Nguy cơ từ xe chở hàng cồng kềnh

Đi lại trên một số tuyến đường ở Thủ đô, không khó để bắt gặp hình ảnh những chiếc xe tự chế, xe mô tô, xe điện, thậm chí cả xe đạp chở hàng hóa cồng kềnh khi tham gia giao thông. Những hành vi này, không chỉ là nguyên nhân gây ùn tắc giao thông mà còn tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng người đi đường.

Bà Nguyễn Thị Hằng 45 tuổi ở Cầu Giấy (Hà Nội) kể, mới đây, khi di chuyển qua đoạn đường Đê La Thành, bà bị một người chạy xe mô tô cầm lái bằng một tay, tay còn lại giữ thanh sắt dài gạt ngã xuống đường. May mắn, bà chỉ xây xát nhẹ.

Không chỉ riêng bà Hằng mà rất nhiều người tham gia giao thông khác cũng đã từng gặp phải những trường hợp tương tự.

Xe chở mảnh tôn quá khổ khi tham gia giao thông (Ảnh: K.Tiến)

Xe chở mảnh tôn quá khổ khi tham gia giao thông (Ảnh: K.Tiến)

Hiện nay, tình trạng chở hàng cồng kềnh vẫn diễn ra trên hầu hết các tuyến phố từ ngoại ô đến trung tâm thành phố. Điển hình là trên những tuyến đường như Phạm Hùng, Đê La Thành, Trường Chinh, đoạn ngã tư Cổ Nhuế - Phạm Văn Đồng, đường nối Võ Chí Công - Phạm Văn Đồng hay như trên phố Thợ Nhuộm, Hàng Hòm...

Anh Nguyễn Văn Sơn, tài xế lái taxi, là người thường xuyên tham gia giao thông nên rất bức xúc tình trạng trên. Anh cho biết, những chiếc xe mô tô, xe lôi, xe đạp điện chở hàng quá khổ rất dễ bị mất lái, khó có thể xử lý kịp trước những tình huống phát sinh trên đường.

Vừa tham gia giao thông vừa kéo đẩy thêm hàng hóa (Ảnh: K.Tiến)

Trên thực tế, việc chở hàng cồng kềnh, quá tải, quá khổ sẽ bị xử phạt theo quy định của Luật giao thông đường bộ Việt Nam.

Cụ thể: Theo Điều 9, Thông tư số 46/2015/TT-BGTVT đã quy định: Xe mô tô, xe gắn máy không được xếp hàng hóa, hành lý vượt quá bề rộng giá đèo hàng theo thiết kế của nhà sản xuất về mỗi bên 0,3m; không vượt quá phía sau giá đèo là 0,5m; chiều cao xếp hàng tính từ mặt đường xe chạy không vượt quá 1,5m.

Điều 6, Nghị định 46/2016/NĐ-CP về xử phạt người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ, phạt tiền từ 300.000 đến 400.000 đồng đối với các hành vi: Người điều khiển xe hoặc người ngồi trên xe bám, kéo, đẩy xe khác, vật khác, dẫn dắt súc vật, mang vác cồng kềnh; xếp hàng hóa trên xe vượt quá giới hạn quy định, điều khiển xe kéo theo xe khác, vật khác.

Ngoài việc bị xử phạt, nếu người ngồi trên phương tiện giao thông chở cồng kềnh, gây thương tích cho người khác thì tùy theo mức độ thương tích, có thể bị xem xét hành vi truy cứu trách nhiệm hình sự.

Xe chở xốp cồng kềnh trên đường Phạm Hùng (Ảnh: K.Tiến)

Vẫn biết cuộc sống mưu sinh nhiều khó khăn, vất vả, nhưng không phải vì vậy mà lại vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Ðây là hành vi nguy hiểm, xem thường tính mạng, sức khỏe của chính mình và người đi đường.

Thiết nghĩ, cần phạt nghiêm những trường hợp vi phạm chở hàng cồng kềnh, để sớm dẹp những chiếc xe "chở theo thần chết", để hiểm nguy không còn rình rập trên các cung đường.

K.Tiến

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/nguy-co-tu-xe-cho-hang-cong-kenh-98439.html