Nguy hiểm 'đò dù, bến lậu'

Thời gian qua, cơ quan chức năng TP Hồ Chí Minh phát hiện nhiều khu vực cầu cảng, bến đò xây dựng lấn chiếm hành lang bảo vệ sông, kênh rạch và các phương tiện thủy neo đậu trái phép, gây mất an toàn giao thông đường thủy.

Cơ quan chức năng kiểm tra bến đò khu vực Phước Bình Mỹ.

Cơ quan chức năng kiểm tra bến đò khu vực Phước Bình Mỹ.

Hiện, tại bến đò khách Phước Bình (phường Long Bình, Thủ Đức) hàng ngày có hàng trăm lượt hành khách di chuyển qua lại, chủ yếu là khách từ TPHCM đi lễ chùa Châu Đốc 3 (còn gọi là chùa Phước Long). Hợp tác xã đò khách Phước Bình Mỹ là chủ bến, đang quản lý có gần 20 phương tiện hoạt động, với sức chứa từ 20-50 người.

Đáng chú ý, theo ông Bùi Hòa An - Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM, hiện sở vẫn chưa cấp phép cho bất cứ tàu, đò nào từ tỉnh Đồng Nai vào phía chùa Phước Long. Vì vậy, hoạt động của các bến đò ngang sông được hai địa phương đưa vào “điểm đen” về giao thông đường thủy. Cũng tại khu vực này, mới đây vừa xảy ra vụ đò chở 12 người bị lật khi đang di chuyển từ hướng chùa Phước Long (Thủ Đức) đến bến đò Xưa (phường Long Bình Tân, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai), toàn bộ khách rơi xuống sông. Vụ tai nạn khiến một nạn nhân tử vong.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Lê Văn Thông, người có kinh nghiệm chở hàng nhiều năm trên đoạn sông này cho biết, các rủi ro từ hoạt động chở khách từ các bến đò tự phát di chuyển khách ngang sông thường xuyên trực chờ các rủi ro va chạm với tàu chở container. “Một con đò nhỏ thô sơ va chạm với tàu chở container với trọng lượng hàng ngàn tấn thì như trứng chọi đá và tài công giỏi cỡ mấy cũng không thể xử lý kịp” - ông Thông nói.

Còn anh Phạm Thanh Tâm, thuyền trưởng sà lan VL- 15108, là phương tiện mới đây đã bị tàu khách vỏ gỗ đâm vào gây tai nạn cho biết, tại các khu vực đò ngang sông thường xuyên có nhiều chuyến đò từ phía chùa Long Phước (TPHCM) qua địa phận tỉnh Đồng Nai. Để tránh xảy ra vụ việc lật tàu thương tâm như vừa qua thì các cơ quan chức năng của hai địa phương cần sớm xem xét lại các quy định đối với bến đò khách ngang sông do hoạt động thường xuyên tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.

Không chỉ tại các bến đò ngang sông, mới đây Tổ chuyên đề tuần tra kiểm soát đảm bảo trật tự an toàn giao thông thủy nội địa thuộc Phòng Cảnh sát đường thủy (Công an TPHCM) đã kiểm tra đột xuất nhiều bến thủy nội địa. Đại úy Huê Duy Nguyên - Phó Đội trưởng Đội xử lý vi phạm, điều tra tai nạn và hướng dẫn tuyên truyền pháp luật giao thông đường thủy cho biết, thời gian qua khu vực tuyến sông Sài Gòn đoạn bến cảng Bạch Đằng (quận 1, TPHCM) thường xuyên tập trung đông các du thuyền phục vụ du lịch.

Tại các khu vực kiểm tra, tổ tuần tra, kiểm soát đều yêu cầu các thuyền trưởng và chủ tàu phải cung cấp đầy đủ giấy chứng nhận chuyên môn thuyền trưởng, máy trưởng; bằng thuyền viên và giấy phép đăng ký phương tiện thủy nội địa.

Để siết chặt tình trạng “đò dù, bến lậu”, Thanh tra Sở GTVT TPHCM cho biết, đang phối hợp chặt chẽ với Công an TPHCM và UBND TP Thủ Đức trong công tác kiểm tra, xử lý bến thủy nội địa chưa được công bố, cấp phép hoạt động. Ngoài xử phạt hành chính theo thẩm quyền đối với hành vi neo đậu chưa được công bố, cấp phép hoạt động, các cơ quan chức năng cũng sẽ xử lý nghiêm nếu phát hiện phương tiện hoạt động đường thủy nội địa hoạt động “chui”, tiềm ẩn các nguy cơ gây tai nạn và mất an toàn giao thông đường thủy.

Một số chủ tàu cho biết, để tránh xảy ra các vụ va chạm, các cơ quan chức năng của hai địa phương cần sớm xem xét lại các quy định hoạt động đối với bến đò khách ngang sông.

Lê Anh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/nguy-hiem-do-du-ben-lau-5712163.html