Nguy hiểm cúm mùa

Trong một tháng qua, Bệnh viện (BV) Bạch Mai liên tục tiếp nhận nhiều trường hợp nguy kịch vì nhiễm cúm mùa (cúm A/H1N1). Các bác sĩ ở đây cho biết, bệnh cúm mùa thường diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2 - 7 ngày, nhưng đối với trẻ em, người già có bệnh mãn tính, phụ nữ mang thai, bệnh có thể diễn biến nặng hơn, thậm chí tử vong.

 Bệnh nhân nhiễm cúm H1N1 điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Ngân Thu

Bệnh nhân nhiễm cúm H1N1 điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Ngân Thu

Tử vong do cúm H1N1
Hiện tại, Khoa Hồi sức tích cực, BV Bạch Mai đang điều trị cho 2 bệnh nhân nhiễm cúm mùa diễn tiến nặng. Đó là trường hợp bệnh nhân L.Đ.C. (nam, 64 tuổi, ở Sơn Tây, Hà Nội) được chuyển đến Khoa ngày 25/1/2019 trong tình trạng khó thở, ý thức chậm, đã được đặt nội khí quản hỗ trợ hô hấp. Theo lời kể của người nhà, trước đó 6 ngày, bệnh nhân xuất hiện sốt cao liên tục, ho khan, khó thở kèm tức ngực, đi khám tại tuyến cơ sở được chẩn đoán viêm phổi, kê đơn điều trị nhưng tình trạng không cải thiện. Tại BV Bạch Mai, bệnh nhân được chẩn đoán viêm phổi biến chứng ARDS (hội chứng suy hô hấp cấp). Mặc dù được điều trị tích cực với các kỹ thuật hiện đại nhất, song tiên lượng tình trạng của bệnh nhân vẫn chưa mấy khả quan.
Một bệnh nhân nam khác 48 tuổi ở Ứng Hòa, Hà Nội xuất hiện các triệu chứng thông thường của cúm như ho, hắt hơi, sổ mũi, sốt, nhức mỏi toàn thân. Đáng lưu ý, trước đó gia đình anh cũng có vài người mắc cúm. Khi nhập viện, bệnh nhân đã trong tình trạng rất nặng. Hiện tại, bệnh nhân vẫn đang phải lọc máu liên tục, thở máy để mong giữ được tính mạng.
Kết quả xét nghiệm cho thấy, cả hai bệnh nhân trên đều dương tính với virus cúm A/H1N1 (hay còn gọi là cúm mùa).
Trước đó, một thai phụ 31 tuổi quê Thanh Hóa, nhiễm cúm H1N1, được chuyển đến BV Bạch Mai khi đang mang song thai 24 tuần tuổi. Thai phụ ban đầu có các triệu chứng cúm thông thường như sổ mũi, hắt hơi nhưng bệnh nhanh chóng chuyển nặng. Bệnh nhân được chỉ định lọc máu, thở máy, thậm chí chạy cả tim phổi nhân tạo ngoài cơ thể (ECMO) nhưng sau 2 tuần, tình trạng vẫn không tiến triển. Thai phụ cùng 2 thai nhi tử vong do suy hô hấp, viêm phổi trắng xóa.
Tiêm vaccine phòng bệnh
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm chia sẻ, trong bối cảnh thời tiết thay đổi do chuyển mùa, rất nhiều bệnh truyền nhiễm có nguy cơ gia tăng, trong đó có bệnh cúm. Đây là căn bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp, rất dễ lây lan. Thời kỳ ủ bệnh của bệnh cúm thường ngắn (1 - 3 ngày). Khởi phát có đau rát họng, tiếp theo là nghẹt mũi, chảy nước mũi và có thể có hắt hơi (kéo dài vài, ba ngày). Cùng với đau rát họng là sốt cao (có thể muộn hơn một vài ngày), đau nhức toàn thân và ho. Bệnh thường kéo dài khoảng một tuần là lui bệnh (khỏi). Tuy vậy, bệnh cúm có thể gây nên một số biến chứng, thậm chí có thể gây tử vong. Biến chứng hay gặp nhất là viêm phổi, nhất là với người có sức đề kháng kém.
Cũng theo ông Cảm, khi nghi bị cúm, cần xác định chắc chắn nguyên nhân gây bệnh, điều này diễn ra khi người bệnh được nhập viện kịp thời, nếu là do virus cúm, dùng thuốc kháng virus, đồng thời điều trị triệu chứng (giảm sốt, giảm ho…), nâng thể trạng và bù nước, chất điện giải bị mất do sốt.
Riêng với cúm H1N1, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu cho rằng, khả năng tồn tại ở môi trường bên ngoài của loại virus này rất cao, nên tốc độ lây truyền của cúm H1N1 vô cùng mạnh mẽ. Virus cúm H1N1 trong điều kiện bình thường có thể sống từ 24 - 28 tiếng, trong môi trường nước có thể lên tới 4 ngày ở nhiệt độ phòng và 30 ngày ở 00C. Mặc dù là cúm mùa thông thường, nhưng cúm H1N1 cũng có thể gây bệnh cảnh nặng hơn như viêm phổi khiến bệnh nhân ho nhiều, thở nhanh, khó thở, chụp Xquang cho thấy có tổn thương phổi. Một số bệnh nhân có triệu chứng của suy hô hấp cấp (ARDS), phù phổi và tử vong. Vì vậy, bệnh nhân không được chủ quan khi mắc cúm.
Trẻ em dưới 5 tuổi, người cao tuổi, phụ nữ mang thai là những đối tượng dễ mắc cúm. Bên cạnh đó, những người mắc các bệnh mãn tính như tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, hen suyễn, béo phì, ung thư, HIV/AIDS hay các hội chứng suy giảm miễn dịch khác cũng dễ nhiễm bệnh.
Cục Y tế dự phòng khuyến cáo, phương pháp phòng cúm mùa hiệu quả nhất là tiêm phòng vaccine cúm định kỳ. Ngoài ra, người dân cần tuân thủ tốt các thói quen vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; Che miệng và mũi khi ho, hắt hơi hoặc dùng khăn giấy sau đó bỏ vào thùng rác, nếu che bằng tay thì cần rửa tay ngay sau khi ho, hắt hơi nhằm tránh lây nhiễm sang vật dụng khác, cho người khác.
Những người mắc bệnh mạn tính, phụ nữ mang thai, người già, trẻ em cần tránh tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh cúm. Không tự ý sử dụng thuốc đặc biệt là thuốc kháng virus như Tamiflu mà phải tuân theo hướng dẫn của thầy thuốc.

Ngân Thu

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/nguy-hiem-cum-mua-336208.html