoạch triển khai thêm S-400 Triumf và Pantsir-S1 đến Crimea được đích thân Tư lệnh Quân khu miền Nam của Nga, Aleksander Dvornikov ngày 4/5 cho biết trong một buổi họp báo, việc trang bị này được thực hiện trong kế hoạch tăng cường an ninh hàng không ở phía Tây-Nam.

Các đơn vị Không quân Nga đóng tại Crimea được tái trang bị 100% các vũ khí hiện đại nhất, như máy bay tiêm kích Su-30M, trực thăng Ka-52 Aligator, Mi-28N, còn S-400 và Pantsir-S1 sẽ được đặt vào tình trạng trực chiến cao nhất.

Đây là đơn vị tên lửa S-400 thứ hai được triển khai ở bán đảo Crimea. Hồi năm 2017, phòng thủ Nga đã trang bị các tổ hợp S-400 cho Trung đoàn tên lửa phòng không cận vệ số 18 đóng quân tại thành phố Sevastopol ở Crimea.

Hệ thống S-400 tại Crimea.

Kế hoạch triển khai thêm vũ khí phòng không đến Crimea của Nga đang ẩn chưa nhiều nguy cơ bởi ngay trước khi Moscow chính thức công bố tăng cường S-400 đến bán đảo Crimea, Ukraine đã thẳng thắn rằng sẽ triển khai hệ thống phòng không S-300 đến Odessa để tạo thế đối trọng với Nga.

Nguồn tin từ cơ quan tình báo Mỹ Stratfor cho biết, Chính phủ Ukraine có kế hoạch triển khai tên lửa S-300 đến vùng Odessa, ngay sát biên giới với Transnistria, một khu vực nhỏ nằm giữa Moldova và Ukraine.

Theo nguồn tin này, việc Kiev đưa dàn tên lửa S-300 tới vùng Odessa khiến các loại máy bay Nga có nguy cơ bị bắn rơi, qua đó gia tăng nguy cơ đối đầu quân sự giữa Nga và phương Tây.

Theo Stratfor, hành động này sẽ gia tăng khả năng đối đầu quân sự giữa Transnistria và Ukraine. Hơn thế nữa, nó có thể châm ngòi cho một cuộc xung đột giữa Nga và các nước phương Tây.

Sự xuất hiện của tên lửa S-300 tại vùng Odessa là rất đáng quan ngại do ở Transnistria có gần 2.000 binh lính Nga gìn giữ hòa bình. Lực lượng này được thành lập theo hiệp ước ngừng bắn năm 1992 sau khi Chiến tranh Transnistria kết thúc vào đầu thập niên 90 của thế kỷ trước.

Nga từng đưa các loại hàng thiết yếu và luân phiên các binh sĩ gìn giữa hòa bình ở Transnistria qua 2 đường: đường bộ qua Ukraine và đường không qua Moldova, từ đó tiến vào Transnistria. Cả hai tuyến đường này hiện nay không còn là lựa chọn khả dĩ nữa vì những lý do khác nhau.

Hiện tại, Nga đang tận dụng một tuyến đường sắt ở Tiraspol, thủ phủ của Transnistria nhằm đưa các thiết bị và hàng viện trợ, cũng như luân phiên nhân sự của lực lượng gìn giữ hòa bình tại đây.

Vì vậy, máy bay Nga phải đi qua không phận trên vùng Odessa từ căn cứ gần nhất ở Crimea để đến Transnistria. Theo Stratfor, việc Ukraine điều động tên lửa S-300 trong khu vực này khiến các máy bay Nga thực hiện nhiệm vụ chuyên chở hàng có nguy cơ bị bắn rơi.

Cùng lúc đó, quân đội Ukraine cũng đẩy mạnh các hoạt động gần biên giới Transnistria. Quyết định ngăn chặn lực lượng gìn giữ hòa bình Nga tiến vào Transnistria của Ukraine không những vi phạm hiệp ước hòa bình năm 1992 giữa Moldova và Transnistria, mà còn hạ thấp uy tín của Kiev, Stratfor nhận định.

Theo số liệu thống kê của Stratfor, hiện tại lực lượng phòng không Ukraine đang sở hữu các biến thể S-300PS, S-300PMU, S-300V (không rõ số lượng). Trong khi đó, lực lượng Phòng không vũ trụ Nga đang sở hữu tất cả các biến thể S-300 và được triển khai tại trên 30 trung đoàn khác nhau.

Ngoài ra, Nga còn đang dần thay thế S-300 bằng các hệ thống S-400 và sắp tới là S-500. Hơn 20 tiểu đoàn của Nga đã được trang bị các hệ thống chống tên lửa S-400 từ năm 2015, Tướng Quân đội Yury Baluyevsky, Tổng tham mưu trưởng Các lực lượng Vũ trang Nga nói.

Trước năng lực phòng thủ của hai bên, Stratfor cho rằng dù Ukraine không thể sánh được với Nga nhưng rõ ràng động thái của hai bên có thể làm gia tăng thêm căng thẳng trong khu vực vốn đã có nhiều bất ổn này.

Đan Nguyên

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/nguy-co-khi-nga-dieu-them-s-400-den-crimea-3357584/