Nguy cơ mắc một loạt bệnh đáng sợ nếu lười uống nước

Đừng để một loạt căn bệnh nguy hiểm xảy đến như thận yếu, mau già, đau đầu, táo bón triền miên, cơ thể mệt mỏi, mắt mũi lờ đờ… chỉ vì không uống đủ nước.

Khoa học đã chứng minh nước chiếm 70% khối lượng cơ thể nhưng không nhiều người quan tâm đến việc bổ sung đủ lượng nước mà cơ thể cần mỗi ngày. Cơ thể thông qua nước và lưu thông máu, vận chuyển chất dinh dưỡng vào cơ thể tới từng tế bào. Một số chất thải tạo ra trong quá trình trao đổi chất cũng thông qua sự lưu thông máu rồi bài tiết ra ngoài cơ thể, từ đó duy trì sự cân bằng vật chất và chuyển hóa năng lượng của cơ thể. Vì vậy, quá trình tiêu hóa thức ăn cũng không thể tách rời khỏi nước.

Uống nước ngay cả khi không khát là lời khuyên của nhiều chuyên gia dinh dưỡng. Trong điều kiện bình thường, lượng nước cần cho một kg cơ thể là 40 ml, nên một người nặng 50 kg uống 2 lít nước mỗi ngày là đủ. Nếu uống ít nước, một loạt những bệnh nguy hiểm có thể ập đến với cơ thể bạn bất cứ lúc nào.

Hãy uống đủ 1,5 đến 2 lít nước mỗi ngày, uống ngay cả khi không khát. Ảnh minh họa

Thận yếu, sỏi nội tạng

Thiếu nước thì thận là bộ phận bị ảnh hưởng trực tiếp nhiều nhất. Nhiệm vụ của thận là giải độc cơ thể bằng cách lọc các chất cặn bã. Thiếu nước, thận sẽ không thể duy trì hoạt động thải độc ở trạng thái tốt nhất. Độc tố theo đó sẽ lắng lại và tích tụ dẫn đến các vấn đề về thận. Bên cạnh đó, khi cơ thể bị thiếu nước thì hoạt động bơm máu đến thận cũng bị cản trở. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến thận dễ bị hư tổn và giảm chức năng.

Nguy cơ sỏi nội tạng cũng tăng cao. Theo các chuyên gia quan sát lâm sàng và điều tra dịch tễ học thì có rất nhiều trường hợp bị sỏi mật, sỏi thận và sỏi các bộ phận thuộc đường tiết niệu có liên quan đến việc uống nước ít hơn bình thường.

Đau đầu thường xuyên

Khi thiếu nước, các mô trong não sẽ tạm thời co lại, kích thích các thụ quan đau, dẫn tới đau đầu. Đồng thời, mất nước cũng khiến thể tích máu giảm xuống, khiến lượng máu và oxy tới não ít hơn, gây ra cơn đau. Đặc biệt, để ngăn ngừa phát sinh các cục máu đông, các bác sĩ đều khuyên rằng khoảng 2 giờ trước khi ngủ hãy uống một cốc nước.

Mau già

Không phải tự nhiên rất nhiều người đẹp đều có lời khuyên cho chúng ta là muốn đẹp hãy uống đủ nước. Quá trình lưu thông máu sẽ bị làm chậm khi cơ thể không được cung cấp đủ nước. Việc thải độc qua da nhờ cơ chế toát mồ hôi cũng bị cản trở. Lúc này, da sẽ dễ xuất hiện các dấu hiệu như khô, nhợt nhạt và ảnh hưởng đến độ đàn hồi. Quá trình tái tạo các tế bào da cũng diễn ra chậm hơn do oxy và dưỡng chất cung cấp không đủ. Từ đó, các dấu hiệu lão hóa da như nếp nhăn, sạm da... sẽ xuất hiện sớm hơn.

Uống ít nước khiến da thâm sạm, lão hóa sớm. Ảnh minh họa

Táo bón triền miên

Uống ít nước cũng là nguyên nhân làm ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất. Do lúc này, dạ dày sẽ không có đủ nước để tiêu hóa hết thức ăn. Thường xuyên uống ít nước khiến quá trình tiêu hóa bị làm chậm. Lượng dinh dưỡng từ thức ăn chúng ta nạp vào cũng được hấp thụ kém hơn. Thêm vào đó, cơ thể thiếu nước kéo dài cũng là nguyên nhân dễ gây ra các vấn đề tiêu hóa như táo bón, trào ngược axit hay viêm loét dạ dày.

Táo bón lâu ngày có thể gây ra sự mất cân bằng thực vật trong đường ruột. Gần đây, Tạp chí Nature (Mỹ) đăng một báo cáo về quan điểm mới cho rằng, hệ thực vật đường ruột mất cân bằng là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến béo phì và một số căn bệnh mãn tính.

Bệnh gút (Gout)

Bệnh gút hay còn gọi là thống phong là do lượng acid uric tăng lên trong cơ thể hoặc giảm bài tiết, sau đó acid uric lắng đọng trong khớp, thận và các bộ phận khác tạo thành một căn bệnh liên quan đến trao đổi chất.

Để ngăn ngừa bệnh gút, ngoài việc chú ý đến dinh dưỡng hợp lý và chế độ ăn uống cân bằng, có một điểm rất quan trọng là uống nhiều nước, giúp cho axit uric có thể được bài tiết thông qua thận nhanh hơn.

Hơi thở có mùi

Nước bọt có chức năng làm sạch và diệt trừ vi khuẩn trong miệng. Nếu không uống đủ nước, cơ thể sẽ không tiết đủ nước bọt diệt khuẩn, khiến chúng nhanh chóng sinh sôi và làm hơi thở có mùi khó chịu.

Nếu vệ sinh răng miệng đúng cách mà vẫn gặp phải tình trạng này thì thói quen lười uống nước có thể là nguyên nhân. Bởi nước bọt có tác dụng chống vi khuẩn và là một chất khử trùng tự nhiên. Khi cơ thể thiếu nước, lượng nước bọt được sản xuất sẽ không đủ. Từ đó, vi khuẩn trong khoang miệng sẽ phát triển và gây ra mùi hôi khó chịu.

Và còn rất nhiều những hậu quả tai hại đến với cơ thể bạn nếu bạn không giữ thói quen uống nước. Vì thế hãy uống đủ nước mỗi ngày, từ 1,5 đến 2 lít nước, uống thành từng ngụm nhỏ và uống nhiều lần, uống ngay cả khi không khát. Nếu quá lười uống nước hoặc cảm thấy nước lọc thật nhạt nhẽo, thì có thể bổ sung bằng nước hoa quả, thực phẩm, rau củ.

An Nhàn (T/h)

Thanh Nhàn

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/nguy-co-mac-mot-loat-benh-dang-so-neu-khong-uong-du-nuoc-d150179.html