Nguy cơ khủng bố sinh học ở Indonesia

Những kẻ khủng bố ở Tây Java lên kế hoạch sử dụng một tác nhân độc hại sinh học trong một vụ đánh bom. Điều này cho thấy mối đe dọa khủng bố sinh học ở Indonesia.

Những kẻ khủng bố ở Tây Java lên kế hoạch sử dụng một tác nhân độc hại sinh học trong một vụ đánh bom. Điều này cho thấy mối đe dọa khủng bố sinh học ở Indonesia.

Chất độc sinh học sử dụng trong một kế hoạch tấn công ở Đức năm 2018. Ảnh: DPA

Chất độc sinh học sử dụng trong một kế hoạch tấn công ở Đức năm 2018. Ảnh: DPA

Vào giữa tháng 10-2019, cảnh sát Indonesia phát hiện một phần tử Jamaah Ansharud Daulah (JAD) –nhánh của mạng lưới IS ở Indonesia - đã lên kế hoạch tấn công tự sát bằng một quả bom có chứa chất độc abrin ở Cirebon, Tây Java. Phần tử này đã nhắm vào một đồn cảnh sát địa phương và một nơi thờ tự ở Cirebon. Cảnh sát thu giữ 310gram các hạt nhỏ màu hồng, là thành phần chính của abrin. Kết quả kiểm tra sau đó cho thấy khoảng 0,7 microgam abrin có thể giết chết 100 người.

Đây là quả bom đầu tiên sử dụng một chất độc sinh học được chế tạo ở Indonesia. Tuy nhiên, đây là âm mưu khủng bố thứ hai sử dụng các tác nhân sinh học trong 8 năm qua. Vụ đầu tiên xảy ra vào năm 2011, khi một nhóm chiến binh ở Jakarta cố gắng giết hại cảnh sát bằng cách đầu độc họ bằng thực phẩm có chứa ricin, một tác nhân sinh học khác.

Các chất độc khủng bố sinh học

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), cơ quan hàng đầu của Mỹ về y tế công cộng chịu trách nhiệm đối phó với các hành vi khủng bố sinh học, đã phân loại ricin (có trong hạt thầu dầu) và abrin (có trong hạt cam thảo dây) là độc tố sinh học mạnh có nguồn gốc từ thực vật. Dựa trên những tác hại đối với sức khỏe cộng đồng, CDC phân loại hai độc tố thực vật này thuộc nhóm B, đứng sau nhóm A. Các tác nhân sinh học trong nhóm B có tiềm năng tác động lớn đến sức khỏe cộng đồng. Chúng có thể gây thương vong hàng loạt, cùng với khả năng phổ biến từ trung bình đến cao có thể gây ra sự sợ hãi trong cộng đồng và sự gián đoạn dân sự. Làm thế nào mà các tác nhân này đã được sử dụng bởi các nhóm phiến quân ở Indonesia?

Các nhóm khủng bố Indonesia hiện nay dường như không có ý định hoặc khả năng sử dụng một tác nhân sinh học loại A, chẳng hạn như bệnh than, để tiến hành một cuộc tấn công. Nỗ lực phát triển bệnh than cuối cùng được biết đến là vào giữa năm 2000, khi Hambali, sĩ quan liên lạc của nhóm cực đoan Jemaah Islamiyah (JI) của Indonesia và thành viên JI người Malaysia Yazid Sufaat đến Al-Qaeda.

Theo Báo cáo của Ủy ban khủng bố 11-9, Yazid - có bằng công nghệ y học và hóa sinh từ một trường đại học ở Mỹ - đã dẫn dắt chương trình vũ khí sinh học của Al-Qaeda. Yazid đã lập phòng thí nghiệm ở Kandahar, Afghanistan và dành nhiều tháng để nuôi dưỡng mầm bệnh than phục vụ cho hoạt động khủng bố. Yazid sau đó tuyên bố đã thành công trong việc phát triển một số mầm bệnh. Y khẳng định rằng bệnh than không phải là sở thích của y vì nó có khả năng phá hoại lớn nhưng không đủ để giết người. Phòng thí nghiệm này cuối cùng đã bị phá hủy khi NATO ném bom Kandahar vào năm 2001. Yazid trở về Malaysia và bị bắt cùng năm. Y được thả vào năm 2008 và bị bắt lại vào năm 2013. Y sẽ được thả vào cuối tháng 11 này.

Kể từ đó, các cơ quan an ninh chưa phát hiện bất kỳ nỗ lực sử dụng các tác nhân sinh học làm vũ khí nào khác của các nhóm khủng bố Indonesia. Điều này có thể một phần là do chúng không có ý định hoặc không có đủ nguồn lực - tức là các nhà khoa học sinh học và phòng thí nghiệm. Nhà nghiên cứu về khủng bố sinh học Gregory D. Koblentz cho biết, dù việc mua các tác nhân sinh học là khá đơn giản và tương đối rẻ tiền, việc biến chúng thành vũ khí có thể gây thương vong hàng loạt thực sự là thách thức lớn.

Trong khi đó, sử dụng các tác nhân loại B - độc tố từ thực vật - trong vụ việc năm năm 2011 và 2019, các nhóm khủng bố đã sử dụng các tác nhân có sẵn và mua với chi phí thấp. Cả hạt thầu dầu và hạt cam thảo dây đều mọc ở các nước nhiệt đới như Indonesia và với sự ra đời của thương mại điện tử, chúng có thể được mua trực tuyến với giá khá thấp. Phần tử cực đoan Santhanam khai, y đã chiết xuất ricin trực tiếp từ cây thầu dầu tìm thấy ở Jakarta. Do thiếu tiền nên y đã chọn cách khủng bố này. Ngoài ra, Santhanam tuyên bố y được truyền cảm hứng từ một cuộc tấn công tương tự ở Trung Đông.

Tương lai

Có khả năng các nhóm phiến quân Indonesia vẫn có ý định sử dụng chất độc từ thực vật trong các vụ tấn công trong tương lai. Điều này là do các tác nhân này có sẵn và quy trình sản xuất tương đối đơn giản để sử dụng trong một cuộc tấn công quy mô nhỏ. Sản xuất các tác nhân sinh học nhóm B trong các vụ tấn công trong quá khứ không yêu cầu phòng thí nghiệm và các nhà khoa học sinh học được đào tạo bài bản như Yazid. Paimin, kẻ sản xuất ricin trong vụ tấn công năm 2011 thậm chí còn chưa hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học. Y đã làm theo hướng dẫn trên mạng Internet.

Một tình huống xấu hơn có thể xảy ra nếu các nhóm phiến quân Indonesia tuyển dụng các nhà khoa học sinh hóa và lập phòng thí nghiệm quy mô lớn. Tuy nhiên, có rất ít ý kiến cho rằng chúng hiện đang có ý định sử dụng các tác nhân sinh học như một công cụ gây thương vong hàng loạt trong tương lai. Do đó, việc sử dụng các tác nhân sinh học chỉ có thể giới hạn bằng việc đầu độc hoặc được sử dụng thêm vào các loại vũ khí tấn công thông thường khác. Chìa khóa để phá vỡ các cuộc tấn công như vậy trong tương lai phụ thuộc chủ yếu vào bộ máy an ninh giám sát của Indonesia.

AN BÌNH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_216682_nguy-co-khung-bo-sinh-hoc-o-indonesia.aspx