Nguy cơ từ nợ

Năm ngoái, Chính phủ Sri Lanka buộc phải cho các công ty thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc thuê cảng biển nằm ở vị trí chiến lược tại thị trấn Hambantota trong 99 năm sau khi không thể trả được khoản vay hơn 1 tỷ USD để phát triển nó. Giờ đây, Djibouti, nơi đặt căn cứ chính của quân đội Mỹ ở châu Phi, có thể sắp phải làm điều tương tự với một cảng quan trọng khác. Các kịch bản như vậy đang diễn ra khiến những nước muốn tiếp cận khoản vay hạ tầng của Trung Quốc phải e dè nguy cơ 'ngoại giao bẫy nợ'.

Cảng DP world Djibouti. Nguồn: Internet

Từ gánh nặng lên kinh tế…

Cuối tháng 2 vừa qua, Chính phủ Djibouti đã chấm dứt hợp đồng điều hành cảng Container Doraleh (DCT) với nhà khai thác cảng DP World có trụ sở tại Dubai, Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất. Lý do mà Chính phủ Djibouti đưa ra là việc này đi ngược lại các lợi ích cơ bản của đất nước. DCT nằm ngay cạnh căn cứ quân sự duy nhất của Trung Quốc ở nước ngoài.

Đây cũng là cảng chính để tiếp cận các căn cứ của Mỹ, Pháp, Italy và Nhật Bản ở Djibouti, trong đó, căn cứ Lemonnier của Mỹ đang có khoảng 4.000 người, bao gồm binh lính của một số lực lượng đặc nhiệm. Đây cũng là nơi được Mỹ sử dụng để tiến hành nhiều chiến dịch quân sự và chống khủng bố trên khắp châu Phi, Trung Đông và Ấn Độ Dương.

Việc Chính phủ Djibouti đột ngột giành lại quyền kiểm soát cảng biển thuộc tầm lớn nhất châu Phi này đã dấy lên những đồn đoán cho rằng nó có thể rơi vào tay người Trung Quốc. Hiện nay, Công ty nhà nước Trung Quốc China Merchants Port sở hữu đến 23,5% cổ phần tại cảng trên. Ngay cả khi quan chức Djibouti khẳng định không có chuyện như thế, nỗi lo của Washington không phải không có cơ sở, bởi quốc gia châu Phi này đang phụ thuộc nhiều vào tiền đầu tư của Trung Quốc và 2 nước có quan hệ ngoại giao gần gũi.

Chính phủ Djibouti do Tổng thống Ismail Omar Guelleh đứng đầu luôn hoan nghênh nguồn vốn từ Trung Quốc. Lý do cũng bởi quốc gia châu Phi này nghèo về nguồn tài nguyên thiên nhiên và sự phát triển phụ thuộc vào việc tối đa hóa lợi thế về vị trí. Theo thống kê do Trung tâm Chính sách phát triển toàn cầu công bố hồi đầu năm, Trung Quốc đã cung cấp cho Djibouti hơn 1,4 tỷ USD để phát triển hạ tầng, tương đương 75% GDP của nước Đông Phi này. Bên cạnh đầu tư vào DCT, các công ty nhà nước của Trung Quốc còn đầu tư vào các lĩnh vực như nước và đường sắt kết nối Djibouti với Ethiopia.

Trong bối cảnh Trung Quốc hồi đầu tháng 8.2017 vừa vận hành một căn cứ hậu cần tại Djibouti với quy mô lên đến 10.000 người nhằm phục vụ cho các tàu chiến của Bắc Kinh tại vịnh Aden và những khu vực lân cận, giới chức Mỹ không khỏi lo ngại Trung Quốc đang tìm cách mở rộng ảnh hưởng và hiện diện quân sự tại khu vực.

Còn ở Sri Lanka, người dân vẫn bức xúc về vụ cảng Hambantota nói trên và những dự án như sân bay quốc tế Mattala, được mệnh danh là sân bay “vắng vẻ nhất thế giới”. Theo tính toán, Sri Lanka đang mắc nợ tổng cộng 64,9 tỷ USD, trong đó nợ Trung Quốc khoảng 8 tỷ USD.

