Nguy cơ mất trắng tài sản vì chỉ biết điểm chỉ

Ba đôi vợ chồng người Ê Ðê mù chữ ở 3 buôn khác nhau cùng tìm đến báo Tiền Phong kêu cứu, trước nguy cơ mất trắng tài sản vì bị một phụ nữ lừa bảo họ điểm chỉ, ký tên vào các giấy tờ sang nhượng quyền sử dụng đất, mà họ tưởng đó chỉ là hồ sơ giúp vay tiền ngân hàng.

Ba đôi vợ chồng nghèo nhờ luật sư Nhàn đưa đến trụ sở Văn phòng đại diện báo Tiền Phong tại Tây Nguyên kêu cứu

Ba đôi vợ chồng nghèo nhờ luật sư Nhàn đưa đến trụ sở Văn phòng đại diện báo Tiền Phong tại Tây Nguyên kêu cứu

Lại chiêu “vay giùm”

Người giúp những nạn nhân này viết đơn kêu cứu, là luật sư Phan Ngọc Nhàn - Đoàn Luật sư Đắk Lắk. Luật sư Nhàn cho rằng Cơ quan điều tra không khởi tố vụ án, nên các nạn nhân chẳng có cách nào đòi lại tài sản đã bị lừa chiếm đoạt.

Ba đôi vợ chồng gồm ông Y Kơn Niê (SN 1964) và vợ là bà H’Băn Kễn (SN 1969) ở buôn Ea Bông, xã Cư Ebur, TP Buôn Ma Thuột; Ông Y Truyên Niê (SN 1968)- bà H’Nhin Byă (sn 1965) ở thôn 7, buôn Dhă Prông cùng xã Cư Ebur; Ông Y Gô Byă (SN 1974)- bà H’Djiêu Bdap (SN 1975) ở buôn Ea Khit, xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk. Trong 6 người này, có 4 người biết ký nguệch ngoạc, còn 2 người phải điểm chỉ vào đơn.

Theo lời kể và hồ sơ kêu cứu của ông bà Y Kơn-H’Băn, từ 6 năm trước, họ muốn vay ngân hàng 10 triệu đồng để chăm sóc cà phê mà không biết cách làm thủ tục, nên tìm hiểu và được dẫn tới gặp bà Huỳnh Thị Mỹ Ng (SN 1981, ở TP. Buôn Ma Thuột). Tháng 8/2012, bà Ng bảo họ đưa Chứng nhận quyền sử dụng đất (bìa đỏ), sổ hộ khẩu, giấy CMND để Ng giúp vay tiền Ngân hàng. Y Kơn - H’Băn đưa cho bà Ng tờ bìa đỏ duy nhất họ có, cấp cho lô đất số 283 là nơi gia đình này đang ở. Hai tuần sau, bà Ng kêu vợ chồng Y Kơn ra Phòng công chứng. Tại đó, bà Ng bảo ký chỗ nào là họ ký vào chỗ đó, cứ tưởng đây là giấy vay 10 triệu đồng của ngân hàng. Mới đây mới biết họ đã bị bà Ng lừa ký vào hợp đồng chuyển nhượng đất qua tên vợ chồng bà Ng, rồi bà Ng dùng bìa đỏ này thế chấp vay ngân hàng 350 triệu đồng. Quá hạn lâu vợ chồng bà Ng không trả nợ, ngân hàng khởi kiện.

Tháng 5/2016, tòa án xử buộc vợ chồng bà Ng trả cho ngân hàng cả gốc lẫn lãi 614.375.000 đồng. Khi Chi cục Thi hành án dân sự TP Buôn Ma Thuột tiến hành kê biên tài sản thế chấp là lô đất số 283, gia đình Y Kơn-H’Băn mới “té ngửa”, hoảng hồn kêu chưa từng bán tài sản này cho bà Ng, và tìm luật sư nhờ giúp làm đơn tố cáo bà Ng tới nhà chức trách.

