Nguy cơ lây lan dịch bệnh, bệnh xã hội từ bao cao su tái chế

Theo chuyên gia pháp lý, hành vi tái chế, kinh doanh bao cao su đã qua sử dụng có thể làm tăng nguy cơ làm lây lan dịch bệnh, bệnh xã hội nên cần xử lý nghiêm.

Mới đây, thông tin từ Tổng cục Quản lý thị trường - Bộ Công thương cho biết, Đội QLTT số 4 thuộc Cục QLTT Bình Dương vừa phát hiện một cơ sở gia công tái chế bao cao su đã qua sử dụng, thu giữ tại chỗ 324.000 đơn vị sản phẩm (tương đương với 360kg).

Trước đó, ngày 19/9/2020, Đội QLTT số 4 thuộc Cục QLTT Bình Dương bất ngờ ập đến kiểm tra khu nhà trọ ở địa chỉ tổ 4, Đường DX12, khu phố Hóa Nhựt, phường Tân Vĩnh Hiệp, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, đã phát hiện Phạm Thị Thanh Ngọc (SN 1987, tại Nghệ An) đang gia công tái chế bao cao su đã qua sử dụng, không bao bì, không ghi nhãn.

Lực lượng chức năng phát hiện số lượng lớn bao cao su đang được tái chế (Ảnh: QLTT)

Qua làm việc ban đầu, bà Ngọc không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của lô hàng và khai nhận, cứ khoảng 30 ngày/1 lần, Ngọc nhận bao cao su đã qua sử dụng từ 1 người không rõ địa chỉ để súc rửa, phơi khô, phân loại và dùng dương vật giả để vuốt lại, tạo hình như mới và giao hàng đã gia công cùng ngày với nhận hàng gia công.

Nhìn nhận sự việc này dưới góc độ pháp lý, Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng đạo đức kinh doanh, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người tiêu dùng.

"Hành vi này có thể làm lây lan dịch bệnh, bệnh xã hội và nhiều hệ lụy khác đối với người sử dụng các loại sản phẩm này. Đây là hành vi tiếp tay cho hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả và có thể gây ảnh hưởng đến đến sức khỏe, thậm chí tính mạng của người tiêu dùng", Luật sư Đặng Văn Cường nhận định.

Hơn 300.000 bao cao su được người phụ nữ thu gom, tái chế đang chuẩn bị tuồn ra thị trường (Ảnh: QLTT).

Luật sư Đặng Văn Cường cho biết, pháp luật quy định sản xuất hàng giả là hành vi sản xuất ra các loại hàng hóa tiêu dùng không đảm bảo chất lượng, đúng kiểu dáng, nhãn hiệu và chất lượng đã đăng ký , hoặc nhái lại kiểu dáng của hãng nổi tiếng đã đăng ký bản quyền,...

Buôn bán hàng giả là hành vi mua hàng biết rõ là hàng giả với giá rất rẻ và dùng các thủ đoạn gian dối để bán cho người tiêu dùng với giá của hàng thật.

Theo chuyên gia pháp lý này, cơ quan chức năng sẽ làm rõ sản phẩm sau khi tái chế có đặc điểm như thế nào, chất lượng ra sao, mẫu mã, chủng loại như thế nào để xác định sản phẩm có phải là hàng giả hay không. Đồng thời sẽ làm rõ giá trị của loại hàng hóa này, phương thức thủ đoạn sản xuất, buôn bán.

Trong trường hợp có căn cứ xác định loại hàng hóa sau khi đã tái chế là hàng giả và có chị giá từ 20.000.000 đồng trở lên thì các đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 192 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp.

Trường hợp, hàng hóa chưa kịp đưa ra thị trường tiêu thụ nhưng có căn cứ cho thấy các đối tượng thực hiện các hoạt động, thao tác nhầm tạo ra hàng giả, chị giá số hàng này lên đến trên 20.000.000 đồng thì vẫn có thể truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của bộ luật hình sự nêu trên.

Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp cho rằng, cơ quan chức năng cần quyết liệt đấu tranh với các đối tượng sản xuất hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng như thế này.

"Với những hành vi vi phạm pháp luật đến mức xử lý hình sự thì phải kiên quyết xử lý đảm bảo công bằng, minh bạch trong hoạt động kinh doanh cũng như đảm bảo sức khỏe, quyền lợi, của người tiêu dùng", Luật sư Cường nói.

"Điều 192. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả

1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Hàng giả trị giá từ 20.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;

b) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 30.000.000 đồng đến dưới 150.000.000 đồng trong trường hợp không xác định được giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;

c) Hàng giả trị giá dưới 20.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn hoặc hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá dưới 30.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 190, 191, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật hình sự 2015 hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

d) Hàng giả trị giá dưới 20.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn hoặc hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá dưới 30.000.000 đồng nhưng gây hậu quả thuộc một trong các trường hợp: gây tổn hại cho sức khỏe của một người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%; gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60% hoặc gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

đ) Hàng giả trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;

e) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng trong trường hợp không xác định được giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;

g) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

h) Làm chết người;

i) Gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên;

k) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

l) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;

m) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại;

n) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Hàng giả có giá thành sản xuất 100.000.000 đồng trở lên;

b) Hàng giả có giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn từ 200.000.000 đồng trở lên;

c) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 500.000.000 đồng trở lên trong trường hợp không xác định được giá thành sản xuất, giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;

d) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;

đ) Làm chết 02 người trở lên;

e) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên, với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;

g) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên;

h) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:

a) Pháp nhân thương mại phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;

b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng;

c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;

d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật hình sự 2015, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;

đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm".

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhvietnam.com/nguy-co-lay-lan-dich-benh-benh-xa-hoi-tu-bao-cao-su-tai-che-d154958.html