Nguy hiểm cảnh mưu sinh trong những ngày 'nắng như đổ lửa' ở miền Bắc

Lo cái bụng đói hơn sợ nắng nóng gay gắt nên có rất nhiều người đang phải oằn mình trong thời tiết nắng nóng gay gắt để mưu sinh. Hơn ai hết, họ biết sự nhọc nhằn và những hiểm nguy có thể xảy đến như sốc nhiệt, chóng mặt, gây đột ngụy nhưng cuộc sống mưu sinh khiến họ không thể an nhàn.

Kiệt sức trong lán nghỉ ở công trường

Không chỉ nghề lắp điều hòa mà những công nhân xây dựng cũng chịu cảnh phơi mình trong nắng nóng kéo dài. Nhất là những công trình "kíp" về tiến độ, buộc phải thực hiện đúng thời gian lao động, ngay cả khi thời tiết nắng nóng gay gắt.

Anh Trịnh Văn Vinh, làm Chỉ huy một công trường ở huyện Quế Võ, Bắc Ninh chia sẻ: "Nắng nóng không dám ép công nhân tăng giờ làm nhưng phải yêu cầu làm đủ giờ. Khi thời tiết nắng nóng gay gắt, mình điều chỉnh thời gian làm việc linh hoạt hơn. Sáng làm việc sớm hơn bình thường, chiều làm việc muộn hơn nhưng vẫn đảm bảo thời gian vì yêu cầu của tiến độ công trình. Nếu làm sai tiến độ, nhà thầu sẽ bị phạt theo ngày lên tới hàng trăm triệu đồng nên không ai dám lơ là công việc.

Theo anh Vinh, thời tiết nắng nóng gay gắt dù đã điều chỉnh thời gian nhưng công nhân không tránh khỏi phải làm việc lâu dưới thời tiết nắng nóng vì yêu cầu của tiến độ công trình.

Theo anh Vinh, thời tiết nắng nóng gay gắt dù đã điều chỉnh thời gian nhưng công nhân không tránh khỏi phải làm việc lâu dưới thời tiết nắng nóng vì yêu cầu của tiến độ công trình.

Tuy nhiên, dù linh hoạt về thời gian nhưng không tránh khỏi tình trạng công nhân phải chịu nắng nóng, thương lắm nhưng không biết phải làm sao. Công trường cũng đã làm lán cho công nhân nghỉ ngơi nhưng cũng chỉ lợp tấm tôn fibro xi măng không thể xoa dịu được thời tiết nắng nóng. Nhiều hôm nắng quá, trước khi đến giờ công nhân nghỉ ăn trưa, chúng tôi còn yêu cầu công nhân phun nước lên mái nhà, phun ướt khắp lán để làm mát nhưng cũng không ăn thua".

Anh Vinh cũng thừa nhận, từng có một số công nhân đến giờ nghỉ trưa vào lán bị kiệt sức, có người té xỉu. Thi công trong điều kiện thời tiết nắng nóng, công trường rộng, xung quanh không có lấy một bóng cây nên khắc nghiệt vô cùng. Ai trụ được trong thời tiết này phải thật khỏe, còn một số ít công nhân thể trạng không tốt đã cáo ốm về quê một thời gian.

Theo anh Báu, cùng một khối lượng công việc nhưng ngày nắng nóng sẽ cảm thấy mệt gấp đôi.

Anh Bùi Văn Báu đang là công nhân Dự án khu đô thị mới Tây Nam Tân Lập, huyện Đan Phượng (đường Hoàng Quốc Việt kéo dài, xã Tân Lập, huyện Đan Phượng, TP. Hà Nội) cho biết: "Những ngày nắng nóng gay gắt này vô cùng mệt mỏi, cũng làm với khối lượng công việc như trước nhưng chúng tôi cảm thấy quá sức vì nắng nóng quá mức chịu đựng. Phải đứng ngoài trời lâu, không có mái che, mồ hôi ra nhiều khiến cơ thể bết bát lắm.

Mấy ngày nay nắng nóng quá, một số người đã bị ốm, xin nghỉ làm, công nhân ra công trường thiếu hụt nên dù rất mệt cũng không dám nghỉ. Bản thân tôi cũng đang có biểu hiện như mồ hôi vã ra nhiều, đau đầu, khó chịu nhưng thấy vẫn cố được nên cứ làm".

Chị Nguyễn Thị Thu (quê ở Xuân Trường, Nam Định) - người nấu cơm cho một công trường thuộc Khu công nghiệp Quế Võ III, Quốc lộ 18, (Quế Võ, Bắc Ninh) chia sẻ: "Xung quanh rộng mênh mông, không một bóng cây vì cả khu công nghiệp đều đang xây dựng. Những ngày nắng này, công nhân làm ngoài công trường có muốn nghỉ trong giây lát cho lại sức cũng không có chỗ trú. Chỉ có đến giờ nghỉ trưa thì về lán trại, nhưng lán cũng nóng lắm vì lợp bằng fibro xi măng.

Trong lán có điều hòa nhưng đi từ công trường về không ai dám chui thẳng vào phòng điều hòa. Công nhân ở đây từng có người đi làm từ công trường về, xông thẳng vào phòng điều hòa bị sốc nhiệt đến ngất phải đưa đi cấp cứu. Từ đó, không ai dám vào thẳng phòng điều hòa khi vừa mới từ công trường về nữa mà ngồi bên ngoài, bật quạt cho ráo mồ hôi mới vào".

