Nguy cơ khủng hoảng tài chính toàn cầu vì thương chiến Mỹ - Trung

Cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Lawrence Summers ước tính khả năng nền tài chính thế giới sẽ sụp đổ như cách đây 10 năm là xấp xỉ 50%.

Tình hình các sàn chứng khoán trên thế giới hôm 6/8 trở nên tồi tệ hơn sau khi Mỹ liệt Trung Quốc vào diện “thao túng tiền tệ”. Điều này khiến giới phân tích sợ hãi rằng sự leo thang căng thẳng thương mại Mỹ - Trung có thể dẫn đến khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu.

“Với những diễn biến trong cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc như hiện tại, tài chính toàn cầu có thể đang ở thời điểm nguy hiểm nhất kể từ cuộc khủng hoảng năm 2009”, cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Lawrence Summers chia sẻ trên Twitter.

Cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Lawrence Summers. Ảnh: AFP.

Ông Summers cảnh báo khả năng các thị trường sụp đổ vào năm 2020 là xấp xỉ 50%, mức rủi ro cao nhất tính từ năm 2011. Việc cổ phiếu toàn cầu giảm mạnh càng khiến rủi ro này tăng cao.

Yu Yongding, cố vấn cấp cao của chính phủ Trung Quốc, cho rằng nguy cơ suy thoái kinh tế thế giới vẫn hiện hữu ngay cả khi thương chiến Mỹ - Trung không xảy ra. Các xung đột leo thang gần đây chỉ góp phần khuếch đại những rủi ro đó.

Các chuyên gia phân tích dự đoán việc Mỹ liệt Trung Quốc vào nhóm các nước “thao túng tiền tệ” có thể dẫn đến hành động đánh thuế hàng nhập khẩu Trung Quốc lên mức 25% của chính quyền Tổng thống Donald Trump.

“Thỏa thuận thương mại đương nhiên sẽ không sớm xảy ra, nhất là khi các công ty Trung Quốc đã được yêu cầu ngừng nhập khẩu nông sản Mỹ”, Nick Wall, giám đốc tại tập đoàn đầu tư Merian Global, nhận xét.

Theo nhà kinh tế học Martin Arnold từ quỹ đầu tư Schroders, cho dù hoạt động kinh tế Mỹ đang tiến triển rất tốt thì sự leo thang căng thẳng thương mại gần đây có thể gây ra cú sốc lớn cho nền kinh tế Mỹ nói riêng và kinh tế toàn cầu nói chung.

Leo thang căng thẳng thương mại gần đây có thể gây ra cú sốc lớn cho nền kinh tế Mỹ nói riêng và kinh tế toàn cầu nói chung. Ảnh: Xinhua.

David Plank, một giám đốc tại ngân hàng đa quốc gia ANZ, chỉ ra khả năng gây sụp đổ cho hệ thống tài chính toàn cầu nằm ở chỗ các công ty Mỹ hiện gánh một khoản nợ còn lớn hơn thời điểm diễn ra cuộc khủng hoảng cách đây một thập kỷ.

“Nhờ các quy định cải cách, các ngân hàng thương mại đã cung cấp những bảng cân đối kế toán tốt hơn kể từ cuộc khủng hoảng tài chính thế giới 10 năm trước. Tuy nhiên, điều đó cũng có nghĩa là khả năng cho vay của họ cũng bị giảm đi đáng kể”, Plank nhận xét.

“Do đó, một rủi ro khác là thị trường tín dụng yếu ớt gây nên sự bất ổn giá lớn hơn”, Plank nói thêm.

Theo chuyên gia phân tích Michael Every từ ngân hàng Rabobank, việc Trung Quốc hạ giá đồng NDT nhằm mục đích khiến hàng xuất khẩu Trung Quốc trở nên rẻ hơn đối với các quốc gia khác, giúp bù đắp khoản lỗ từ thuế quan của Mỹ.

Tuy nhiên, Christopher Balding - một chuyên gia phân tích từ công ty Smartkarma, cảnh báo rằng hạ giá NDT có thể khiến Trung Quốc gánh nợ nhiều hơn, đặc biệt khi quốc gia này đi vay mượn bằng đồng USD, nhất là các tập đoàn bất động sản.

Hạ giá NDT có thể khiến Trung Quốc gánh khoản nợ nước ngoài lớn hơn. Ảnh: Kyodo.

Nợ nước ngoài của Trung Quốc chiếm khoảng 65% - 70% dự trữ ngoại hối của đất nước. Năm 2018, nợ nước ngoài Trung Quốc lên đến 2.200 tỷ USD.

Giới phân tích cảnh báo rằng tình hình thị trường hiện nay vẫn chưa lột tả toàn cảnh sự leo thang căng thẳng mới nhất của thương chiến Mỹ - Trung. Các “đòn đánh” ăn miếng trả miếng vẫn có thể được 2 bên tung ra bất cứ lúc nào.

“Tôi tin rằng một kịch bản đầy ác mộng về chiến tranh lạnh đang thực sự diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc”, Michael Every chia sẻ.

Minh Đức
Theo SCMP

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/nguy-co-khung-hoang-tai-chinh-toan-cau-vi-thuong-chien-my-trung-post975777.html