Nguy cơ tai nạn giao thông ở các trạm BOT hết hạn thu phí

Từ ngày 3 trạm BOT gồm cầu Đồng Nai, QL1K, QL20 dừng thu phí, diễn biến TNGT phức tạp hơn, đã có 3 vụ tai nạn có người chết.

Sau khi các trạm BOT ở cửa ngõ Đồng Nai, Bình Dương dừng thu phí và chờ chuyển giao quyền sở hữu cho Nhà nước, chủ đầu tư không còn trực tiếp quản lý. Do thiếu nguồn vốn bảo trì nên mặt đường xuống cấp, mất ATGT.

Ô tô đâm vào dải bê tông Trạm thu phí cầu Đồng Nai, lật ngửa bụng ngày 17/6

Đường xuống cấp, mất ATGT

Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có 3 dự án BOT gồm cầu Đồng Nai, QL1K, QL20 đang tạm dừng thu phí. Trước đây theo hợp đồng, nhà đầu tư có trách nhiệm duy tu, bảo dưỡng thường xuyên và định kỳ.

Tuy nhiên, sau khi dừng thu phí, chủ đầu tư các trạm BOT cho rằng đã hết trách nhiệm và trách nhiệm này thuộc đơn vị quản lý Nhà nước. Do thiếu vốn sửa đường nên các tuyến quốc lộ thuộc dự án BOT đang ngày càng xuống cấp.

Ghi nhận của PV, khu vực trạm thu phí QL1K, tình trạng cát đá rơi vãi trên mặt đường diễn ra phổ biến. Vào ban đêm, hệ thống điện chiếu sáng trên tuyến nơi có, nơi không, rất nguy hiểm cho xe cộ lưu thông.

Ông Nguyễn Văn Võ, phường Đông Hòa (Dĩ An, Bình Dương) cho hay, từ ngày trạm BOT dừng hoạt động, nhiều đoạn QL1K xuống cấp, xe tải trọng lớn chạy rầm rập, đất đá rơi vãi, dù công nhân có quét dọn nhưng không xuể.

“Buổi tối đèn đuốc tối thui. Từ đầu tháng 7, đèn điện có được sửa chữa nhưng rất chập chờn. Trong khi tuyến đường này đi qua 3 tỉnh, xe cộ rất đông, thường xuyên xảy ra va chạm và TNGT”, ông Võ bức xúc.

Cùng đó, các nút giao rẽ vào mỏ đá Tân Đông Hiệp, Mỹ Phước - Tân Vạn hiện mặt đường xuống cấp, lồi lõm, đất cát rơi vãi do thiếu người quét dọn. Tại khu vực trạm thu phí QL1K, nhiều xe máy chạy thẳng vào làn ô tô “đua” tốc độ vì không có barie kiểm soát, rất dễ xảy ra va chạm.

Tại trạm thu phí BOT cầu Đồng Nai, mật độ phương tiện rất lớn, ô tô xe máy sau khi đổ dốc cầu Đồng Nai phóng ào ào ra ngã tư Vũng Tàu.

Ông Bùi Văn Tuấn, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Đồng Nai xác nhận đã xảy ra một số vụ TNGT tại trạm thu phí cầu Đồng Nai. Qua khảo sát các tuyến BOT đang dừng thu phí, mặt đường xuống cấp, xuất hiện ổ gà, vạch sơn mòn mờ mất tác dụng.

Vừa qua Sở GTVT tỉnh Đồng Nai đã kiến nghị Tổng cục Đường bộ VN chỉ đạo các đơn vị bảo trì thường xuyên, thực hiện công tác duy tu, tăng cường hệ thống chiếu sáng đèn cảnh báo hoặc tháo dỡ các trạm thu phí này để đảm bảo ATGT.

“Các cơ quan liên quan và chủ đầu tư cần sớm thống nhất việc quyết toán dự án, nếu còn thời gian thu phí thì trong bao lâu, nếu đã hoàn vốn cần sớm có phương án tháo dỡ ngay các trạm này”, ông Tuấn đề xuất.

Nguy cơ không có vốn duy tu, bảo trì

Trạm BOT QL1K đoạn qua phường Hóa An (Biên Hòa) bị trộm cắt trộm dây điện (Chụp sáng 11/7)

Ông Kiều Vũ Hiệp, Phó chi cục trưởng phụ trách Chi cục QLĐB 4.2 (thuộc Cục Quản lý đường bộ IV) cho biết, nhà đầu tư BOT QL1K đã có văn bản gửi Cục, Tổng cục Đường bộ VN về việc tạm ngưng và không chịu trách nhiệm về công tác duy tu, bảo trì mặt đường với lý do “không có quy định trong hợp đồng đã ký” (nhà đầu tư phải duy tu khi dừng thu phí).

