Nguy cơ sạt lở diện rộng ở An Giang, ảnh hưởng đời sống người dân

6 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn tỉnh An Giang xảy ra 16 vụ sạt lở. Dự báo những tháng cuối năm sẽ còn phức tạp, nguy cơ sạt lở diện rộng.

Thời gian gần đây, tình hình sạt lở bờ sông Hậu trên địa bàn tỉnh An Giang đang diễn biến phức tạp, nhiều vị trí sạt lở cách không xa QL91 đe dọa đến con đường giao thông huyết mạch này.

Sạt lở diện rộng

Ngày 24/6, UBND tỉnh An Giang liên tiếp ban hành 2 quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai đối với đoạn sạt lở bờ Tây sông Hậu, đoạn thuộc xã Quốc Thái, huyện An Phú và 2 đoạn sạt lở qua thị trấn Vĩnh Thạnh Trung, xã Vĩnh Thạnh Trung và Bình Mỹ, huyện Châu Phú.

Hiện trường 1 vị trí sạt lở xảy ra trên địa bàn huyện Châu Phú.

Theo đó, tại xã Quốc Thái, đoạn sạt lở có chiều dài khoảng 1.000m, phạm vi từ bến phà Quốc Thái - Phú Hữu về phía hạ lưu. Khu vực sạt lở có khả năng ảnh hưởng đến khoảng 600 hộ dân sinh sống. Trong đó, 116 hộ có khả năng sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp nếu sạt lở mở rộng trong thời gian tới.

Còn tại huyện Châu Phú, 2 đoạn sạt lở có tổng chiều dài khoảng 800m, ảnh hưởng đến 104 hộ dân và 4 cơ sở sản xuất kinh doanh.

Điều đáng quan tâm, những vị trí xảy ra sạt lở này chỉ cách QL91 từ 2-55m. Đây là tuyến đường giao thông huyết mạch, quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, của địa phương.

Ngoài những vị trí này, nhiều địa phương khác cũng có những đoạn có nguy cơ sạt lở cao. Điển hình ngày 2/7, tại khu vực tổ 19, ấp Long Hiệp, xã Long An, thị xã Tân Châu, xảy ra vụ rạn nứt đất với chiều dài 40m, ăn sâu vào đất liền 6m, đe dọa đến cơ sở sản xuất của người dân.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh An Giang, kết quả quan trắc, đo đạt 6 tháng đầu năm cho thấy, toàn tỉnh có 56 đoạn sông cảnh báo nguy cơ sạt lở từ mức độ bình thường đến đặc biệt nguy hiểm với tổng chiều dài khoảng 180.580m.

Trong đó có 6 đoạn được cảnh báo ở mức độ đặc biệt nguy hiểm, 36 đoạn ở mức độ nguy hiểm, 14 đoạn ở mức độ bình thường.

Đối với 6 đoạn có nguy cơ xảy ra sạt lở rất cao và mức độ ảnh hưởng, thiệt hại lớn, cần có giải pháp phòng tránh và hạn chế thiệt hại do sạt lở gây ra.

Cũng theo Sở TN&MT tỉnh An Giang, trong 6 tháng, địa phương đã xảy ra 16 điểm sạt lở, sụt lún, răng nứt đất bờ sông, kênh, rạch, với chiều dài 808m ở các địa phương gồm Tri Tôn, Châu Phú, Chợ Mới, Phú Tân, Thoại Sơn.

Đặc biệt, trên địa bàn huyện Châu Phú xảy ra nhiều đoạn sạt lở nhất và ảnh hưởng đến giao thông của đường lộ nông thôn và nguy cơ ảnh hưởng đến QL 91.

Sạt lở ảnh hưởng nghiêm trọng đến người dân.

