Nguy cơ rửa tiền qua vàng: Mua bán phải xuất hóa đơn, tính chuyện cấm thanh toán tiền mặt

Chính phủ yêu cầu NHNN xử lý ngay tình trạng chênh cao giữa trong nước và quốc tế cũng như buôn lậu, đầu cơ, thao túng giá vàng. Còn NHNN Chi nhánh TP.HCM yêu cầu chấp hành nghiêm chế độ hóa đơn, chứng từ trong mua, bán vàng miếng. Đó là những thông tin ngân hàng đáng chú ý tuần qua.

Vàng tăng giá 'điên cuồng', Chính phủ lệnh xử nghiêm đầu cơ, thao túng

Tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 4, Chính phủ đánh giá quản lý thị trường vàng thời gian qua còn bất cập, giá trong nước và quốc tế chênh lệch ở mức cao. Điều này ảnh hưởng tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện kịp thời hơn các giải pháp quản lý và kiểm soát chặt giao dịch thị trường vàng; xử lý ngay tình trạng chênh cao giữa trong nước và quốc tế cũng như buôn lậu, đầu cơ, thao túng giá.

>> Xem thêm: Vàng tăng giá 'điên cuồng', Chính phủ lệnh xử nghiêm đầu cơ, thao túng

Mua, bán vàng miếng phải xuất hóa đơn nhằm chống rửa tiền

Chiều 7/5, NHNN Chi nhánh TP.HCM đã ban hành văn bản gửi đến các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp được phép kinh doanh vàng miếng trên địa bàn TP.HCM.

NHNN Chi nhánh TP.HCM yêu cầu các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp được phép kinh doanh vàng miếng phải chấp hành nghiêm các quy định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng tại Nghị định 24, các thông tư hướng dẫn Nghị định 24, các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

Đồng thời, các doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng và các tổ chức tín dụng phải chấp hành nghiêm chế độ hóa đơn, chứng từ theo quy định của Bộ Tài chính, tuân thủ pháp luật về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố.

>> Xem thêm: Mua, bán vàng miếng phải xuất hóa đơn nhằm chống rửa tiền

Đề xuất hủy thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2% vì mới giải ngân được 3%

Liên quan đến gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng, báo cáo của Chính phủ cho biết, đến hết năm 2023, doanh số hỗ trợ lãi suất đạt khoảng 240.000 tỷ đồng, dư nợ hỗ trợ lãi suất đạt hơn 61.000 tỷ đồng. Số tiền hỗ trợ lãi suất lũy kế từ đầu chương trình đạt khoảng 1.218 tỷ đồng (tương đương khoảng 3,05% tổng quy mô chính sách) cho gần 2.300 khách hàng. Như vậy, còn khoảng 38.782 tỷ đồng thuộc gói hỗ trợ không sử dụng hết.

“Với số vốn không giải ngân hết của chính sách, sau khi kết thúc thời gian giải ngân kế hoạch năm 2022 và năm 2023, trình Quốc hội hủy dự toán, kế hoạch vốn, không huy động nguồn lực, đồng thời không làm tăng bội chi tương ứng với số vốn này”, báo cáo nêu.

Chính phủ cũng báo cáo rõ các nguyên nhân khiến chính sách này có kết quả triển khai thấp. Một trong số đó là tâm lý e ngại thanh tra, kiểm tra, mặc dù có những doanh nghiệp đủ điều kiện.

>> Xem thêm: Đề xuất hủy thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2% vì mới giải ngân được 3%

Ngân hàng tăng hút tiền, đẩy lãi suất tiết kiệm lên 8%/năm

Nhiều ngân hàng tiếp tục tăng lãi suất tiết kiệm trong bối cảnh tín dụng ấm dần và người dân có xu hướng rút tiền ra khỏi ngân hàng. Có nhà băng đã nâng lãi suất tiền gửi lên 8%/năm.

Các ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi trong bối cảnh tín dụng ấm dần lên trong khi người dân dần rút tiền ra khỏi hệ thống ngân hàng. Lãi suất huy động được dự báo tiếp tục tăng từ nay đến cuối năm.

>> Xem thêm: Ngân hàng tăng hút tiền, đẩy lãi suất tiết kiệm lên 8%/năm

Cho vay bất động sản 'cứu' tăng trưởng tín dụng quý I/2024?

Trong quý I/2024, cho vay bất động sản vẫn là lĩnh vực chiếm tỷ trọng cao trong tăng trưởng tín dụng của nhiều ngân hàng bất chấp thị trường còn nhiều khó khăn.

Theo thống kê mới nhất của NHNN, tín dụng cho bất động sản và chứng khoán là hai lĩnh vực tăng trưởng trong 2 tháng đầu năm 2024. Cụ thể, tín dụng bất động sản tăng 0,23% và tín dụng chứng khoán tăng 2,56% so với cuối năm 2023.

Kết thúc quý I/2024, bất chấp tình hình chung còn khó khăn, lĩnh vực bất động sản vẫn đang là “cứu tinh” cho tăng trưởng tín dụng của nhiều ngân hàng.

>> Xem thêm: Cho vay bất động sản 'cứu' tăng trưởng tín dụng quý I/2024?