Tiếp xúc với một số công nhân đang thi công công trình tại Khu Công nghiệp Quế Võ III (Bắc Ninh) thấy họ làm nhiều hơn nói. Những câu nói ngắn ngủn nhưng chứa đựng bên trong đó là sự chịu đựng, đồng cam cộng khổ vì mưu sinh. "Nắng nóng nhưng cứ có việc làm, có thu nhập ổn định gửi về nhà mỗi tháng để vợ lo cho mẹ già, các con có tiền đóng học là vui rồi. Vất vả mấy, nắng mấy cũng chịu được" -anh Trường Văn Sơn (huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam) chia sẻ.

Cần trang bị kiến thức để ứng phó với tình trạng sốc nhiệt, đột ngụy

Theo TS.BS Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Cấp cứu tổng hợp, Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bạch Mai), nắng nóng gay gắt sẽ ảnh hưởng đến sự điều tiết thân nhiệt của cơ thể. Nhất là đối với những người làm việc quá lâu dưới nắng nóng có thể làm nhiệt độ cơ thể tăng từ 39 - 41 độ C. Lúc này, bệnh nhân sẽ cảm thấy chóng mặt, rối loạn về mặt ý thức. Với những người chẳng may mắc bệnh mãn tính như tăng huyết áp, bệnh phổi mãn tính, tiểu đường, rối loạn mỡ máu sẽ có những diễn tiến bệnh nguy hiểm, có thể dẫn tới nguy cơ cao bị đột quỵ, thậm chí tử vong.

Phơi mình trong thời tiết nắng nóng với xung quanh toàn bê tông cốt thép là nỗi ám ảnh của công nhân xây dựng.

Vì vậy, khi thấy có người có biểu hiện sốc nhiệt như mặt đỏ bừng, miệng khô, mệt lả, đau đầu, chóng mặt…, điều quan trọng nhất là trước đó phải trang bị kiến thức sơ cứu hạ nhiệt, tăng cơ hội sống sót. Cách sơ cứu đơn giản nhất là đưa người bệnh đến chỗ râm mát, bỏ bớt quần áo, chườm mát vào vùng cổ, nách, bẹn, lau người bằng nước mát để nhanh chóng hạ thân nhiệt xuống. Ngay lúc đó, cũng có thể xả nước mát lên người. Trong trường hợp này tuyệt đối không dùng thuốc hạ sốt vì thuốc không có giá trị trong tình trạng này.

Sau đó, gọi xe cấp cứu đưa đến cơ sở y tế gần nhất, khi nhiệt độ cơ thể của bệnh nhân đã giảm xuống 38,5 hay 39 độ C. Trong trường hợp bệnh nhân bị ngất đi do sốc nhiệt cần phải được cấp cứu bằng cách hà hơi, ép tim trong suốt quá trình đợi xe cấp cứu, đưa bệnh nhân đến bệnh viện.

Trong những ngày nắng nóng này, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội cũng đưa khuyến cáo để người dân Thủ đô có thể phòng tránh việc bị sốc nhiệt.

Hạn chế tối đa hoặc chỉ đi ra ngoài đường khi thật cần thiết. Nếu bắt buộc phải đi ra đường thì phải đội mũ, mặc quần áo chống nắng, đeo kính chống nóng.

Uống nhiều nước, đặc biệt là những người lao động ngoài trời, có thể uống bổ sung nước chanh hoặc nước pha muối loãng, nước pha Oresol. Tuy nhiên, không nên uống nhiều nước đá hoặc nước quá lạnh không tốt cho cơ thể.

Không để nhiệt độ điều hòa trong phòng quá thấp so với nhiệt độ bên ngoài, tránh để gió điều hòa thốc thẳng vào người.

Ăn chín, uống xôi bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường dinh dưỡng, bổ sung thêm trái cây để bảo đảm đủ vitamin, tăng cường sức đề kháng của cơ thể.

Những người làm việc ngoài trời nắng nóng phải tạm dừng công việc nếu điều kiện thời tiết vượt quá sức chịu đựng của cơ thể.

Cả công trường rộng lớn trong thời tiết nắng nắng như đổ lửa không có một bóng cây.

Khoảng thời gian từ 12 – 16 giờ là nhiệt độ cao nhất trong ngày, hạn chế lao động ngoài trời trong khoảng thời gian này. Khi nhiệt độ cơ thể không dung nạp được nhiệt độ môi trường, sẽ có nguy cơ xảy ra nhiều biến cố nguy hiểm.

Để tránh và hạn chế tối đa tình trạng cơ thể bị sốc nhiệt những trong những ngày nắng nóng, người thường xuyên phải làm việc ngoài trời nên tuân thủ khuyến cáo của các chuyên gia y tế: Mặc quần áo có chất liệu thông thoáng, sáng màu, đeo kính râm, đội mũ có vành rộng, bôi kem chống nắng. Hạn chế uống rượu, bia, cà phê, hút thuốc lá vì những thứ này dễ gây mất nước, nguy cơ bị đột quỵ do nắng nóng cao hơn.

Đông An - Thế Minh

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/nguy-hiem-canh-muu-sinh-trong-nhung-ngay-nang-nhu-do-lua-o-mien-bac-20200604161705166.htm