Nguy cơ từ sự can thiệp

Hàng loạt cuộc điện đàm, gặp song phương giữa lãnh đạo và quan chức cấp cao Mỹ, Pháp, Nga cùng một số nước khác, các cuộc họp của Liên hợp quốc (LHQ), Liên đoàn A-rập (AL) đã được xúc tiến trong thời gian qua nhằm tìm giải pháp hạ nhiệt căng thẳng mới tại Li-bi. Sau khi Ai Cập cảnh báo can thiệp quân sự trực tiếp vào Li-bi nhằm đáp trả việc Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn mạnh mẽ lực lượng Chính phủ đoàn kết dân tộc (GNA) trong các cuộc tiến công Quân đội quốc gia tự xưng (LNA) ở Li-bi, cộng đồng quốc tế kêu gọi nối lại đàm phán nhằm ngăn chặn nguy cơ vòng xoáy bạo lực tàn khốc nổ ra ở quốc gia Bắc Phi này.

Tình hình căng thẳng ở Li-bi leo thang đặc biệt nghiêm trọng khi xung đột giữa các lực lượng GNA và LNA của Tướng K.Háp-ta gây ra các cuộc thảm sát đẫm máu. Hội đồng Nhân quyền LHQ đã thông qua nghị quyết yêu cầu Cao ủy nhân quyền LHQ cử một phái đoàn tìm kiếm sự thật đến Li-bi để điều tra các vi phạm xảy ra ở nước này, sau khi các công tố viên của Tòa án hình sự quốc tế (ICC) cho rằng, các ngôi mộ tập thể vừa được phát hiện ở Li-bi mới đây có thể cấu thành tội ác chiến tranh. LHQ lên án mạnh mẽ mọi hành vi bạo lực ở Li-bi, bày tỏ lo ngại về nguy cơ xảy ra thảm họa nhân đạo tồi tệ .

Trong khi đó, nhiều nước cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ không quân, vũ khí và đưa các tay súng đồng minh từ Xy-ri sang Li-bi tham chiến nhằm hậu thuẫn lực lượng GNA trong cuộc chiến chống LNA. Những tuần gần đây, nhờ sự hỗ trợ của Thổ Nhĩ Kỳ, GNA, vốn được LHQ công nhận và có trụ sở tại thủ đô Tơ-ri-pô-li, đã giành nhiều bước tiến quân sự trước các lực lượng trung thành với Tướng K.Háp-ta. Trong khi đó, cuộc đàm phán giữa hai bên xung đột ở Li-bi vừa mới khởi động đã bị đứt quãng bởi giao tranh tiếp diễn.

Căng thẳng gia tăng sau khi Tổng thống Ai Cập A.Xi-xi tuyên bố, những bước tiến gần đây của lực lượng GNA có thể khiến quân đội Ai Cập phải can thiệp quân sự tại quốc gia láng giềng. Nhấn mạnh mối đe dọa từ các lực lượng được nước ngoài hậu thuẫn ở Li-bi đối với an ninh Ai Cập, Tổng thống A.Xi-xi khẳng định, khu vực Xơ-tê - Giu-phra của Li-bi, nơi đang diễn ra các cuộc giao tranh ác liệt, là "ranh giới đỏ" đối với Ai Cập. Nhà lãnh đạo Ai Cập cũng nêu rõ mục đích của việc can thiệp này là bảo vệ đường biên giới phía tây dài 1.200 km. Ông nhấn mạnh, Ai Cập luôn do dự trong việc can thiệp vào Li-bi và mong muốn một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột tại đây, song tình hình đã thay đổi. Tổng thống A.Xi-xi cho rằng, nếu người dân Li-bi đề nghị Ai Cập can thiệp, đây là tín hiệu cho thế giới thấy hai nước có cùng chung lợi ích, an ninh và sự ổn định.

Trước những diễn biến "nóng" đầy phức tạp ở Li-bi, AL thông báo kế hoạch tổ chức cuộc họp khẩn trực tuyến với sự tham gia của bộ trưởng ngoại giao các nước thành viên nhằm thảo luận về tình hình Li-bi. Tuy nhiên, GNA tuyên bố không tham gia các cuộc đàm phán của các nước thành viên AL vì cho rằng có thể "khoét sâu thêm những rạn nứt" giữa các nước A-rập về cuộc xung đột vũ trang tại Li-bi. Trong khi đó, Thủ tướng GNA mới đây tiếp phái đoàn cấp cao Thổ Nhĩ Kỳ ở thủ đô Tơ-ri-pô-li để thảo luận về tăng cường hợp tác song phương, bất chấp việc An-ca-ra hậu thuẫn Tơ-ri-pô-li bị quốc tế chỉ trích mạnh mẽ. Tổng thống Pháp gọi động thái của Thổ Nhĩ Kỳ ở Li-bi hiện nay là "trò chơi nguy hiểm", đồng thời cảnh báo Pa-ri sẽ không để yên cho An-ca-ra can thiệp vào Li-bi.

Tình hình Li-bi "rối như canh hẹ" bởi hai bên xung đột ở quốc gia Bắc Phi này nhận sự hậu thuẫn từ các nước khác nhau. Nga lên tiếng kêu gọi Mỹ gây ảnh hưởng đối với các bên đối địch ở Li-bi nhằm giúp khởi động tiến trình hòa bình. Tổng thống Mỹ Ð.Trăm và người đồng cấp Pháp E.Ma-crông đã điện đàm nhất trí yêu cầu tất cả các bên phải dừng ngay lập tức hành động leo thang quân sự để ngăn cuộc xung đột Li-bi trở nên nghiêm trọng và khó giải quyết hơn. Tướng X.Thao-xen, người đứng đầu Bộ Tư lệnh châu Phi của quân đội Mỹ (AFRICOM) và Ðại sứ Mỹ tại Li-bi R.Na-lan đã gặp Thủ tướng GNA Ph.Xa-rai để thảo luận về giải pháp chấm dứt những hành động thù địch ở quốc gia Bắc Phi. Hai bên đã thảo luận về vấn đề hợp tác chung giữa GNA và AFRICOM trong cuộc chiến chống khủng bố theo khuôn khổ hợp tác chiến lược giữa Tơ-ri-pô-li và Oa-sinh-tơn. Mỹ tuyên bố ủng hộ biện pháp ngoại giao thông qua sự bảo trợ của LHQ nhằm thúc đẩy một lệnh ngừng bắn và đối thoại chính trị tại Li-bi.

Các điểm nóng giao tranh ở Li-bi đã dập tắt tia hy vọng mới nhen nhóm về một cuộc đàm phán quân sự diễn ra trung tuần tháng 6 vừa qua. Sự can thiệp từ bên ngoài vào Li-bi khiến tình hình quốc gia Bắc Phi này như "mớ bòng bong". Các sáng kiến nhằm giải quyết cuộc xung đột bằng biện pháp chính trị và ngoại giao sẽ chỉ có hiệu quả nếu các bên liên quan ở Li-bi chấp thuận nhượng bộ, tự đưa ra các quyết định và lựa chọn của mình, vì lợi ích của người dân Li-bi, chứ không bị "nhuốm màu" can thiệp và toan tính.

ÐAN ANH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/tin-tuc/item/44961702-nguy-co-tu-su-can-thiep.html