Bất ngờ ngân hàng có lợi nhuận tăng gấp 70 lần trong quý I/2024

Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVcomBank) vừa công bố báo cáo tài chính riêng lẻ quý I/2024 với kết quả kinh doanh cao ngất ngưởng.

Theo đó, trong quý I/2024, PVcomBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 344 tỷ đồng, gấp gần 70 lần cùng kỳ. Đây là mức tăng trưởng lợi nhuận cao nhất của toàn ngành ngân hàng trong quý I vừa qua.

Ngân hàng này đạt được kết quả khả quan này là nhờ khoản lãi đột biến từ chứng khoán đầu tư cũng như sự phục hồi của thu nhập lãi thuần.

>> Xem thêm: Bất ngờ ngân hàng có lợi nhuận tăng gấp 70 lần trong quý I/2024

Ngân hàng Nhà nước ra tay can thiệp, tỷ giá dần hạ nhiệt

Những tháng đầu năm 2024, tỷ giá USD/VND liên tục tăng nóng. Đáng chú ý, giai đoạn giữa tháng 4/2024, giá USD tại các ngân hàng từng tăng hết biên độ được phép, bất chấp việc NHNN liên tục nâng tỷ giá trung tâm (kéo trần tỷ giá tăng theo).

Gần đây, NHNN đã có nhiều động thái can thiệp nhằm ổn định tỷ giá, đặc biệt là bán ngoại tệ giao ngay và đấu thầu vàng. Tỷ giá USD/VND đã dần hạ nhiệt và được dự báo sẽ giảm từ quý III.

>> Xem thêm: Ngân hàng Nhà nước ra tay can thiệp, tỷ giá dần hạ nhiệt

Thanh toán điện tử qua ngân hàng đạt 40 tỷ USD/ngày

Tại sự kiện Chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2024, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết: “Chủ đề chuyển đổi số năm nay là phát triển kinh tế số với 4 trụ cột công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số - động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

Theo NHNN, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt và hoạt động ngân hàng số trong 3 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm 2023 tiếp tục đạt được những chuyển biến tích cực.

Hạ tầng công nghệ ngân hàng thường xuyên được đầu tư nâng cấp, phát triển, đảm bảo hoạt động liên tục, thông suốt, an toàn; hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng xử lý bình quân 830 nghìn tỷ đồng/ngày (tương đương 40 tỷ USD), hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử xử lý bình quân 20-25 triệu giao dịch/ngày.

>> Xem thêm: Thanh toán điện tử qua ngân hàng đạt 40 tỷ USD/ngày

'Ghế nóng' ngân hàng biến động, sếp lớn dồn dập đến và đi

Mùa đại hội cổ đông (ĐHCĐ) thường niên năm 2024, bên cạnh câu chuyện chia cổ tức với tỷ lệ "khủng", chuyển sàn niêm yết, nợ xấu tăng... thì thông tin biến động nhân sự cấp cao cũng gây chú ý.

Nhiều nhà băng thay đổi nhân sự cấp cao trong mùa ĐHCĐ năm nay. Việc này kỳ vọng mở ra những cơ hội mới, mang tới diện mạo mới cho ngành ngân hàng.

>> Xem thêm: 'Ghế nóng' ngân hàng biến động, sếp lớn dồn dập đến và đi

Rao bán khu nghỉ dưỡng 800 tỷ bỏ hoang tại Côn Đảo để siết nợ

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thông (Agribank) - Chi nhánh Sài Gòn vừa thông báo lựa chọn tổ chức bán đấu giá khoản nợ chưa thanh toán của Công ty TNHH Việt Nga theo hợp đồng tín dụng ký kết vào năm 2011 và năm 2015.

Chủ đầu tư khu nghỉ dưỡng cao cấp Việt Nga ở Bến Đầm, huyện Côn Đảo đang nợ Agribank hơn 370 tỷ đồng. Agribank đưa ra giá khởi điểm dự kiến cho khoản nợ này tương đương giá trị cả gốc và lãi của khoản nợ tính đến ngày 26/4.

>> Xem thêm: Rao bán khu nghỉ dưỡng 800 tỷ bỏ hoang tại Côn Đảo để siết nợ

Sau mùa ĐHCĐ, ngân hàng 'rộn ràng' chia cổ tức tiền mặt và cổ phiếu

Năm nay, cổ đông nhiều nhà băng vui hơn khi được chia cổ tức bằng cổ phiếu và tiền mặt xông xênh hơn so với những năm trước. Chia cổ tức trên dưới 20% là phương án khá phổ biến của nhiều ngân hàng.

Không chỉ chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ cao, số ngân hàng chia cổ tức bằng tiền mặt cũng nhiều hơn so với những năm trước.

Việc nhiều nhà băng ghi nhận lợi nhuận hàng nghìn tỷ đồng trong quý đầu năm và quyết định mạnh tay chia cổ tức được xem là tín hiệu tích cực tác động lên cổ phiếu "vua" vốn dĩ được đánh giá cao so với các nhóm ngành khác trong bối cảnh thị trường hiện nay.

>> Xem thêm: Sau mùa ĐHCĐ, ngân hàng 'rộn ràng' chia cổ tức tiền mặt và cổ phiếu

Minh Anh

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/nguy-co-rua-tien-qua-vang-mua-ban-phai-xuat-hoa-don-tinh-chuyen-cam-thanh-toan-tien-mat-d110621.html