Nguy cơ tai nạn lao động rình rập khắp nơi

Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2024 đang được triển khai trên toàn quốc với quyết tâm cải thiện điều kiện lao động, kiểm soát tai nạn lao động (TNLĐ), bảo vệ nguồn nhân lực, hướng tới một nền sản xuất an toàn, có năng suất cao. Dù vậy, không ít nơi vẫn chưa quan tâm thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn và trên thực tế đã xảy ra TNLĐ gây hậu quả thương tâm...

Lơ là công tác an toàn

Ngày 1-5 vừa qua, tại Đồng Nai đã xảy ra vụ TNLĐ nổ bình hơi khiến 6 người tử vong, 5 người bị thương nặng. Theo báo cáo, công ty nơi xảy ra vụ tai nạn thương tâm có lắp một nồi hơi dạng ống nước với công suất hơn 1.000kg/giờ. Quá trình sử dụng, công ty phát hiện có trục trặc về mặt kỹ thuật nên đã liên hệ với đơn vị cung cấp thiết bị đến kiểm tra, bảo trì. Sáng 1-5, trong lúc công nhân kỹ thuật của công ty kiểm tra, vận hành thì nồi hơi phát nổ.

Trước đó không lâu, cuối tháng 4, tại một nhà máy xi măng ở tỉnh Yên Bái cũng xảy ra một vụ tai nạn khiến 7 công nhân đang làm công tác bảo trì máy tử vong. Trên thực tế, công tác an toàn lao động (ATLĐ) tại nhiều nhà máy, công trường vẫn còn rất lỏng lẻo. Đặc biệt, các vụ TNLĐ nghiêm trọng đã nêu xảy ra ngay trong Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2024 càng cho thấy sự lơ là trong tuân thủ các biện pháp ATLĐ trong sản xuất. Trên địa bàn TPHCM, không khó để bắt gặp các tình huống mất ATLĐ tại các công trình xây dựng, nhất là tại các công trình xây dựng nhỏ, nhà dân dụng.

Công nhân làm việc trên giàn giáo được lắp đặt sơ sài, nguy cơ mất an toàn nhưng không được trang bị đồ bảo hộ. Ảnh: HỒNG HẢI

Tại một công trình xây dựng nhà ở trong một con hẻm nhỏ ở quận 4, có 5 công nhân đang làm việc và hầu hết không ai được trang bị đồ bảo hộ lao động. Một công nhân đang đứng trên chiếc thang nhỏ dựa vào tường để hàn thanh sắt ở tầng 1 nhưng không đội nón bảo hộ và cũng không có dây đeo an toàn nào. Tương tự, tại các xưởng cơ khí ở quận 6, quận Bình Tân, người dân dễ dàng bắt gặp cảnh công nhân thực hiện hàn xì với những tia lửa bắn ra ngoài đường mà không có đồ bảo hộ che chắn.

Tai nạn vì chủ quan

TPHCM hiện có trên 220.000 doanh nghiệp, trên 434.000 cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể, với trên 4,6 triệu người làm việc. Năm qua, số vụ TNLĐ chết người giảm so với năm trước, nhưng trên địa bàn TPHCM vẫn xảy ra 703 vụ TNLĐ. Trong 4 tháng đầu năm 2024, ở TPHCM cũng xảy ra 13 vụ TNLĐ làm 13 người chết. Năm 2023, trên địa bàn TPHCM xảy ra 703 vụ TNLĐ, giảm 12,45% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó, số vụ TNLĐ có người chết giảm 45%, số người chết giảm 42,8% và số người bị thương nặng giảm 39,5%. Trong 4 tháng đầu năm 2024, xảy ra 13 vụ TNLĐ làm 13 người chết.

Bà Lượng Thị Tới, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM, cho biết, qua công tác điều tra TNLĐ chết người cho thấy, số vụ TNLĐ nghiêm trọng trong lĩnh vực xây dựng chiếm tỷ lệ cao. Kế đến là trong lĩnh vực sản xuất cấu kiện kim loại, sửa chữa bảo dưỡng máy móc. Nguyên nhân chủ yếu của các vụ TNLĐ là do vi phạm nội quy, quy trình, quy chuẩn, biện pháp làm việc an toàn, không có quy trình an toàn và biện pháp làm việc an toàn, không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân. Không ít vụ TNLĐ xảy ra do yếu tố chủ quan, xem thường công tác an toàn, thiếu biện pháp bảo hộ. Thực tế cũng cho thấy, công tác ATLĐ tại nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức cũng là do công tác quản lý bị buông lỏng, chế tài chưa cao.

Công nhân đứng trên giàn giáo làm việc trên cao nhưng không có nón, giày hay dây bảo hộ. Ảnh: HỒNG HẢI

Ông Trần Lê Huỳnh, kỹ sư một công ty chuyên thi công các công trình, cho hay, công tác ATLĐ tại các đơn vị có vốn đầu tư nước ngoài được thực hiện nghiêm ngặt hơn các công ty tư nhân vốn đầu tư trong nước. Theo ông Huỳnh, để đảm bảo an toàn, khi lắp đặt hay sửa chữa động cơ điện, quy định bắt buộc có một người bảo vệ nguồn tắt mở; khi dựng giàn giáo, bắt buộc phải lắp thang lên giàn giáo; khi hàn, bắt buộc quây bạt chống cháy xung quanh cùng thiết bị chữa cháy sẵn sàng; đến dùng dao rọc giấy cũng bắt buộc dùng loại dao mà khi buông tay, lưỡi dao phải tự động thu vào chuôi.

Để đảm bảo ATLĐ, bà Lượng Thị Tới thông tin, Sở LĐTB-XH TPHCM sẽ tiếp tục tổ chức thực hiện một số giải pháp trọng tâm nhằm nâng cao nhận thức của các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp và người lao động trong việc đảm bảo ATLĐ, đảm bảo sức khỏe cho người lao động trong quá trình làm việc. Ngoài tăng cường thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn các quy định pháp luật về an toàn vệ sinh lao động, Sở LĐTB-XH cũng tăng cường kiểm soát và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức huấn luyện về an toàn vệ sinh lao động, chú trọng huấn luyện thực hành, kỹ năng làm việc an toàn cho người lao động để phòng ngừa TNLĐ, bệnh nghề nghiệp. Ngoài ra, chủ động tăng cường rà soát, kiểm tra các lĩnh vực có nhiều nguy cơ mất ATLĐ, đặc biệt là các lĩnh vực có nhiều nguy cơ xảy ra TNLĐ.

Thời gian tới, Sở LĐTB-XH TPHCM sẽ chủ động kiểm soát và nhận diện, đánh giá các nguy cơ mất an toàn vệ sinh lao động, đặc biệt là trong các nhóm ngành, nghề, công việc có tiềm ẩn rủi ro cao như: làm việc trên cao, hàn cắt kim loại, làm việc trong không gian hạn chế, trong xây dựng, khai khoáng, trong sử dụng điện, thiết bị áp lực, hóa chất, thiết bị nâng, thang máy…; sử dụng các máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động

HỒNG HẢI - NGÔ BÌNH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nguy-co-tai-nan-lao-dong-rinh-rap-khap-noi-post738124.html