Để đảm bảo ATGT, Cục Quản lý đường bộ IV đã giao cho Công ty 676 tạm thời thực hiện việc bảo trì, vệ sinh mặt đường, dặm vá sửa chữa nhỏ. Đối với khu vực trạm thu phí, giao đơn vị bảo trì triển khai bổ sung sơn phản quang, bổ sung hệ thống đèn báo hiệu.

Lý giải về việc tạm dừng công tác bảo trì, đại diện Công ty CP Đầu tư & Xây dựng cầu Đồng Nai (nhà đầu tư BOT) cho rằng: “Sau khi tạm dừng thu phí, do không vay được ngân hàng, buộc công ty phải dừng duy tu. Cuối tháng 6/2021, công tác duy tu, bảo trì được bàn giao về Cục QLĐB IV”.

Ông Trần Lộc, Giám đốc Công ty CP Đầu tư xây dựng công trình 676 (đơn vị được giao phụ trách duy tu tuyến QL1K) cho biết, đến nay sau gần 2 năm, đơn vị đã ứng hơn 3 tỷ đồng, chưa kể tiền điện. Các hạng mục chủ yếu sửa chữa nhỏ các vị trí mặt đường xuống cấp, sơn lại vạch kẻ đường, nút giao.

Về hệ thống điện chiếu sáng chập chờn, ông Lộc cho biết, vừa qua Tổng cục Đường bộ VN, Cục QLĐB IV đã chỉ đạo đơn vị bảo trì sửa chữa lại hệ thống chiếu sáng.

Tuy nhiên, sửa chữa thay thế toàn bộ hệ thống chiếu sáng toàn tuyến kinh phí rất lớn nên đơn vị mới thay thế một số vị trí bóng đèn bị hỏng đoạn qua Bình Dương và mới chỉ đáp ứng được khoảng 50%.

“Vướng mắc lớn nhất đối với Cục và nhà thầu là các dự án này tạm dừng thu phí nhưng do chưa được chuyển đổi sang sở hữu Nhà nước. Đến nay, Cục QLĐB IV chưa thể bố trí vốn ngân sách chi trả cho nhà thầu. Cố gắng lắm chúng tôi cũng chỉ duy trì đến cuối năm nay”, ông Lộc chia sẻ.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Thành, Cục trưởng Cục QLĐB IV cho hay, hiện các dự án BOT đang tạm dừng thu để làm thủ tục quyết toán tài chính. Do đó, hiện tại chưa thể tháo dỡ các trạm này.

Ông Thành cho biết thêm, để đảm bảo ATGT, Cục đã tiếp nhận và giao lại cho các nhà thầu thực hiện công tác bảo quản, bảo dưỡng thường xuyên. Ước tính đến nay kinh phí bảo trì từ khi tiếp nhận 3 dự án tạm dừng thu phí là 17 tỷ đồng.

Trong khi chờ đợi thủ tục xác lập quyền sở hữu Nhà nước, các đơn vị bảo trì phải tạm ứng vốn, nhưng nếu kéo dài sẽ khó khăn, chưa biết xoay xở thế nào. Khi xác lập được quyền sở hữu và chuyển giao tài sản từ nhà đầu tư BOT về cho Nhà nước quản lý công tác bảo trì sẽ được khơi thông.

“Để có kinh phí thực hiện bảo quản 3 dự án nêu trên, đầu tháng 7, Tổng cục Đường bộ VN đã có văn bản đề nghị Bộ GTVT xem xét giao bổ sung dự toán chi năm 2022 cho công tác bảo quản, sửa chữa”, ông Thành cho hay.

Theo Ban ATGT tỉnh Đồng Nai, từ ngày 3 trạm thu phí tạm dừng hoạt động, diễn biến TNGT phức tạp hơn. Điển hình tại trạm BOT cầu Đồng Nai từ ngày dừng hoạt động đến nay đã xảy ra 3 vụ tai nạn có người chết. Tính riêng năm 2021 đã xảy ra 2 vụ.

Vĩnh Phú

Nguồn ATGT: https://www.atgt.vn/nguy-co-tai-nan-giao-thong-o-cac-tram-bot-het-han-thu-phi-d560562.html