Nguy cơ lây lan dịch bệnh ở Indonesia vì các thi thể sau thảm họa kép

Yusuf Latif - phát ngôn viên của nỗ lực tìm kiếm và cứu nạn của Indonesia chia sẻ từ Palu: 'Hầu hết các thi thể chúng tôi tìm thấy đều không còn nguyên vẹn và gây nguy hiểm cho những người cứu hộ. Chúng tôi phải hết sức thận trọng để tránh bị lây nhiễm'.

Hơn 1 tuần sau khi thảm họa kép động đất, sóng thần rung chuyển đảo Sulawesi, Indoesia, đội cứu hộ đưa ra cảnh báo sức khỏe đối với người dân trong khi họ khai quật nhiều thi thể đang trong quá trình phân hủy từ những đống đổ nát tại thành phố Palu, khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Giới chức địa phương cho biết hàng nghìn người vẫn trong tình trạng mất tích và con số thương vong đã lên đến 1.649 người.

Hy vọng tìm thấy người sống sót càng mong manh hơn khi 8 ngày sau thảm họa đã trôi qua, dù vậy, cơ quan chức năng Indonesia vẫn tiếp tục cuộc tìm kiếm.

Đội tìm kiếm phải tiêm phòng vì phần lớn các thi thể tìm thấy đã không còn nguyên vẹn và đang bị phân hủy mạnh. Tại hai ngôi làng Petobo và Balaroa, nơi gần như bị xóa sổ sau thảm họa vẫn còn số lượng lớn thi thể có khả năng đang bị chôn vùi.

“Không còn người sống ở đây. Chúng tôi chỉ tìm thấy thi thể, ngày nào cũng vậy” - Sergeant Syafaruddin, làm nhiệm vụ cứu hộ tại hai thị trấn của Palu cho biết.

Yusuf Latif - phát ngôn viên của nỗ lực tìm kiếm và cứu nạn của Indonesia chia sẻ từ Palu: "Hầu hết các thi thể chúng tôi tìm thấy đều không còn nguyên vẹn và gây nguy hiểm cho những người cứu hộ. Chúng tôi phải hết sức thận trọng để tránh bị lây nhiễm".

Theo ông, giới chức đã tiêm phòng cho các đội cứu hộ nhưng vẫn cần thận trọng hơn nữa khi tiếp xúc với những mối nguy hiểm cho sức khỏe của các nhân viên cứu hộ.

Tình trạng mất vệ sinh cũng khiến nhiều người lo ngại. "Mọi người muốn sử dụng nhà vệ sinh, nhưng không còn cái nào ở đây cả. Vì vậy chúng tôi buộc phải 'đi' ra đường vào ban đêm", ông Armawati Yarmin, 50 tuổi, cho biết.

Người sống sót sau thảm họa đối mặt với tình trạng thiếu lương thực và nhu yếu phẩm cần thiết. Một vài người cướp hàng hóa từ các cửa hàng, hàng chục người đã bị bắt giữ và cảnh sát đe dọa sẽ nổ súng vào những người cố tình vi phạm pháp luật. Nhiều siêu thị không cho phép người dân vào trong mà chuyển đồ qua cửa chính trong lúc lực lượng vũ trang canh phòng cẩn thận.

Một siêu thị dù đã mở cửa nhưng từ chối cho mọi người vào trong, chuyển hàng hóa qua cửa với sự giám sát của lực lượng vũ trang. “Chúng tôi không tăng giá nhưng không cho khách hàng vào trong vì lý do an toàn. Tòa nhà đã vượt qua động đất nhưng chúng tôi không biết nó có an toàn không” – đại diện siêu thị cho biết.

Liên Hợp Quốc ngày 5/10 tuyên bố quyên góp 50,5 triệu USD để trợ giúp khẩn cấp cho các nạn nhân vùng thảm họa Indonesia. Sau nhiều ngày trì hoãn, cứu trợ quốc tế cũng dần dần đến được với khu vực thảm họa, nơi gần 200.000 người cần cứu trợ nhân đạo.

Việc tiếp nhận viện trợ của Indonesia cũng gặp nhiều khó khăn khi sân bay tại thành phố Palu có công suất nhỏ, số chuyến bay tiếp cận được khu vực còn hạn chế. Hàng hóa buộc phải được vận chuyển bằng đường bộ nên mất nhiều thời gian để đến tay các nạn nhân.

Vũ Huy (TH)

Nguồn Pháp Luật Net: http://phapluatnet.vn/quoc-te/nguy-co-lay-lan-dich-benh-o-indonesia-vi-cac-thi-the-sau-tham-hoa-kep