Diễn biến sẽ còn phức tạp

Đánh giá nguyên nhân, Sở TN&MT An Giang cho biết, chủ yếu là do diễn biến thời tiết bất thường, tác động của quá trình biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của các đập thủy điện trên sông Mêkong gây thiếu bùn cát bồi lắng. Ngoài ra còn do yếu tố thủy lực, dòng chảy, hình thái dòng sông, cấu trúc địa chất bờ sông, vận động kiến tạo.

Trong khi đó, An Giang nói riêng và ĐBSCL là vùng đất trẻ, nền đất yếu, rất dễ bị xâm thực, bào mòn nhanh. Sự tác động của sông nước, biên độ chênh lệch của đỉnh triều, chân triều và nhiều dòng sông giao nhau làm cho dòng chảy không bình thường, tạo ra dòng chảy xoáy.

Hoạt động phát triển kinh tế - xã hội như ghe tàu, khai thác cát, hoạt động xây dựng, vận tải 2 bên bờ sông... ảnh hưởng rất lớn. Ngoài ra còn do tình hình dân cư phát triển nhanh, tăng mật độ xây dựng nhà ở bê tông kiên cố, xây dựng công trình kho bãi nhà máy, công trình giao thông, chất tải nặng gần bờ sông làm tăng tải trọng vượt khả năng chịu tải của bờ sông.

Việc gia tăng phương tiện giao thông trên bờ, dưới sông gây chấn động và sóng… cũng là những nguyên nhân dẫn đến sạt lở trên địa bàn tỉnh.

"Từ nhận định khí tượng, thủy văn dự báo tình hình khô hạn đến sớm và kéo dài, mưa lớn tập trung vào giai đoạn cuối năm, mực nước trên sông hạ thấp, nước trong đất bị mất cân bằng nên vào đầu mùa mưa, nếu có mưa lớn cục bộ sẽ làm mặt đất thấm nước nhanh. Từ đó làm kết cấu đất mềm, yếu, trong khi mực nước sông còn thấp, dẫn đến sạt lở ở những nơi mái bờ dốc thẳng đứng.

Ngoài ra, dòng chảy bắt đầu mạnh khi nước lũ từ thượng nguồn Mêkong đổ về sẽ gia tăng áp lực bào mòn nhanh vào chân bờ sông, tạo thành hàm ếch rỗng 4 chân ăn sâu vào bờ phía bên dưới, khi đó khối đất sẽ mất mái taluy và khả năng xảy sạt lở, đổ ụp xuống sông là rất cao. Diễn biến sạt lở ngày càng phức tạp”, Sở TN&MT tỉnh An Giang dự báo.

Để hạn chế thiệt hại về người và tài sản do sạt lở đất bờ sông, ông Tô Hoàng Môn, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh An Giang cho biết, trong thời gian tới, Sở tiếp tục phối hợp cùng các địa phương tiếp tục gia tăng thời lượng, tầng suất quan trắc, cảnh báo sạt lở.

Tổ chức cắm biển báo và tuyên truyền vận động nhân dân ý thức phòng tránh sạt lở, hạn chế việc phát sinh nhà ở trên bờ sông kênh rạch.

Đồng thời kiến nghị UBND tỉnh, chỉ đạo UBND cấp huyện rà soát điều chỉnh quy hoạch giao thông, dân cư trên địa bàn đồng bộ, định hướng di dời dân lâu dài, ổn định cuộc sống gắn với mục tiêu phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn huyện. Bên cạnh đó, tiến hành khoanh vùng các khu vực sạt lở, cắm mốc giới hạn hành lang sạt lở nguy hiểm và trên cơ sở đó, tiến hành thống kê và lập kế hoạch di dời ra khỏi khu vực sạt lở.

“Ngoài ra, Sở cũng đề nghị ngành chức năng có liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc khai thác cát sông trái phép, xử lý nghiêm các sai phạm”, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh An Giang cho biết thêm.

Lê An

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/nguy-co-sat-lo-dien-rong-o-an-giang-anh-huong-doi-song-nguoi-dan-d558459.html