Nguy cơ úng ngập từ các công trình xây dựng

Trong quá trình thi công, một số dự án chỉnh trang đô thị, thi công xây lắp, xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật đã và đang ảnh hưởng đến công tác tiêu thoát nước của Hà Nội. Để giảm thiểu nguy cơ này, các đơn vị thoát nước đã chủ động phối hợp với chủ đầu tư có các phương án khắc phục kịp thời, bảo đảm tiêu thoát nước hiệu quả.

Thi công gây ảnh hưởng hệ thống

Theo thống kê của Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội (Công ty Thoát nước Hà Nội), hiện nay, trên địa bàn Thành phố có 37 dự án đã và đang triển khai xây dựng có nguy cơ gây ảnh hưởng đến công tác thoát nước.

Công nhân công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội thực hiện nạo vét lòng cống, đảm bảo kế hoạch vận hành hệ thống thoát nước.

Công nhân công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội thực hiện nạo vét lòng cống, đảm bảo kế hoạch vận hành hệ thống thoát nước.

Trong đó, nhiều dự án trong số này thi công trên sông, mương thoát nước chính: Dự án cống hóa mương Hoàng Văn Thụ (Khu đô thị mới Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai), dự án xây dựng tuyến đường Vành đai 3 đi thấp qua hồ Linh Đàm (quận Hoàng Mai); dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật đầm cụm 1 (ngõ 310 Nghi Tàm, quận Tây Hồ); các dự án xây dựng đường Vành đai 2 đoạn Ngã Tư Vọng - Ngã Tư Sở, nhà ga ngầm S12, S11, S9 và giếng thoát hiểm thuộc dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội...

Đảm trách công tác thoát nước địa bàn quận Hoàn Kiếm, một phần quận Ba Đình và Tây Hồ, ông Nguyễn Xuân Hòa, Phó Giám đốc Xí nghiệp Thoát nước số 1, cho hay, dự án cống hóa mương Thụy Khuê (thuộc dự án cải thiện môi trường từ dốc La Pho đến cống Đõ) do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Tây Hồ làm chủ đầu tư, mới hoàn thành một số đoạn. Tuy nhiên, lòng cống còn tồn tại các tường xây, nhiều bùn đất chưa được thanh thải... ảnh hưởng đến dòng chảy của mương, gây ngập tại dốc La Pho mỗi khi mưa lớn.

Tại trọng điểm úng ngập ngã tư Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt (quận Hoàn Kiếm), hệ thống thoát nước chảy theo hướng qua phố Trần Hưng Đạo - Yết Kiêu, đổ ra hồ Thiền Quang, Ba Mẫu. Song việc thi công xây dựng ga ngầm S12 (nhà thầu đang thi công tường dẫn, tường vây, đào sâu 34m, kéo dài 100m từ Phan Bội Châu đến ngõ Hàng Cỏ)… ảnh hưởng đến hệ thống thoát nước khu vực.

Tiếp đó, tại gói thầu cống hóa mương Thụy Khuê (Dự án cải thiện môi trường từ dốc La Pho đến cống Đõ), do dự án triển khai trong thời gian dài, các đoạn mương đã triển khai thi công không liền mạch, chiều rộng mương dẫn dòng và cống đã thi công không tương đồng. Mặt khác, trong quá trình GPMB thường xuyên làm rơi phế thải xuống lòng mương khiến công tác tiêu thoát nước gặp nhiều khó khăn.

Trong khi đó, tại dự án Kè hồ và nạo vét bùn, dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật xung quanh hồ Linh Quang cũng tồn tại hàng loạt bất cập. Hiện vị trí cửa xả vào hồ của tuyến cống hóa mương Thông Phong – Linh Quang, cao độ sàn cửa phai cao hơn cao độ đáy cống D1500 vào hồ khoảng 70 - 80cm; hay cao độ đỉnh tường chắn nước thải trong ga tách dòng tại cửa thu từ hồ vào cống D2000 Trung Tiền còn cao… Đó là những lý do gây ảnh hưởng đến công tác thoát nước tại khu vực này.

Để giảm thiểu mức độ ảnh hưởng của các công trình thi công đến hệ thống thoát nước, Chủ tịch công ty Thoát nước Lê Vũ Quảng Sương cho biết: “Công ty đã chủ động rà soát, lập danh sách và có văn bản đề nghị các chủ đầu tư cung cấp thông tin dự án, tiến độ thi công; lập biện pháp dẫn dòng bảo đảm thoát nước, gửi đến công ty để cùng thống nhất, phối hợp triển khai. Công ty cũng yêu cầu các xí nghiệp, đội trực thuộc kiểm soát chặt chẽ các dự án đang thi công trên địa bàn quản lý, bảo đảm tuân thủ biện pháp thi công đã thống nhất, hạn chế ảnh hưởng đến hệ thống thoát nước”.

