Nguy cơ tiềm ẩn khi dắt 'thú cưng' đi dạo

Đã từ lâu, một bộ phận người dân tại các đô thị có thói quen hễ cứ đi công viên vui chơi, luyện tập thể thao là dẫn chó đi theo. Đáng nói, loại 'thú cưng' này phần lớn được chủ phương tiện dắt chạy theo khi đang điều khiển xe hoặc cho ngồi vắt vẻo trên yên… Việc làm này tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn giao thông.

Từ lâu, loài chó luôn được xem là vật nuôi truyền thống, rất gần gũi với con người. Ngoài việc có tình cảm gắn bó với gia chủ, nuôi để làm cảnh những “thú cưng” này còn mang trọng trách trông coi tài sản. Tuy nhiên, những quy định của pháp luật về chăn nuôi chó vẫn chưa được mọi người quan tâm đúng mức.

Theo ghi nhận thực tế trên trục đường Lê Quang Đạo (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) thời điểm cuối mỗi buổi chiều có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh người tham gia giao thông vừa điều khiển xe vừa dắt chó chạy theo. Nguy hiểm ở chỗ, có không ít “thú cưng” có hình dáng to lớn, dữ tợn nhưng không được đeo rọ mõm, khi bị kích động sẵn sàng lao vào chỗ đông người kéo theo cả chủ cùng chiếc xe.

Ngoài ra, những con vật nuôi này thường khá thấp so với tầm nhìn của người đi đường. Do vậy, khi chúng đột ngột lao xuống đường hoặc bất ngờ chuyển hướng sẽ khiến người tham gia giao thông trở tay không kịp.

Khách quan nhìn nhận, hành vi dắt ‘thú cưng’ đi dạo khi tham gia giao thông là trái với các quy định của pháp luật và hiện hệ thống hành lang pháp lý để xử lý vấn đề liên quan đã khá cụ thể. Cụ thể, Nghị định 171/2013/NĐ-CP đã quy định khá rõ như phạt tiền từ 200.000-400.000 đồng đối với một trong các hành vi: Người điều khiển xe hoặc người ngồi trên xe bám, kéo, đẩy xe khác, vật khác, dẫn dắt súc vật; điều khiển xe kéo theo xe khác, vật khác. Phạt tiền từ 80.000-100.000 đồng đối với hành vi dắt súc vật chạy theo khi đang điều khiển hoặc ngồi trên phương tiện giao thông đường bộ.

Dắt thú cưng khi tham gia giao thông tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ra tai nạn cho chính người điều khiển phương tiện và những người xung quanh. Ảnh: Đinh Luyện

Dắt thú cưng khi tham gia giao thông tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ra tai nạn cho chính người điều khiển phương tiện và những người xung quanh. Ảnh: Đinh Luyện

Ngoài ra, Điều 625 Bộ luật dân sự ghi rõ, chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác. Do vậy, nạn nhân có thể yêu cầu chủ sở hữu súc vật gây thiệt hại phải bồi thường tài sản bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng, lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản, chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe…

Bên cạnh đó, Thông tư số 07/2016 của Bộ NN-PTNT, tại Điều 2 Phụ lục 15 có quy định đối với chủ vật nuôi: Phải đăng ký việc nuôi chó với Ủy ban nhân dân cấp xã tại các đô thị, nơi đông dân cư; xích, nhốt hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình; bảo đảm vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng xấu tới người xung quanh. Khi đưa chó ra nơi công cộng phải bảo đảm an toàn cho người xung quanh bằng cách đeo rọ mõm cho chó hoặc xích giữ chó và có người dắt...

Như vậy, hành vi cho vật nuôi ngồi trên xe không chằng, buộc hay vừa điều khiển xe vừa dắt theo vật nuôi khi tham gia giao thông là vi phạm pháp luật. Để tránh xảy ra những tai nạn đáng tiếc, cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm hành vi này. Bên cạnh đó, chủ vật nuôi nên tự giác tuân thủ quy định nhằm đảm bảo an toàn cho bản thân mình và những người xung quanh.

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/nguy-co-tiem-an-khi-dat-thu-cung-di-dao-91727.html