Nguy cơ Việt Nam vẫn bị Mỹ giám sát về tiền tệ

Giới chuyên gia cho rằng bên cạnh việc xuất siêu lớn sang Mỹ, việc Ngân hàng Nhà nước mua ròng một lớn lớn ngoại tệ có thẻ khiến Mỹ tiếp tục 'để mắt' tới việc giám sát tiền tệ của Việt Nam.

Việt Nam nằm trong 10 nước bị Mỹ liệt vào danh sách giám sát tiền tệ - Ảnh: Internet

Việt Nam nằm trong 10 nước bị Mỹ liệt vào danh sách giám sát tiền tệ - Ảnh: Internet

Như Một Thế Giới đã đưa tin, ngày 14.1.2020, Bộ Tài chính Mỹ đã phát hành báo cáo "Kinh tế vĩ mô và chính sách tỷ giá hối đoái của các đối tác thương mại chính", trong đó thì Việt Nam là 1 trong 10 nước có mặt trong danh sách theo dõi về vấn đề thao túng tiền tệ.

Các tiêu chí được phía Mỹ đưa ra khi đưa vào danh sách giám sát tiền tệ là: Thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Mỹ ít nhất 20 tỉ USD; thặng dư cán cân vãng lai tương đương ít nhất 2% GDP; can thiệp một chiều và kéo dài trên thị trường ngoại tệ, thể hiện qua việc mua ròng ngoại tệ trong ít nhất 6 tháng trên giai đoạn 12 tháng với tổng lượng ngoại tệ mua ròng tương đương ít nhất 2% GDP trong giai đoạn 12 tháng.

Việt Nam không thao túng tiền tệ

Với việc Việt Nam tiếp tục nằm trong danh sách giám sát nói trên, Vụ Chính sách tiền tệ cho biết trong thời gian tới Bộ Tài chính Mỹ sẽ tiếp tục theo dõi các thông tin, số liệu về thương mại, cán cân vãng lai, các chính sách kinh tế vĩ mô, tiền tệ của Việt Nam và có thể sẽ tiếp tục trao đổi, làm việc với các cơ quan hữu quan của Việt Nam nếu cần thiết.

“Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ ngành liên quan để trao đổi, làm việc về các vấn đề mà Bộ Tài chính Mỹ quan tâm trên tinh thần hợp tác, đồng thời tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế một cách hợp lý, điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với các cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng”, Vụ Chính sách tiền tệ nhấn mạnh.

Trong khi đó, tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2020 mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng nói một trong những ưu tiên của Việt Nam năm 2020 là tiếp tục làm việc với các đối tác thương mại lớn để chứng minh Việt Nam không thao túng tiền tệ.

"Ngân hàng Nhà nước không bao giờ dùng tỷ giá để tạo cạnh tranh với đối tác thương mại, không can thiệp có chủ đích vào chính sách tiền tệ để tạo thuận lợi trong xuất nhập khẩu hàng hóa. Việt Nam không thao túng tiền tệ", Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định.

Rủi ro bị giám sát vẫn còn

Đánh giá về vấn đề này, chuyên gia tài chính ngân hàng - TS.Nguyễn Trí Hiếu cho biết trong số 3 tiêu chí mà Mỹ xem xét đưa vào diện giám sát đối với các quốc gia là thặng dư thương mại song phương, thặng dư cán cân vãng lai và can thiệp ngoại tệ, Việt Nam vượt tiêu chí về thặng dư thương mại song phương (thặng dư thương mại hàng hóa song phương của Việt Nam với Mỹ ở mức 47 tỉ USD, trong khi tiêu chí của Mỹ là ít nhất 20 tỉ USD). Mặc dù Việt Nam chưa bị gọi là thao túng tiền tệ, nhưng Mỹ vẫn đặt vào tầm ngắm để theo dõi.

Tuy nhiên, theo TS.Nguyễn Trí Hiếu, Việt Nam không hề có can thiệp ngoại tệ nên không thể nằm trong nhóm quốc gia thao túng tiền tệ. Các quốc gia trong danh sách đó đều có thặng dư cán cân thương mại với Mỹ ở mức cao. Các số liệu về kinh tế cho thấy Việt Nam không hề "lợi dụng Mỹ".

Đơn cử cho thấy trong năm 2019 và những năm trước nữa, Việt Nam không hề tăng tỷ giá để tạo sự cạnh tranh cho hàng xuất khẩu của Mỹ. Dù Việt Nam xuất siêu vào Mỹ nhưng giá trị xuất siêu của Việt Nam với Mỹ quá nhỏ nếu so sánh với quy mô xuất siêu của các nước khác.

Trong khi đó, theo đánh giá phân tích từ Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), xét theo đánh giá của Mỹ trong vòng 4 quý tính đến tháng 6.2019, Việt Nam mới chỉ vi phạm tiêu chí đầu tiên là có thặng dư thương mại với Mỹ. Còn thặng dư tài khoản vãng lai của Việt Nam mới chỉ đạt 1,7% GDP, trong khi mua ròng ngoại tệ cũng mới chỉ đạt 0,8% GDP (chưa vi phạm tiêu chí 2% GDP).

Ngoài ra, Bộ Tài chính Mỹ cũng đánh giá việc mua vào ngoại tệ của Việt Nam là có cơ sở hợp lý khi nhằm mục đích tăng dự trữ ngoại hối - vốn được đánh giá còn ở mức thấp. Ngoài ra, sự can thiệp của NHNN cũng mang tính 2 chiều, có mua và có bán và việc bán ra USD là nhằm mục đích chống lại đà giảm giá của VND trong nửa cuối năm 2018.

Tuy vậy cần nhấn mạnh là các đánh giá trong báo cáo tháng 1.2020 của Bộ Tài chính Mỹ dựa trên dữ liệu của 4 quý tính đến tháng 6.2019. Theo ước tính của BVSC, kể từ tháng 6.2019 đến nay, NHNN đã mua được một lượng lớn ngoại tệ (ước tính hơn 10 tỉ USD) và đã vượt mốc 2% GDP. Do đó, rủi ro Việt Nam bị phía Mỹ “để mắt” tới vẫn chưa thể được loại bỏ hoàn toàn trong thời gian tới.

"Mặc dù vậy, sau báo cáo phát hành vào tháng 1.2020, báo cáo tiếp theo của Bộ Tài chính Mỹ nhiều khả năng sẽ chỉ được phát hành trong khoảng thời gian 6 tháng tới. Trong khoảng thời gian này, các số liệu sẽ còn tiếp tục thay đổi và cũng là cơ hội để phía Việt Nam tăng cường đối thoại với Mỹ nhằm giảm bớt rủi ro Việt Nam bị Mỹ dán mác thao túng tiền tệ", nhóm phân tích BVSC khuyến nghị.

Tuyết Nhung

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/kinh-te-c-67/nguy-co-viet-nam-van-bi-my-giam-sat-ve-tien-te-129807.html