Nguy cơ tấn công nhà máy hạt nhân tại châu Âu

Cuộc diễn tập chống khủng bố nhằm vào nhà máy hạt nhân của cảnh sát và binh sĩ Cộng hòa Czech hôm 20-9 khiến dư luận và giới chuyên môn cho rằng, phải chăng 'lục địa già' đang đứng trước nguy cơ từng được cảnh báo trước đây.

Theo người đứng đầu Bộ chỉ huy quân sự khu vực Jihlava cho biết, binh sĩ và cảnh sát Czech đã tiến hành cuộc diễn tập chung nhằm đối phó với tình huống giả định xảy ra 2 cuộc tấn công khủng bố nhằm vào Nhà máy Ðiện hạt nhân Dukovany.

Mục tiêu của cuộc diễn tập với sự tham dự của 235 cảnh sát và binh sĩ cùng nhân viên cứu hỏa của khu vực Jihlava là bảo vệ an toàn xung quanh Nhà máy Ðiện hạt nhân Dukovany (hoạt động từ năm 1985).

Cảnh sát Czech diễn tập chống khủng bố nhằm vào nhà máy hạt nhân.

Phát biểu tại cuộc diễn tập, Cảnh sát trưởng khu vực Jihlava Milos Trojanek cảnh báo, không thể đánh giá thấp mối đe dọa từ các cuộc tấn công khủng bố. Đồng thời nhấn mạnh, an ninh của nhà máy hạt nhân cùng môi trường xung quanh là một trong những ưu tiên của nước này. Theo kịch bản, chuyên gia xử lý bom phải vô hiệu hóa khối chất nổ tương đương 1kg thuốc nổ TNT.

Trực thăng chiến đấu Mi-24 cũng được huy động để bảo vệ Nhà máy Ðiện hạt nhân Dukovany. Giới truyền thông cho biết, trong 4 năm qua (2014-2018), Cộng hòa Czech đã tiến hành nhiều cuộc diễn tập bảo vệ Nhà máy Ðiện hạt nhân Dukovany và nhà máy điện hạt nhân ở Temelin, phía Nam vùng Bohemia.

Trước cuộc diễn tập của Cộng hòa Czech, cơ quan chức năng Anh từng cảnh báo, các nhà máy điện hạt nhân tại xứ sở sương mù cần siết chặt an ninh, đề phòng nguy cơ bị tấn công khủng bố.

Theo cảnh báo từ cơ quan tình báo và an ninh Anh, có dấu hiệu tin tặc tìm cách tấn công vào những lỗ hổng an ninh mạng của các nhà máy điện hạt nhân của nước này. Do đó, 15 nhà máy điện hạt nhân (cung cấp 1/5 tổng điện năng tiêu thụ cả nước) đang hoạt động ở Anh có thể trong tầm ngắm của chúng.

Tờ The Independent cũng từng dẫn báo cáo của Nhóm Nghiên cứu Oxford cho rằng, máy bay không người lái được điều khiển từ xa có thể trở thành công cụ để bọn khủng bố tấn công nhà máy điện hạt nhân.

Cảnh báo này được đưa ra sau khi họ nghiên cứu hơn 200 thiết bị bay có điều khiển từ xa, và đã kiến nghị các cơ quan chức năng phải có ngay biện pháp phòng ngừa để giảm thiểu nguy cơ này. Giới truyền thông cho biết, từ năm 2005, mỗi nhà máy điện hạt nhân ở Anh đều được lực lượng vũ trang bảo vệ, đó là Cảnh sát Hạt nhân Dân sự.

Theo trang Local.se, lực lượng bảo vệ 3 nhà máy điện hạt nhân của Thụy Điển (10 lò phản ứng hạt nhân ở Oskarshamn, Ringhals và Forsmark) được trang bị vũ khí kể từ ngày 4-2-2017, theo động thái tăng cường an ninh trước các nguy cơ khủng bố.

“Cứ nhìn vào những vụ tấn công khủng bố như trường hợp Istanbul, khiến chúng tôi phải thay đổi và bảo vệ các cơ sở tôi một cách tốt nhất. Chúng tôi phải tăng cường gia cố sự bảo vệ khu vực trong lúc tình hình thế giới đang thay đổi”, ông Anders Osterberg, người phát ngôn của Tập đoàn hạt nhân OKG ở Oskarshamn cho biết.

Cảnh sát Anh được trang bị vũ khí tấn công hạng nặng để bảo vệ nhà máy hạt nhân.

Trước đó, các đơn vị bảo vệ tại Oskarshamn chỉ được trang bị dùi cui, nhưng nay họ được cấp súng. Hơn 2 năm trước (9-9-2016), người phát ngôn Bộ Nội vụ Bỉ Jan Jambon cho biết, từ đầu năm 2017, hai nhà máy năng lượng hạt nhân của nước này sẽ được bảo vệ bởi 1 đơn vị chống khủng bố có vũ trang đặc biệt.

Lực lượng này gồm 1.660 sỹ quan cảnh sát vũ trang được tăng cường cho dù các nhà máy hạt nhân ở Bỉ từng được bảo vệ bởi 140 nhân viên quân sự. Việc này diễn ra sau khi tờ Dernier Heure đưa tin (24-3-2016), những kẻ gây ra các vụ đánh bom khủng bố ở Brussels, đã lên kế hoạch tấn công các nhà máy điện hạt nhân ở nước này.

Pháp từng cảnh báo âm mưu tấn công khủng bố nhắm vào các nhà máy điện hạt nhân của nước này, thời điểm Bộ Nội vụ tuyên bố siết chặt luật chống khủng bố hồi tháng 7-2014. Việc này diễn ra sau khi cảnh sát Pháp phát hiện những tin nhắn được mã hóa được biết với tên gọi Ali M, và Ali M được đề nghị tấn công các nhà máy điện hạt nhân, tấn công máy bay đang cất cánh và các địa điểm nổi tiếng ở Pháp, bao gồm tháp Eiffel và Bảo tàng Louvre ở thủ đô Paris.

Hơn 1,5 năm trước (9-2-2017), Nhà máy Ðiện hạt nhân Flamanville nằm trên bán đảo Cotentin tại La Manche, đã bị nổ khiến nhiều người phải điều trị ngạt khói. Khi đó, cảnh sát trưởng khu vực Olivier Marmion cho biết, đây là sự cố kỹ thuật nghiêm trọng, nhưng không phải là vụ tai nạn hạt nhân bởi vụ nổ xảy ra ngoài khu vực hạt nhân.

Các quan chức cũng xác nhận, không có rò rỉ phóng xạ sau sự cố kể trên. Tuy đây không phải là vụ tấn công khủng bố, nhưng nhiều người vẫn quan ngại về kế hoạch xây lò phản ứng hạt nhân mới ở đây, với chi phí khoảng 10,5 tỷ USD.

Khắc Tuấn

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/ho-so-interpol-cstc/nguy-co-tan-cong-nha-may-hat-nhan-tai-chau-au-512536/