Nguy hiểm bủa vây xe ôm công nghệ

Xe ôm công nghệ là một trong những 'nghề' phổ biến nhất tại các thành phố lớn hiện nay do yêu cầu công việc đơn giản, thu nhập ổn định. Tuy nhiên, bên cạnh mức thu nhập hấp dẫn là những mối nguy hiểm rình rập, đặc biệt trong thời điểm cận Tết hàng loạt vụ cướp của, giết người nhằm vào xe ôm công nghệ đã xảy ra.

Nguy hiểm trực chờ

Chỉ cần một chiếc xe, một chiếc điện Smatphone, thủ tục đăng ký tiện lợi, dễ dàng, thời gian linh động, không cần phải chào mời hay tranh giành khách là những điểm khiến cho nghề xe ôm công nghệ trở nên hấp dẫn trong mắt nhiều người. Qua quan sát, trên đường phố Hà Nội đễ dàng nhận thấy đâu đâu cũng tràn ngập màu áo của các hãng xe công nghệ như Grab, GoViet…

Nhiều tài xế xe ôm công nghệ vì muốn kiếm thêm thu nhập cho gia đình mà chấp nhận nguy hiểm chạy cả những chuyến xe vào đêm muộn. Ảnh: Lê Thắm

Nếu xe ôm truyền thống thường là người có kinh nghiệm lâu năm, thông thạo đường sá và có quy tắc cảnh giác riêng thì tài xế xe ôm công nghệ hiện nay chủ yếu là những sinh viên làm việc bán thời gian để kiếm thêm thu nhập. Cũng chính trẻ, thiếu kinh nghiệm mà họ đang trở thành nạn nhân của các đối tượng cướp tài sản. Thời gian gần đây, trên cả nước đã diễn ra không ít vụ cướp xe ôm với tính chất ngày càng nghiêm trọng.

Điển hình, ngày 29 /7/2018, Công an huyện Chương Mỹ đã bắt giữ đối tượng Lê Đình Vui (trú tại xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ) về hành vi cướp tài sản. Trước đó, vào ngày 27 /7, Vui mang theo một con dao đến bến xe Yên Nghĩa (Hà Đông) với mục đích nhắm vào đối tượng là các tài xế xe ôm công nghệ.

Sau một thời gian quan sát, anh N (SN 1997, quê Bắc Giang, là sinh viên) đã rơi vào tầm ngắm của Vui. Để tiếp cận đối tượng, Vui cố tình cà kê, thuê anh N chở lòng vòng đến huyện Thanh Oai, rồi dắt đối tượng về huyện Chương Mỹ. Nhân lúc trời đã tối, đến đoạn đường Hòa Phú, thôn Phú Nam An, Vui dùng dao đe dọa, cướp xe máy cùng tài sản của nạn nhân.

Nghiêm trọng hơn là vụ giết người, cướp của xảy ra ngày 30/7 tại phường Thái Hòa (thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương). Các đối tượng đã thuê nạn nhân là tài xế GrapBike chở vào lúc 21h, dẫn nạn nhân đến đoạn đường vắng sau đó dùng giao nhọn đâm nạn nhân để cướp xe rồi bỏ trốn. Do mất quá nhiều máu nạn nhân đã tử vong sau đó.

Gần đây nhất, ngày 6/12 xảy ra vụ việc một nam thanh niên nghi bị giết và cướp tài sản trong trang phục lái xe ôm công nghệ trên địa bàn xã Vĩnh lộc, huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh.

Cần tự bảo vệ bản thân

Từ những vụ việc trên có thể nhận thấy, các vụ tấn công nhằm vào xe ôm công nghệ đang có xu hướng gia tăng và tiểm ẩn nhiều yếu tố nguy hiểm. Nạn nhân của các đối tượng cướp tài sản thường là những tài người không thông thạo địa hình, tinh thần cảnh giác thấp. Đặc biệt, những người này thường có hoàn cảnh khó khăn, vì muốn kiếm thêm thu nhập cho gia đình mà chấp nhận chạy cả những chuyến xe vào đêm muộn, đường xa, vắng vẻ…

Ngồi trò chuyện với nhóm tài xế GrabBike sau chuyến xe đêm, anh Phan Văn Hà (quê ở Nam Định) chia sẻ, do công việc ở dưới quê không đủ để nuôi sống gia đình, theo lời giới thiệu của bạn bè anh lên Hà Nội đầu quân cho hãng Grab làm tài xế. Thu nhập từ nghề này khá ổn, có những tháng lên tới 12-15 triệu.

Tuy nhiên, đây cũng là một nghề nguy hiểm khi mà nhiều người vì muốn kiếm thêm chút tiền đã đồng ý chạy xe đêm và bị chính khách hàng của mình tấn công, cướp của. Chính bản thân anh đã từng rơi vào trường hợp này trong một lần nhận chở khách ở đoạn đê Sông Hồng.

