Nguy cơ từ ổ dịch nhóm tôn giáo ở Gò Vấp vẫn rất cao

'Chúng tôi đánh giá cơ bản đã biết mức độ phát tán của 'ổ dịch'. Nhưng còn nguy cơ rất cao vì không biết còn thành viên nào của nhóm này chưa được phát hiện', Giám đốc Sở Y tế nói.

Chiều 2/6, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam có cuộc làm việc với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các tỉnh, thành, trong đó có TP.HCM.

Báo cáo tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết ngày 1/6, tính từ 6h đến 18h, thành phố ghi nhận 43 ca F0. Ông đánh giá số liệu này cho thấy mức độ lây nhiễm đã chững lại, chưa gia tăng. Cụ thể, liên tiếp 5 ngày, TP.HCM phát hiện khoảng 240 ca nhiễm, trung bình 50 ca mỗi ngày.

Tầm soát mở rộng 145 nhóm tôn giáo

Ông Bỉnh cho biết hiện ngành y tế đang truy lùng thêm thành viên của nhóm sinh hoạt tôn giáo tại Gò Vấp để tránh bỏ sót. Theo báo cáo của Sở Nội vụ và Ban tôn giáo, thành phố có 145 điểm, nhóm sinh hoạt tôn giáo giống nhóm truyền giáo này, rải rác trong thành phố. Ông Bỉnh cho biết sẽ tầm soát mở rộng với trọng điểm là 145 nhóm tôn giáo này.

"Với tình hình như vậy, trước mắt chúng tôi đánh giá cơ bản đã biết mức độ phát tán của 'ổ dịch'. Nhưng còn nguy cơ rất cao vì chưa chắc chắn, chưa loại trừ được còn thành viên nào của nhóm này chưa được phát hiện, cũng như các thành viên có mối quan hệ với các nhóm truyền giáo khác không", ông Bỉnh phân tích.

Theo Giám đốc Sở Y tế, Long An đã phát hiện một ca nhiễm liên quan đến đầu bếp khách sạn Sheraton (bệnh nhân tại quận 1). Người này đi lại hàng ngày giữa Long An và TP.HCM. Đặc biệt, bệnh nhân liên quan đến một nhà thờ ở Long An. Sáng 2/6, Long An đã thực hiện Chỉ thị 15 ở 5 huyện giáp TP.HCM.

 Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh báo cáo với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam. Ảnh: Thu Hằng.

Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh báo cáo với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam. Ảnh: Thu Hằng.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đặt câu hỏi về nguồn gốc ca nhiễm tại Long An. Ông Bỉnh khẳng định bệnh nhân này thuộc chuỗi lây nhiễm của nhóm sinh hoạt tôn giáo tại Gò Vấp. Ngoài ra, Long An cũng đang có một ca bệnh khác liên quan chùm bệnh tại trường Kidtown, TP.HCM (nhánh ca bệnh thuộc nhóm truyền giáo).

Bên cạnh đó, ông Đam bày tỏ sự lo lắng về việc kiểm soát dịch bệnh tại khu công nghiệp. Phó thủ tướng nhận định nếu dịch lây lan tại khu vực này thì "bài toán rất khác".

Báo cáo tình hình, ông Bỉnh cho biết thành phố ghi nhận ca nhiễm tại 3 khu công nghiệp.

Thứ nhất, Công viên phần mềm Quang Trung có 4 trường hợp trên 400 nhân viên. Thứ hai, Khu công nghiệp ở Vĩnh Lộc có một F0 là nhân viên phục vụ căn tin, hiện các F1 trong 400 công nhân tại đây đều âm tính. Thứ ba là Công ty TNHH phát triển giải pháp tầm nhìn IDS. 9/11 nhân viên của công ty này dương tính với nCoV.

Đại diện Sở Y tế cho biết trước hết đã quản lý các ca xác định nguồn gốc. Tuy nhiên, ông cho biết vẫn có thể có trường hợp khác lây lan ngoài khu công nghiệp.

Thử nghiệm robot gọi điện tự động

Trao đổi với TP.HCM, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định việc tầm soát phải theo 3 hướng: Đuổi theo ca, tầm soát khu nguy hiểm, và khu vực có tính toán.

Ông gợi ý triển khai hỏi thăm sức khỏe y tế người dân bằng robot. Một mặt để hỏi triệu chứng người dân, mặt khác là tuyên truyền cho dân chủ động khai báo y tế.

"Công nghệ đang thử làm ở Bắc Ninh, Bắc Giang và thấy được rồi", Phó thủ tướng Vũ Đức Đam thông tin.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức tiếp thu ý kiến của Phó thủ tướng. Ảnh: Thu Hằng.

Qua đó, Phó thủ tướng cho biết phương pháp này sẽ lấy toàn bộ dữ liệu người dân TP.HCM, phân nhóm ra những khu vực nguy hiểm, rồi tiến hành gọi bằng robot để hỏi thăm triệu chứng người dân.

Ông Vũ Đức Đam đề xuất TP.HCM tham khảo cách làm này và trực tiếp giao Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy hỗ trợ TP.HCM triển khai phương pháp tầm soát nhanh này.

Cuối cùng, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đặc biệt lưu ý về kiểm soát dịch bệnh ở khu công nghiệp.

Tiếp thu ý kiến của Phó thủ tướng, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu cách làm robot gọi điện. Ngoài ra, thành phố cũng đang khẩn trương tiến hành các biện pháp phòng chống dịch cần thiết.

Theo công bố của Bộ Y tế, tính từ ngày 27/4 đến 6h sáng 2/6, tổng số ca bệnh tại TP.HCM là 227 người. Tất cả liên quan nhóm sinh hoạt tôn giáo ở Gò Vấp. 20/22 quận, huyện của thành phố ghi nhận ca bệnh.

Sáng 2/6, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) ghi nhận thêm 23 ca nhiễm SARS-CoV-2 (chờ Bộ Y tế công bố), trong đó 18 ca liên quan ổ dịch Hội thánh truyền giáo Phục Hưng.

Từ 0h ngày 31/5, quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12) thực hiện Chỉ thị 16; đồng thời, TP.HCM giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 và nâng cao một số biện pháp.

Chốt kiểm soát ở Gò Vấp thông thoáng sau 2 ngày ùn tắc Sáng 2/6, các chốt kiểm soát dịch ở quận Gò Vấp thông thoáng. Người dân di chuyển dễ dàng vào giờ cao điểm, không còn cảnh ùn tắc kéo dài hàng km.

Thu Hằng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nguy-co-tu-o-dich-nhom-ton-giao-o-go-vap-van-rat-cao-post1222414.html