Theo kế hoạch thoát nước mùa mưa năm 2020 của Sở Xây dựng Hà Nội, để bảo đảm tiêu thoát nước kịp thời tại khu vực nội thành, đơn vị sẽ tập trung nạo vét, vệ sinh đường cống ở các vị trí trọng điểm thường xuyên xảy ra ngập úng mỗi khi có mưa lớn. Sau đó, tiếp tục triển khai làm vệ sinh, khơi thông dòng chảy ở các tuyến phố, khu vực khác để đảm bảo công tác thoát nước mùa mưa.

Ngoài ra, công ty cũng đã yêu cầu các đơn vị kiểm tra, kiểm soát chặt tất cả các dự án đang triển khai thi công trên địa bàn quản lý tuân thủ nghiêm các quy định đảm bảo hệ thống thoát nước. Xây dựng phương án cụ thể, bố trí lực lượng, phương tiện ứng trực đối với từng dự án có liên quan đến điểm ngập úng để tăng tính chủ động khi chủ đầu tư và nhà thầu thi công không sẵn sàng thực hiện các biện pháp trên công trường nhằm giảm thiểu ngập úng cho khu vực.

Tăng cường ứng dụng công nghệ

Đặc biệt, với những thiết bị giám sát thoát nước hiện đại nhất, các thông số về lượng mưa, mức độ ngập, lưu lượng nước... đều được cập nhật tự động liên tục 24/24 giờ. Theo Chủ tịch công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội Lê Vũ Quảng Sương, giờ đây, hệ thống thoát nước của 12 quận đã được số hóa và cập nhật lên bản đồ hệ thống thoát nước trên nền tảng GIS. Các thông số cơ bản của hệ thống thoát nước được cập nhật đầy đủ và là cơ sở để kiểm soát, đánh giá khả năng úng ngập cũng như lên kế hoạch duy tu, quản lý và lập dự án cải tạo các công trình chống úng ngập cục bộ.

Đối với 15 điểm nguy cơ xảy ra úng ngập đối với các trận mưa có cường độ từ 50-100 mm/hai giờ trở lên, công ty cũng bố trí sẵn nhân lực và thiết bị phù hợp để xử lý trong thời gian nhanh nhất.

Với việc số hóa bản đồ hệ thống thoát nước, giờ đây chỉ cần "nhấp chuột", người dùng có thể biết chính xác trên từng tuyến phố cụ thể có bao nhiêu mét cống, đường kính cống to hay nhỏ, hướng chảy về đâu, có bao nhiêu ga thoát nước... Việc có số liệu thực tế, chính xác là cơ sở quan trọng để các đơn vị có thể kiểm tra, kiểm soát được khả năng tiêu thoát ngoài hiện trường cũng như công tác vận hành trạm bơm, qua đó đưa ra những quyết định điều hành chống ngập theo hệ thống cho cả Thành phố.

Bên cạnh công tác tiêu thoát nước khi mưa, việc khơi thông định kỳ dưới lòng cống nhỏ và cũ của Hà Nội giờ đây cũng đơn giản hơn nhờ sử dụng công nghệ. Những người công nhân quanh năm dầm mình dưới dòng nước đen kịt giờ đây cũng đã được cầm trên tay những bộ điều khiển hiện đại, di chuyển những robot mang theo camera xoay 360 độ sục sâu vào lòng cống để quan sát rác, khơi thông vật cản dòng chảy, từ đó việc sục xả sẽ được tiến hành để đảm bảo lòng cống thông suốt.

Đặc biệt, nhờ phát huy hiệu quả hệ thống dữ liệu số hóa, phần mềm HSDC Maps đã trở thành một phần không thiếu của người dân Hà Nội mỗi khi mưa gió, việc cập nhật liên tục giúp người dân sớm phòng tránh các khu vực ngập úng, từ đó giảm thiểu ùn tắc giao thông cũng như những ẩn họa khi di chuyển trong thời điểm thời tiết không thuận lợi.

Trong thời gian tới, công ty Thoát nước Hà Nội sẽ tiếp tục tập trung nâng cao hiệu quả của trung tâm điều hành hệ thống thoát nước, tiếp tục tiến hành số hóa, áp dụng phần mềm quản lý chế độ hoạt động của các cửa phai điều tiết trên hồ điều hòa, mương, sông.

“Việc xây dựng sơ đồ vận hành trên cơ sở các thiết bị giám sát và hệ thống dữ liệu hiện có sẽ giúp công tác chỉ đạo, điều hành hệ thống thoát nước hiệu quả và trực quan hơn” – lãnh đạo Công ty Thoát nước Hà Nội cho biết thêm.

Tuấn Dũng

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/nguy-co-ung-ngap-tu-cac-cong-trinh-xay-dung-109181.html