“Vào lúc 11 giờ đêm, nhận được chuyến xe đặt chạy từ Hà Đông đến đê Sông Hồng, tuy biết đoạn đường khá nguy hiểm nhưng do nghĩ sắp Tết nhất, tôi đành tặc lưỡi quyết định chạy thêm “cuốc” nữa. Sau khi chở khách đến nơi gã này trở mặt dọa dẫm quỵt tiền và cướp luôn cả ví tiền lẫn điện thoại của tôi. Lúc đấy đường vắng, không người qua lại, nếu mình chống cự có khi bị đánh chết nên tôi đành ngậm ngùi giao hết tài sản cho chúng để thoát thân”, – anh Hà cho biết thêm.

Ngoài những rủi ro kể trên xe ôm công nghệ còn gặp vô vàn những tình huống khác như bị khách hàng yêu cầu chở đến nơi không đúng như điểm đặt ban đầu, quỵt tiền, hủy chuyến, hành hung, đối xử thiếu tôn trọng…

Thế nhưng, phản ứng hầu hết của các xe ôm công nghệ khi bị tấn công đều là im lặng cho qua. Một phần vì nghĩ tính chất công việc bắt buộc phải chấp nhận, phần khác sợ bị khách hàng đánh giá phục vụ không tốt sẽ bị trừ điểm, khóa ứng dụng, đình chỉ chạy xe… Câu hỏi đặt ra là, cần làm gì để đảm bảo an toàn cho các tài xế xe ôm công nghệ.

Anh Phạm Minh Thiện, một người hành nghề xe ôm công nghệ lâu chia sẻ: “Nếu chạy vào những khung giờ nguy hiểm từ sau 11 giờ đêm, cần chú ý địa điểm đến, nếu thấy đó là những cung đường nguy hiểm hay đi vào ngõ sâu có thể yêu cầu với khách hàng sẽ chỉ trả khách ở những đoạn đường có ánh đèn sáng, nơi có người qua lại và có thể cùng khách hàng chờ người nhà ra đón. Hoặc trường hợp khách hàng cố tình đưa tài xế vào nơi nguy hiểm có thể kiên quyết từ chối. Không nên vì kiếm thêm một chút thu nhập để dẫn đến những hậu họa khôn lường”.

Theo cơ quan công an, tội phạm cướp tài sản của “xe ôm” công nghệ đang diễn biến phức tạp do phần lớn các nạn nhân đều là người mới vào nghề, không thông thạo đường sá, tinh thần cảnh giác thấp, chưa có kỹ năng phát hiện nguy hiểm. Bên cạnh đó, hoạt động dựa vào công nghệ đặt đón khách bằng phần mềm trên internet, khách hàng biết đầy đủ thông tin của tài xế nhưng về phía tài xế ngoài số điện thoại và tên thì họ không biết thêm thông tin gì. Chính những bất cập đó khiến người lái xe không chủ động được về đối tượng khách hàng.

Tiếp đến, đối tượng phạm tội có thể che giấu thân phận, cũng như lựa chọn địa điểm đón ít gây chú ý để hoạt động phạm tội. Ngoài ra, các đối tượng cũng hết sức khôn ngoan trong việc chọn “con mồi”. Khi đặt xe, nếu quan sát thấy “con mồi” là những người đi xe rẻ tiền, vẻ mặt bặm trợn hay to khỏe chúng sẽ hủy chuyến xe, nếu “con mồi” là sinh viên, phụ nữ, hay những người có vẻ yếu thế hơn mình chúng mới thực hiện hành vi cướp tài sản.

Ngoài tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, đẩy mạnh trấn áp loại hình tội phạm cướp tài sản, Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công An lưu ý người hành nghề “xe ôm”: Cần học hỏi kinh nghiệm, hoạt động theo nguyên tắc đảm bảo tuyệt đối an toàn cho bản thân; Nêu cao tinh thần cảnh giác khi chuyên chở khách hàng là đối tượng nam có tác phong ngổ ngáo, đề nghị đưa đến khu vực vắng người, địa hình không thông thuộc…

Riêng với người hành nghề “xe ôm” công nghệ, cần áp dụng quy tắc để ý, quan sát trước khách hàng hẹn đón nhằm từ chối phục vụ hoặc đề cao cảnh giác. Đặc biệt, cơ quan công an khuyến cáo, nếu nghi ngờ khách hàng là đối tượng cướp tài sản, người lái xe nên chở khách tới trụ sở cơ quan công an hoặc trụ sở hành chính gần nhất nhờ kiểm tra, trợ giúp.

Hàng loạt vụ việc tấn công nhằm vào xe ôm công nghệ xảy ra cũng đang đặt ra cho các công ty quản lý dịch vụ này câu hỏi về lỗ hổng phầm mềm. Họ cần phải nâng cấp phần mềm quản lý như thế nào để có thể bảo vệ được cho nhân viên của mình.

Trước khi các công ty tìm ra lời giải cho câu hỏi trên, trước hết tài xế xe ôm công nghệ phải tự nâng cao tinh thần cảnh giác, áp dụng những lời khuyên từ đồng nghiệp có kinh nghiệm và cơ quan chức năng để đảm an toàn về tài sản cũng như tính mạng của bản thân, tránh những hậu quả đáng tiếc.

Lê Thắm

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/nguy-hiem-bua-vay-xe-om-cong-nghe-84699.html