Nguy cơ khủng bố mới ở châu Âu

Từ Iraq sang Syria, IS đang mất dần lãnh thổ chiếm đóng từ năm 2014 tới nay. Thất bại của IS lại kéo theo nguy cơ làn sóng khủng bố mới tấn công châu Âu do sự trở về của các tay súng là thành viên hoặc trung thành với tổ chức này.

Theo thống kê từ năm 2011 đến 2016, đã có từ 27.000-31.000 tay súng nước ngoài, đến từ 86 quốc gia trên thế giới đã tới Syria và Iraq để chiến đấu bên cạnh IS. Trong số này khoảng 6.000 tay súng đến từ châu Âu, chủ yếu từ Đức, Pháp và Anh.

Các tay súng SDF tham gia chống IS ở Raqqa, Syria

Chỉ riêng Anh, con số thống kê ước tính có 760 công dân Anh tham gia IS, một nửa trong số này sau đó trở về còn một nửa tử trận. Công dân châu Á tham gia IS ở chiến trường Iraq và Syria vào độ 14.000 người. Đặc biệt, số lượng công dân nước ngoài tới Iraq và Syria tăng mạnh từ năm 2014, vào độ 40.000 người từ hơn 110 quốc gia. Đây là giai đoạn IS lớn mạnh, thiết lập đế chế Hồi giáo ở Syria và Iraq.

Từ năm 2016 bước qua năm 2017, IS đã nhận liên tiếp các thất bại ở Syria và Iraq, bị mất phần lớn lãnh thổ chiếm đóng. Báo cáo gần đây cho biết IS đã mất khoảng 85% lãnh thổ ở cả Iraq và Syria. Cùng với sự sụp đổ của IS tại 2 quốc gia này, một lượng lớn tay súng nước ngoài đã trở về nước. Trong số đó theo cảnh báo của Trung tâm Soufan, một tổ chức phân tích an ninh phi lợi nhuận có trụ sở tại Mỹ, có ít nhất 5.600 người gồm nam giới, phụ nữ và cả trẻ em, từng tới và sống dưới đế chế của IS đã hồi hương. Những đối tượng này đang đặt toàn cầu và châu Âu trước nguy cơ khủng bố mới.

Dẫn số liệu của Mạng lưới Nhận diện cực đoan, Trung tâm Soufan cho biết thêm, 30% trong tổng số 5.000 công dân các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) từng cầm súng trong hàng ngũ IS ở Iraq và Syria đã trở về nước. Pháp có 1.910 người, Nga có 3.417 người, và ít hơn là các nước khác như Anh, Đức…đều có công dân gia nhập IS trở về.

Chuyên gia Richard Barrett, cố vấn cấp cao của Trung tâm Soufan đánh giá, việc xác định và phân loại các đối tượng trở về từ vùng lãnh thổ của IS, có biện pháp xử lý đối với họ là một vấn đề lớn đối với các quốc gia châu Âu. Trung tâm Soufan chia những người từng đến đế chế của IS thành 5 nhóm, từ những người không kết nối được với IS, tới các đối tượng đã tham gia chiến đấu.

Theo chuyên gia Barrett, hầu hết những người này đều có nguy cơ gặp vấn đề trong giao tiếp với những người xung quanh khi trở về. Điều đó khiến họ đặc biệt trở thành các đối tượng dễ bị các tổ chức cực đoan lôi kéo, quay trở lại hoạt động khủng bố. Ông Barrett cho rằng các quốc gia cần có cơ chế hỗ trợ cũng như liệu pháp tâm lý đối với nhóm là trẻ em.

“Việc giúp các đối tượng là trẻ em đã bị IS chiêu mộ quay trở lại cuộc sống bình thường thực sự khó khăn. Khi đã qua huấn luyện của IS, tất cả đều đã bị truyền tư tưởng cực đoan, tuyên thệ trung thành với IS”-chuyên gia Barrett cho biết.

Theo Telegraph, sự trở về của những người từng gia nhập IS sẽ dẫn tới thế giới đối diện với một thế hệ khủng bố mới. Đây là thách thức lớn với toàn cầu chứ không riêng châu Âu. Hồi mới đây, báo chí châu Âu từng tiết lộ đã có những chỉ thị ngầm để lực lượng chống IS ở Syria và Iraq tiêu diệt tất cả các chiến binh nước ngoài, như tại chiến trường Raqqa.

Các tay súng IS bị đánh giá là mối đe dọa với quốc gia quê nhà, gánh nặng cho hệ thống tư pháp ở những nước này. Sẽ dễ dàng hơn nhiều giữa việc tiêu diệt các đối tượng này ngay tại Syria hoặc Iraq, thay vì để hồi hương. Câu hỏi về việc châu Âu sẽ ứng xử thế nào với những công dân trở về từ chiến trường Iraq và Syria đã từng được đặt ra, và chỉ thị ngầm nói trên có thể là một câu trả lời. Tuy nhiên, nguy cơ khủng bố mới đối với châu Âu vẫn hiện hữu.

AN QUỐC (Theo Telegraph, BBC, NBC)

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/nguy-co-khung-bo-moi-o-chau-au-post205438.html