Nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm từ thức ăn đường phố

Hiện nay, thức ăn đường phố được nhiều người ưa chuộng bởi sự thuận tiện, giá cả hợp lý và nhanh chóng. Tuy nhiên, bên cạnh sự tiện lợi là nỗi lo thức ăn đường phố tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP).

Những hàng quán nhếch nhác

Thức ăn đường phố thường được bày bán trên vỉa hè, các điểm du lịch, chợ, trước cổng công ty, trường học… Món ăn rất đa dạng từ thịt nướng, chân gà nướng, cánh gà nướng, xúc xích, chè, cá viên chiên, trà sữa... và được bán từ sáng đến đêm khuya. Lợi thế của đồ ăn này là nhanh, gọn lại rẻ, phù hợp với nhiều đối tượng.

Theo ghi nhận, tại khu vực cổng chợ Tam cờ, chợ Phan Thiết, tuyến đường Bình Thuận, quanh khu vực hồ Tân Quang... (TP Tuyên Quang), chợ thị trấn Sơn Dương (Sơn Dương)… có rất nhiều xe đẩy, hàng quán di động kinh doanh các món ăn đã được chế biến và đang chế biến trực tiếp. Đa số các món ăn không được che chắn, bảo quản cẩn thận, dễ nhiễm vi khuẩn, khói bụi. Người bán không đeo găng tay, không dùng dụng cụ gắp, chủ yếu dùng tay trần bốc, không đảm bảo ATVSTP, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người sử dụng. Một số hàng quán nhếch nhác khi không bố trí thùng chứa rác nên khăn giấy, thức ăn thừa vứt vương vãi dưới chân bàn; chỗ nơi rửa chén chỉ có một, hai thùng chứa nước nhỏ… không đảm bảo vệ sinh.

Tại một quán bán xôi, bánh mỳ trên đường Lê Lợi (TP Tuyên Quang), lúc nào cũng tấp nập người mua, người bán hàng không thực hiện các quy định trong khi chế biến và bán hàng... Bát đĩa của khách ăn xong bày la liệt xung quanh khu bán hàng. Chảo mỡ rán trứng, rán xúc xích, thức ăn vớt ra để trong những âu nhựa không có nắp đậy. Cách không xa là các bàn ăn của khách với giấy lau, thức ăn do khách làm rơi vãi vứt dưới chân bàn.

Quán ăn vỉa hè tại khu vực Hồ Tân Quang (TP Tuyên Quang) không che đậy tủ thức ăn theo quy định.

Quán ăn vỉa hè tại khu vực Hồ Tân Quang (TP Tuyên Quang) không che đậy tủ thức ăn theo quy định.

Bằng mắt thường cũng có thể nhận thấy, các điều kiện vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường không hề đảm bảo, nhưng có một điều lạ là thực khách cứ vô tư ăn uống.

Em Lưu Thị Thanh Thảo, sinh viên khoa Khoa học cơ bản, Trường Đại học Tân Trào, người thường xuyên sử dụng thức ăn đường phố cho biết: “Sinh viên chúng em sau buổi tan học là tranh thủ mua hộp cơm, chiếc bánh mỳ hoặc vào một quán vỉa hè ăn qua bữa. Dù nhiều lần chứng kiến cảnh không đảm bảo vệ sinh ở các xe đẩy, hàng quán vỉa hè nhưng chúng em vẫn “nhắm mắt” cho qua, mãi rồi cũng thành quen vì những món ăn đường phố rất tiện, các món ăn lại đa dạng, giá lại rẻ”.

Khó quản lý

Thông tư số 30 của Bộ Y tế đã quy định nghiêm ngặt điều kiện an toàn đối với cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố đó là phải đảm bảo đủ nước sạch; có trang thiết bị chế biến và bảo quản đầy đủ; nhân viên bán hàng phải đeo khẩu trang, tạp dề… Để thực hiện Thông tư 30, ngành Y tế đã xây dựng kế hoạch triển khai với sự phân cấp cụ thể, rõ ràng, trong đó, UBND huyện, thành phố chịu trách nhiệm chỉ đạo công tác quản lý thức ăn đường phố. UBND xã, phường, thị trấn là đơn vị trực tiếp quản lý hoạt động này. Ngành Y tế là đơn vị nòng cốt trong công tác tham mưu, tập huấn, tuyên truyền. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, việc quản lý thức ăn đường phố vẫn khó khăn.

Đồng chí Nguyễn Việt Anh, Phó Chủ tịch UBND phường Phan Thiết (TP Tuyên Quang) cho biết: “Từ khi thực hiện phân cấp quản lý ATVSTP, chúng tôi đã rất quyết liệt trong kiểm tra, kiểm soát chất lượng ATVSTP nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những nguy hiểm đến sức khỏe của người tiêu dùng. Tuy nhiên, cũng rất khó vì thiếu nguồn nhân lực và tài chính để thực hiện tốt công tác này và do những người buôn bán vỉa hè, hàng rong thường di chuyển chỗ bán liên tục, vốn ít nên không đủ tiền đầu tư những trang thiết bị đảm bảo vệ sinh”.

Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, hiện toàn tỉnh có trên 2.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, bếp ăn tập thể, cửa hàng thức ăn đường phố… được ngành y tế quản lý. Trong đó, có trên 1.700 cửa hàng thức ăn đường phố, chiếm tỷ lệ 70,2%.

Đồng chí Lê Xuân Vân, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho biết, theo quy định, đối với những cá nhân kinh doanh thức ăn đường phố không yêu cầu có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP như các bếp ăn tập thể nhưng phải có giấy cam kết đảm bảo ATVSTP. Ngoài ra, việc thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng đối với các cơ sở này không dưới 4 lần/năm. Tuy nhiên, việc buôn bán không cố định, thường xuyên, thời gian buôn bán ngoài giờ hành chính và người kinh doanh thức ăn đường phố không đủ điều kiện để thực hành các yêu cầu vệ sinh như quy định nên việc kiểm tra, xử phạt chỉ mang tính nhắc nhở, chủ yếu tập trung công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người kinh doanh, buôn bán.

Để góp phần đảm bảo sức khỏe của chính bản thân và gia đình mỗi người cần phải trở thành một người tiêu dùng thông thái để chọn lựa các cơ sở chế biến đảm bảo vệ sinh. Các cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các điều kiện đảm bảo VSATTP trong kinh doanh thức ăn đường phố đối với người bán hàng.

Bài, ảnh: Mai Bảo

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/xa-hoi/cuoc-song/nguy-co-mat-an-toan-ve-sinh-thuc-pham-tu-thuc-an-duong-pho-174601.html