Tương tự, là trường hợp vợ chồng Y Gô Byă - H’Djiêu Bdap ở buôn Ea Khit. Ngày 12/10/2012, vợ chồng này đã đưa bìa đỏ ký hiệu B 947690 cho bà Huỳnh Thị Mỹ Ng nhờ vay giúp 18 triệu đồng. Không ngờ bà Ng cũng tự chuyển bìa đỏ đó sang tên mình, dùng nó để vay 150 triệu đồng của ngân hàng rồi... xù.

Kêu cứu, ai nghe?

Đôi vợ chồng Y Truyên Niê - H’Nhin Byă cũng cả tin nên giao bìa đỏ ký hiệu K 316661 cho bà Ng. Do sự cẩu thả của cán bộ làm giấy tờ, mà tên ông Y Truyên có giấy ghi là Y Ty, còn tên bà H’Nhin có giấy ghi là H’ Um. Cũng theo nạn nhân, bà Ng bảo để bà nhờ Công an xác nhận sự nhầm lẫn này với giá 12 triệu đồng, rồi tháng 9/2012 Ng gọi ông bà Y Truyên - H’Nhin ra Văn phòng công chứng Đắk Lắk ký tên, điểm chỉ vào các giấy tờ “vay vốn”. Sau đó, bà Ng hẹn ra quán cà phê, giao cho Y Truyên - H’Nhin 75 triệu đồng, bảo đã vay ngân hàng giùm được 100 triệu nhưng trừ trước 25 triệu tiền lãi, rồi bà Ng “biến mất”.

Chuyện vay trả giữa đôi bên đã xong từ lâu, bất ngờ hơn 5 năm sau, tháng 3/2017 Chi cục Thi hành án dân sự TP Buôn Ma Thuột gọi vợ chồng Y Truyên - H’Nhin đến để làm việc. Tại đó, đôi vợ chồng này mới biết bà Ng đã nhờ một người tên Hồ Thị Kim Anh đứng tên sở hữu giùm bìa đỏ "sang nhượng" từ Y Truyên- H’Nhin, rồi nhờ bà Anh dùng bìa đỏ đó vay ngân hàng 250 triệu đưa cho Mỹ Ng. Món nợ quá hạn, ngân hàng khởi kiện bà Kim Anh. Bà Anh khai chỉ đứng tên giùm, làm ơn mắc oán.

Trước nguy cơ mất trắng mảnh đất là tài sản giá trị lớn nhất của gia đình, cả 3 đôi vợ chồng nhờ luật sư giúp làm đơn tố cáo bà Ng gửi đến Công an tỉnh Đắk Lắk. Sau một thời gian thụ lý hồ sơ, xác minh, cả Cơ quan điều tra lẫn Viện Kiểm sát đều cho rằng đây là giao dịch dân sự chứ không phải là hành vi lừa đảo, nên đã ra quyết định không khởi tố.

Luật sư Phan Ngọc Nhàn chia sẻ: Thương đồng bào chất phác thật thà, đã nghèo khổ còn bị lừa mất gia sản, ông trợ giúp pháp lý miễn phí cho họ, đã 3 lần gửi đơn Kiến nghị xem xét khởi tố vụ án hình sự nhưng không được nhà chức trách hồi âm. Theo luật sư Nhàn, lợi dụng người dân tộc thiểu số không biết chữ, thay vì lập hợp đồng thế chấp để vay tiền giúp họ, bà Ng lại gọi họ ra Công chứng lừa ký vào hợp đồng chuyển nhượng bìa đỏ, lập thủ tục sang tên, thế chấp tài sản này cho ngân hàng để vay số tiền lớn. Cả nợ gốc lẫn lãi mà Ng chiếm đoạt đối với 3 nạn nhân có đơn kêu cứu này hơn 1 tỷ đồng.

Ngoài sự hoài nghi về việc nhà chức trách không khởi tố đối tượng để điều tra cho rõ: có hay không thủ đoạn chiếm đoạt tài sản của dân nghèo không biết chữ, nhiều người còn đặt dấu hỏi vì sao khi bà Huỳnh Thị Mỹ Ng thế chấp bìa đỏ vay tiền, phía Ngân hàng lại cho vay mà không thẩm định ai mới thật sự là chủ sở hữu tài sản?

Hoàng Thiên Nga

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/phap-luat/nguy-co-mat-trang-tai-san-vi-chi-biet-diem-chi-1338827.tpo