… đến những nhượng bộ lợi ích

Theo trang Quartz, một số chuyên gia thậm chí gọi đây là “ngoại giao bẫy nợ”: Cho các nền kinh tế nhỏ vay lãi suất ưu đãi để phát triển hạ tầng nhưng nguy cơ vỡ nợ không nhỏ nếu không có đủ tiền mặt để trả lãi.

Phát biểu tại Ethiopia trong chuyến công du châu Phi tuần trước, ông Rex Tillerson khi đó còn là Ngoại trưởng Mỹ đã lên tiếng cảnh báo về các điều khoản đi kèm trong làn sóng đầu tư của Trung Quốc vào châu Phi. “Chúng tôi không tìm cách để đẩy những khoản đầu tư của Trung Quốc khỏi châu Phi. Các nước này đều cần những khoản đầu tư đó. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng các nước châu Phi cần cẩn thận xem xét các điều khoản”, ông Tillersons nói.

Theo ông Tillersons, các điều khoản đó dẫn tới những thỏa thuận mà công nhân Trung Quốc chứ không phải người châu Phi mới được nhận được vào làm việc tại các công trường xây dựng. Giới chức Mỹ cũng cho rằng việc các công ty Trung Quốc không tuân thủ luật chống hối lộ, khiến nạn tham nhũng ở châu Phi càng trở nên nghiêm trọng hơn. Và khi một nước nào đó lâm vào khó khăn về tài chính, họ có thể phải nhượng bộ những lợi ích về cơ sở hạ tầng cho bên “chủ nợ”.

Câu chuyện nói trên gây không ít lo ngại giữa lúc Trung Quốc không ngừng quảng bá sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BOI). Với Bắc Kinh, đó là tham vọng trở thành lãnh đạo thương mại toàn cầu trong lúc các nền kinh tế đang phát triển có vốn cải thiện hạ tầng giao thông.

Tuy nhiên, Trung Quốc đang đối mặt chỉ trích ngày càng tăng về những đòi hỏi chiến lược và chủ quyền khi những dự án phát triển mà nước này đầu tư không mang lại hiệu quả như kỳ vọng khiến nước vay nợ không thể trả được nợ. Ông Malcolm Davis, nhà phân tích tại Viện Chính sách chiến lược Australia, mô tả thỏa thuận Hambantota là một phần của bức tranh rộng lớn hơn và một nước phụ thuộc nhiều vào tiền đầu tư của Trung Quốc khó có thể đi ngược lại những lợi ích chiến lược của họ.

Trung tâm Phát triển Toàn cầu (CGD) đã phân tích những khoản nợ mà các nước sẽ mắc phải khi tham gia sáng kiến nói trên. Trong số đó, 8 quốc gia có nguy cơ cao bị tổn thương trước những khoản nợ là Djibouti, Kyrgyzstan, Lào, Maldives, Mông Cổ, Montenegro, Pakistan và Tadjikistan. CGD cho biết không ước tính khoản nợ này ảnh hưởng như thế nào đến tăng trưởng nhưng họ tin rằng sức ép của nợ nần có thể cản trở đà phát triển kinh tế của các nước này.

Trong quá khứ, Trung Quốc có những cách xử lý nợ không nhất quán và ít khi theo thông lệ của nhà cho vay quốc tế. Đôi khi Bắc Kinh chịu xóa nợ nhưng cũng có lúc đòi hỏi nước vay nợ phải “gán nợ” bằng những nhượng bộ về tranh chấp lãnh thổ hoặc kiểm soát cơ sở hạ tầng.

Vì thế, CGD cho rằng Trung Quốc cần phải áp dụng tiêu chuẩn nghiêm ngặt, cũng như minh bạch hơn về sự hỗ trợ dành cho các nền kinh tế đang phát triển. Một số quốc gia đã tự chọn hướng đi cho mình. Chẳng hạn như Pakistan và Nepal đã từ chối các khoản vay hạ tầng của Trung Quốc năm ngoái để chuyển sang dùng nguồn tài trợ khác.

Theo Quốc Đạt/daibieunhandan.vn

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-quoc-te/nhan-dinh-du-bao/nguy-co-tu-no-137892.html